Mang bầu lần hai sẽ khác với lần 1 như thế nào?
Theo thống kê của các chuyên gia thì hầu như tất cả các sản phụ đều đồng ý rằng lần mang bầu sau hoàn toàn không giống lần đầu tiên
Nếu bạn đã có một đứa con và dự tính có thêm một bé nữa, bạn có thể thấy tự tin vì "mình đã có tương đối kinh nghiệm từ lần sinh trước rồi". Tuy nhiên, theo thống kê của các chuyên gia thì hầu như tất cả các sản phụ đều đồng ý rằng lần mang bầu sau hoàn toàn không giống lần đầu tiên: Hình dáng cơ thể của bạn sẽ khác, tâm lý khác, điều kiện sống cũng khác - lần mang bầu trước, bạn đâu có phải chạy theo chăm sóc một cô/cậu nhóc đang tuổi nghịch ngợm không?
Quá trình mang thai
Có 3 điểm khác biệt lớn nhất về cơ thể bạn, và cách bạn cảm nhận về thai nhi.
1. Bạn sẽ cảm thấy cử động của con sớm hơn. Thông thường ở lần đầu tiên mang bầu, các bà mẹ thường cảm nhận bé đạp vào khoảng tháng thứ 5 của thai kỳ; ở lần mang bầu sau, vì kinh nghiệm hơn, đã biết thế nào là thai máy, mẹ sẽ thường cảm nhận được cử động của bé vào khoảng tháng thứ 4. Trong tháng thứ 3 của thai kỳ, mẹ đã có thể cảm nhận được sự hiện diện của bé con bởi những cử động nhỏ của bé, cảm giác như có những bong bóng nhỏ hay cử động của cánh bướm chạm vào thành tử cung. Nếu mới mang thai lần đầu, mẹ sẽ thường nhầm lẫn những dấu hiệu này với triệu chứng... đầy hơi.
3. Bụng bầu sẽ thấp hơn. Cơ bụng của bạn đã phải giãn ra nhiều ở lần mang bầu trước nên cũng yếu dần đi. Điều này khiến cho chúng không thể nâng đỡ được bào thai tốt như lần đầu tiên. Ưu điểm của việc bụng bầu thấp hơn là bạn sẽ thở dễ dàng hơn và ăn uống cũng thoải mái hơn do dạ dày không bị chèn ép nhiều. Khuyết điểm của việc này là triệu chứng "thăm toilet nhiều" sẽ xuất hiện sớm hơn, đồng thời áp lực lên khung chậu cũng nhiều hơn. Để giảm bớt sự khó chịu này, bạn có thể áp dụng bài tập Kegel (MYB tháng 4/2009) hoặc ngâm mình trong bồn nước mát. Bên cạnh đó, bạn cũng nên lưu ý một vài điều dưới đây:
- Tránh mang, xách những đồ nặng.
- Nếu phải đứng lâu thì nên đứng ở tư thế "nghỉ" (đầu gối cong).
- Khi nằm nghỉ, nên nằm nghiêng bên trái với một cái gối kê giữa hai chân hoặc cong một chân hay cả hai chân.
- Nếu phải ngồi lâu, nên giảm bớt áp lực chi vùng xương chậu bằng cách gác chân lên một cái ghế thấp.
Cuộc sống của bạn
Điều làm cho lần mang thai thứ hai vất vả hơn lần đầu tiên là bạn phải chăm sóc thêm một nhóc con, hai lần mang thai càng gần nhau thì bạn càng vất vả. Trông nom trẻ con là một trong những điều có thể làm trầm trọng hóa các vấn đề trong thời kỳ mang thai: bạn sẽ dễ stress hơn, và đau lưng thường xuyên hơn. Ghi nhớ và thực hiện 3 điều dưới đây có thể giúp bạn giảm bớt phần nào những căng thẳng và có một thai kỳ khỏe mạnh, tràn đầy sức sống.
