Trong bài viết “
Hãy chờ đợi” – Bài học dạy con tự lập của cha mẹ Pháp,
tác giả Pamela Druckerman, một bà mẹ Mỹ với khao khát tìm hiểu chìa
khóa nuôi dạy con “nhàn nhã” của cha mẹ Pháp đã chia sẻ nguyên tắc “Hãy
chờ đợi” để giúp phần lớn những đứa trẻ Pháp trở nên tự lập, ngoan ngoãn
và luôn vui vẻ.
Trong bài viết này, Pamela tiếp tục phân tích
một trong những điều khiến cô ngã mũ kính phục trước các cha mẹ Pháp, đó
là “uy quyền” của họ đối với con cái. Cha mẹ Pháp đã thể hiện “uy
quyền” của mình với con cái như thế nào? Dưới đây là những chia sẻ của
tác giả Pamela:
Khi các gia đình Mỹ đến thăm nhà của tôi, họ
thường dành nhiều thời gian để trông con vì chúng rất nghịch. Trong khi
đó, những người bạn Pháp thì ngược lại, người lớn ngồi uống cà phê còn
lũ trẻ thì tự chơi một cách vui vẻ.
Điều đó khiến tôi luôn tự
hỏi tại sao những đứa trẻ Pháp lại không ném thức ăn lung tung? Tại sao
cha mẹ của chúng không la hét? Và tôi có thể thay đổi mớ lộn xộn của
mình để có được kết quả tương tự với con của tôi không?
Những đứa trẻ Pháp luôn chơi đùa vui vẻ và tự tin mà không cần sự có mặt của bố mẹ ở bên cạnh. (Ảnh minh họa)Tôi
đã dành sáu năm để tìm hiểu cách dạy con của các gia đình người Pháp.
Hiện tại, Bean đã 6 tuổi và tôi có thêm một cặp sinh đôi 3 tuổi nữa. Lúc
này, tôi có thể nói với bạn rằng: “Người Pháp không thật sự hoàn hảo
nhưng họ có những phương pháp bí mật rất hiệu quả để dạy con cái”.
Người
Pháp đã và đang dạy con bằng cách hòa mình với chúng. Họ cho rằng cha
mẹ tốt không có nghĩa họ phải phục vụ con cái liên tục. Một bà mẹ người
Pháp nói với tôi rằng “buổi tối là thời gian của cha mẹ; con cái cũng có
thể ở cùng với cha mẹ nếu chúng muốn nhưng đây là thời gian của riêng
người lớn”. Trong khi những đứa trẻ Mỹ đang được kèm cặp trước khi đi
học thì những đứa trẻ Pháp phải tự học cách bước đi.
Những đứa
trẻ Mỹ không có những khuôn khổ rõ ràng và cha mẹ chúng thì lại thiếu uy
quyền trong việc dạy con. Điều này trái ngược với cha mẹ Pháp. Với họ,
những đứa trẻ chỉ được hành động trong những khuôn khổ nghiêm ngặt nào
đó và bên trong những khuôn khổ này thì chúng có quyền tự do và tự chủ.
Uy
quyền là một trong những phần ấn tượng nhất trong việc nuôi con của
người Pháp. Tôi gặp nhiều cha mẹ Pháp có cách quản lý con dễ dàng và
bình tĩnh làm tôi rất ghen tị. Con cái của họ thực sự lắng nghe họ và
hai bên không ngừng thảo luận trong những cuộc nói chuyện kéo dài.
Một
sáng chủ nhật, tại công viên, hàng xóm của tôi, Frédérique, đã chứng
kiến việc tôi khổ sở như thế nào để đối phó với cậu con trai hai tuổi
của tôi. Leo làm tất cả mọi thứ rất nhanh và nó làm tôi bị quay cuồng.
Nó luôn muốn được thoát khỏi cái công viên này.
Frédérique vừa
nhận nuôi một cô bé ba tuổi người Nga. Trong thời gian chúng tôi đi
chơi, cô đang mang bầu ba tháng. Nhờ có tố chất của một người Pháp, cô
đã có một cách nhìn hoàn toàn khác so với tôi về uy quyền của cha mẹ.
Frédérique
và tôi ngồi trong khu chơi cát của lũ trẻ và nói chuyện với nhau. Leo
thì vẫn đùa nghịch ở ngoài cổng. Mỗi lần tôi đứng dậy để đuổi theo nó,
mắng nó và kéo nó trở lại thì nó lại hét lên. Lúc đầu, Frédérique nhìn
chúng tôi trong im lặng. Sau đó, cô ấy nói không chút nể nang rằng nếu
tôi cứ đuổi theo con mãi như vậy, chúng tôi sẽ không thể có một cuộc nói
chuyện vui vẻ trong vài phút được.
Đó là sự thật nhưng tôi có
thể làm gì khác? Frédérique đã nói rằng tôi nên nghiêm khắc hơn với Leo.
Trong tâm trí của mình, việc dành cả buổi chiều để đuổi theo Leo là
điều không thể tránh khỏi. Nhưng với Frédérique thì việc làm này của tôi
là không chấp nhận được.
Tôi đã la mắng Leo trong suốt hai
mươi phút nhưng Frédérique chỉ cười rồi khuyên tôi cần nói “không” một
cách nghiêm nghị hơn và phải thực sự tin vào ý nghĩa của câu nói đó.
Thời gian sau đó, Leo tìm cách chạy ra ngoài cổng và tôi đã nói “Không”
một cách nghiêm nghị hơn nhưng nó vẫn đi. Tôi lại phải đuổi theo và kéo
nó lại.
Tôi phàn nàn rằng lời khuyên của Frédérique vô nghĩa
nhưng cô cười và nói rằng tôi không nên la mắng như vậy mà chỉ cần nói
chuyện với con nhẹ nhàng và tin tưởng hơn thôi. Tôi lo rằng tôi sẽ làm
con trai mình sợ hãi nhưng Frédérique động viên tôi “Không sao đâu” và
giục tôi làm theo.
Leo vẫn không nghe lời một lần nữa nhưng tôi
dần dần cảm thấy việc nói “Không” của tôi đã thuyết phục hơn, không phải
vì tôi nói to hơn mà chỉ vì tôi nói tự tin hơn. Thử lần thứ tư, khi tôi
thấy mình có rất nhiều niềm tin thì Leo đã đến gần cửa nhưng thật kỳ
diệu, nó không mở cửa. Nó nhìn lại tôi một cách thận trọng. Tôi mở to
mắt và cố gắng tỏ ra không hài lòng.
Sau khoảng 10 phút, Leo đã
không còn chạy lung tung ra ngoài nữa. Nó dường như đã quên cái cổng và
chỉ chơi trong khu có cát dành cho trẻ. Frédérique và tôi lại nói chuyện
với nhau. Tôi đã rất bất ngờ và nghĩ rằng Leo đang nghĩ tôi là một nhân
vật thật quyền lực.
“Hãy nhìn xem”, Frédérique nhẹ nhàng nói,
“Đó là nhờ cách nói của bạn đấy!”, và cô ấy chỉ cho tôi thấy Leo không
hề bị tổn thương sau khi tôi đã nói “Không”. Đó cũng là lần đầu tiên con
tôi hành động giống như một đứa trẻ Pháp.
(Nguồn: WJ)