Luyện tập khả năng phản xạ cho trẻ sơ sinh, những lợi ích tuyệt vời mà cha mẹ không hay biết
Những phản xạ ở trẻ sơ sinh là gì và liệu cha mẹ có nên luyện tập các phản xạ cho con hay “cứ để mọi chuyện tự nhiên” như nhiều người vẫn nghĩ.
Khi nhắc đến trẻ sơ sinh, chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ đến những tiếng khóc triền miên với tã, bỉm và sữa. Thế nhưng ngoài những điều đó, bạn có biết trẻ sơ sinh cũng sở hữu nhiều khả năng bất ngờ người lớn không thể hiểu được hết.
Ở trẻ sơ sinh có nhiều phản xạ mà bố mẹ cần biết.
Một trong số đó phải kể đến khả năng phản xạ. Theo các nhà khoa học, trẻ sơ sinh có nhiều khả năng phản xạ đáng kinh ngạc, chẳng hạn như phản xạ bước đi. Nếu nói “con của bạn có thể bước đi từ 2 tháng tuổi” thì hẳn là nhiều ông bố, bà mẹ sẽ lắc đầu lia lịa và trả lời “không thể nào như vậy được”. Tất nhiên, điều đó nghe có vẻ phi thường, nhưng bạn hãy thử đỡ một đứa trẻ sơ sinh lên, khéo léo để bé thẳng người, đặt hai chân em bé chạm lên bề mặt nào đó, bạn sẽ thấy chân em bé bước đi, chân nọ rồi đến chân kia theo cách vụng về. Người ta gọi đó là phản xạ bước đi.
Bác sĩ luyện tập phản xạ cho trẻ sơ sinh.
Vậy những phản xạ ở trẻ sơ sinh là gì và liệu cha mẹ có nên luyện tập các phản xạ cho con hay “cứ để mọi chuyện tự nhiên” như nhiều người vẫn nghĩ?
1. Phản xạ bước đi
Phản xạ bước đi là một trong nhiều “hành động vô thức” (hay còn gọi là bẩm sinh) mà trẻ sơ sinh có được khi bắt đầu khám phá thế giới mới ngay khi vừa lọt lòng mẹ. Và nó cũng không kéo dài mãi mãi. Nếu không được luyện tập phản xạ này sẽ biến mất trong khoảng từ 3 đến 6 tuổi, mà đa số là vào tháng thứ 4.
Có thể bạn cho rằng phản xạ bước đi không có gì đáng lưu ý. Nhưng thực tế thì đây là phần quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ, làm tiền đề để trẻ học đi trong những tháng sau đó.
Nếu bố mẹ chăm chỉ luyện tập phản xạ này cho bé thì đó có lợi cho sự phát triển của cơ chân, phát triển thể chất, tăng cường sự khỏe khoắn cho đôi chân của bé.
2. Phản xạ cầm nắm
Rất dễ để kiểm tra phản xạ này ở trẻ sơ sinh. Bởi đơn giản bạn chỉ cần đưa ngón tay hoặc đồ vật gì đó lại gần tay bé. Ngay lập tức những ngón tay của bé sẽ nắm chặt lấy vật thể.
Chân cũng vậy, nếu bạn chạm vào lòng bàn chân bé, các ngón chân sẽ co lại.
Phản xạ này được coi là khả năng “thiên bẩm” của các em bé sơ sinh. Nó cũng sẽ biến mất qua thời gian để đến giai đoạn bé sẽ biết mở tay ra cầm nắm mọi thứ. Nếu bố mẹ để ý và luyện tập phản xạ này cho con vào đúng thời điểm sẽ giúp não bộ bé sớm phát triển nhanh hơn, biết mở và nắm bàn tay linh hoạt. Bởi thông thường các bé sơ sinh chỉ biết nắm chưa biết thả, qua hoạt động này bé chủ động cảm nhận và điều khiển các chi có mục đích. Nếu được tập luyện thường xuyên, cơ ngón tay, bàn tay và cánh tay của bé sẽ chắc khỏe, dẻo dai và giúp bé sử dụng có thể đôi tay của mình một cách khéo léo khi lớn lên.
3. Phản xạ ngóc đầu
Thông thường, khi mới chào đời, tất cả các phụ huynh đều đặt con nằm ngửa. Hành động tưởng là hiển nhiên này vô tình có thể khiến cho phần đầu của bé bị giữ yên một tư thế dẫn đến “bẹt đầu” (như một số trường hợp từng xảy ra).
Trái lại, nếu bạn thỉnh thoảng đặt trẻ nằm sấp, cái cổ non yếu của bé sẽ cố ngóc đầu lên một tí rồi nghẹo về một bên với cánh tay duỗi thẳng. Cánh tay bên phía đối diện thì gập lại.
Phản xạ ngóc đầu này sẽ giúp phát triển cơ cổ và lưng trên của bé. Bên cạnh đó, tay của bé cũng sẽ được hoạt động nhiều hơn để giúp cơ bắp khỏe hơn, có lợi cho quá trình tập lẫy, bò, trườn sau này.
Ngoài ra còn có nhiều phản xạ khác như:
- Phản xạ giật mình: Bất kỳ sự thay đổi đột ngột nào ở giường (cũi) trong lúc bé đang ngủ đều khiến bé giật mình. Bé giật nảy mạnh đến mức có thể quăng cả hai tay ra khỏi người. Nhưng ngay sau đó, bé sẽ thu tay lại như thể đang ôm lấy mình.
- Phản xạ phòng vệ: Chẳng hạn như ho và hắt hơi hoặc khi có cái gì đó che vào mặt bé, bé sẽ liên tục giật nó ra khỏi mặt. Các phản xạ này rất hữu ích nhưng nó cũng giải thích vì sao, bé thường cáu kỉnh khi được mẹ kéo cổ áo ra khỏi đầu.
- Phản xạ cơ bản: Nếu bạn chạm vào má của bé, bé sẽ hướng về phía má vừa được chạm. Điều này được gọi là phản xạ cơ bản. Nó rất hữu ích khi bạn muốn cho bé ăn. Bé sẽ hướng về núm vú mẹ theo hướng mà bên má của bé được vuốt ve.
- Phản xạ mút: Phản xạ này thường xảy ra với các phản xạ cơ bản nhưng cũng có thể xảy ra đơn độc. Hãy chạm vào môi của bé, sau đó bạn quan sát chuyển động mút và nuốt mà bé của bạn vừa tạo ra.
Nguồn: Tổng hợp