1. Sáng tạo các kiểu nhấc con
Nếu bé đầu của bạn đang ở lứa tuổi chập chững biết đi hoặc lứa tuổi mẫu giáo, bạn sẽ thường xuyên phải nhấc bé lên xuống. Nếu bé cần trèo vào bồn tắm hay leo lên giường mà chưa với tới, bạn có thể kê một cái ghế nhỏ và giúp bé bước lên, tự trèo vào. Nếu bé còn quá nhỏ và bạn thường xuyên phải bế bé, hãy quỳ gối xuống, bế bé rồi đứng lên, tuyệt đối không nên khom người xuống ẵm bé.
2. Ăn uống điều độ, đầy đủ chất dinh dưỡng
Nếu bạn bị nghén nhiều và chán ăn, sẽ dễ dàng hơn nếu bạn chia 3 bữa lớn trong ngày thành nhiều bữa nhỏ hoặc ăn vặt thêm ngoài bữa chính (thêm bữa ăn xế chẳng hạn) - sữa chua hay phô mai là những lựa chọn tốt, ít béo, giàu năng lượng. Nên uống sữa đều đặn hoặc thay thế bằng những thực phẩm giàu canxi nếu bạn không uống được sữa. Ngoài ra, cũng đừng quên ăn trái cây tươi thường xuyên nhé.
3. Năng động
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, có hai bí quyết để bạn luôn cảm thấy khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng: hoạt động thể chất và nghỉ ngơi. Vận động giúp tăng năng lượng cho cơ thể bằng cách làm cho nhịp tim của bạn đập nhanh hơn, đưa oxy đi khắp cơ thể và lên não, giúp bạn cảm thấy sảng khoái hơn, giảm bớt cảm giác buồn ngủ thường xuất hiện trong thai kỳ. Nên cố gắng duy trì lịch tập thể dục hoặc đi bộ 30 phút mỗi ngày (có thể chia ra làm 3 lần, mỗi lần 10 phút cũng được). Nghỉ ngơi điều độ cũng là cách giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh, hãy đảm bảo bạn có được giấc ngủ 8 tiếng vào ban đêm và ít nhất nửa tiếng nghỉ trưa mỗi ngày.
Vượt cạn
Tin tốt lành cho bạn đây: Nếu cùng sinh thường (sinh qua ngã âm đạo), thời gian đau đẻ và sinh em bé của lần hai thường ngắn hơn lần đầu tiên. Lí do là bạn đã trải qua toàn bộ quá trình này một lần rồi, cổ tử cung của bạn không còn quá "cứng nhắc", sẽ mở dễ dàng hơn lần đầu rất nhiều.
Lần mang thai thứ hai cũng thường có nhiều cơn gò Braxton Hicks hơn lần đầu tiên, giúp tử cung được "luyện tập" thường xuyên hơn. Braxton Hichks, được đặt theo tên người bác sỹ đầu tiên mô tả ra chúng, là cơn gò xuất hiện vào giai đoạn giữa thai kỳ, các cơ tử cung gò cứng lại trong khoảng 30 - 60 giây. Các cơn gò này thường không đau và có thể được phân biệt với các cơn gò lúc chuyển dạ bởi thời gian gò ngắn hơn, tần suất không dồn dập bằng và thường hết khi thai phụ đi lại hoặc thay đổi tư thế (đứng lên nếu bạn đang ngồi hoặc nằm xuống nghỉ ngơi, nếu có thể). Những lần "luyện tập" với Braxton Hichks giúp tử cung giãn nhanh hơn, vì thế thời gian vượt cạn cũng được rút ngắn đi. Bên cạnh đó, trong lần sinh nở thứ 2, cơ tử cung và các mô âm đạo cũng có xu hướng "nhường nhịn" em bé và áp lực từ đầu của em bé, giúp mẹ giảm được khá nhiều số lần rặn.
Bên cạnh những khác biệt này, cũng có khá nhiều bà mẹ cho rằng bạn sẽ cảm thấy 9 tháng của thai kỳ trôi qua nhanh hơn khi mang thai em bé thứ 2 - trước khi bạn kịp nhận ra, bé con đã nằm gọn trong vòng tay âu yếm của bạn rồi. Ngoài ra, bạn cũng sẽ nhận ra rằng, cách bạn nuôi nấng, chăm sóc bé sau cũng sẽ khác bé trước một chút. Đọc thử truyện vui dưới đây và ngẫm thử xem có đúng không nhé.
Theo Meyeube