Làm thế nào để phòng dị tật ống thần kinh cho trẻ?

Linh Chi,
Chia sẻ

Dị tật ống thần kinh ở thai nhi để lại nhiều di chứng nghiêm trọng khó có thể chữa khỏi - là gánh nặng vật chất cũng như tinh thần cho gia đình.

Theo chia sẻ của ThS.BS Hồ Giang Nam - Khoa Phụ, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, ống thần kinh là một cấu trúc tồn tại trong thời kỳ phôi thai, nền tảng cốt lõi để phát triển thành hệ thần kinh hoàn thiện sau này gồm: bộ não, hộp sọ, tủy sống và xương sống. Ống thần kinh phát triển rất sớm, ban đầu chỉ là một dải mô nhỏ, gấp vào phía trong để tạo thành hình dạng một cái ống. Bắt đầu từ ngày thứ 18, ống thần kinh sẽ khép dần lại. Đến ngày thứ 28, ống thần kinh sẽ khép hoàn toàn. Nếu như hiện tượng này không diễn ra đúng và ống thần kinh không đóng lại hoàn toàn thì sẽ dẫn đến khiếm khuyết ở não và cột sống.

Nguyên nhân gây dị tật

Thiếu axit folic: Ống thần kinh cần được cung cấp một hàm lượng axit folic cần thiết vừa đủ để phát triển hoàn thiện, tức khép kín hoàn toàn. Nếu như cơ thể người mẹ không có đủ axit folic để cung cấp cho bào thai, ống thần kinh sẽ không khép kín và gây ra dị tật với các biểu hiện: sứt môi, hở hàm ếch, dị tật tim, liệt các chi, não úng thủy, nứt đốt sống… thậm chí gây tử vong.

Theo tài liệu "Ngăn ngừa dị tật ống thần kinh" của Tổ chức Y tế Thế giới (Ban Bảo vệ Sức khỏe sinh sản, năm 2006), cơ thể người mẹ thiếu hụt axit folic ngay tại thời điểm thụ thai sẽ làm tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh thai nhi.

Môi trường và lối sống: Một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa tình trạng khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi và ảnh hưởng của môi trường hoặc lối sống không lành mạnh của người mẹ. Các trường hợp mẹ hút thuốc, thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, béo phì, tiểu đường… thường có nguy cơ sinh con dị tật cao hơn.

Làm thế nào để phòng dị tật ống thần kinh cho trẻ? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Hội chứng di truyền liên kết: Theo thống kê, các vấn đề về di truyền cũng góp phần không nhỏ gây nên vấn đề liên quan đến dây thần kinh. Tuy nhiên, những trường hợp này là rất hiếm.

Tất cả phụ nữ mang thai đều được khuyến cáo bắt đầu bổ sung sắt và axit folic ít nhất 3 tháng trước thời điểm dự định có thai, uống suốt quá trình có thai và sau sinh 6 tháng với liều dùng 400 - 800mcg axit folic/ngày và 30 - 60mg sắt/ngày.

Phòng ngừa khiếm khuyết ống thần kinh

Axit folic: Axit folic (hay vitamin M và Folacin) và folat (dạng anion) là các dạng hòa tan trong nước của vitamin B9, cần thiết cho dinh dưỡng hằng ngày của cơ thể người để phục vụ các quá trình tạo mới tế bào, đặc biệt là hồng cầu.

Nhiều nghiên cứu cho thấy axit folic là dưỡng chất rất quan trọng cho sức khỏe bà bầu và thai nhi. Axit này còn giúp phòng dị tật về môi, tim, ống tiểu và chân tay ở trẻ sơ sinh. Chất này có mặt tự nhiên trong thức ăn và cũng có thể hấp thu từ thuốc uống bổ trợ.

Thực phẩm giàu chất axit-folic: Thai phụ nên ăn các loại thực phẩm giàu axit folic. Ống thần kinh phát triển rất sớm trong 4 tuần đầu của thai kỳ và thường trước khi các thai phụ biết mình mang thai. Vì thế, tốt hơn hết là tất cả các phụ nữ ở tuổi sinh đẻ nên sử dụng axít folic.

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng sử dụng đủ axit folic trước và trong suốt thai kỳ có thể phòng ngừa khiếm khuyết ống thần kinh. Các phụ nữ ở tuổi sinh đẻ nếu có thể sẽ mang thai thì nên uống 0,4mg axit folic mỗi ngày. Đảm bảo đủ axit folic trước và trong khi mang thai có thể giảm tới 93% nguy cơ dị tật ống thần kinh.

Theo khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới và Viện Dinh dưỡng Việt Nam (8/2008), 53% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh sản có nồng độ axit folic (dolate) trong máu thấp dưới ngưỡng tối ưu để ngăn ngừa dị tật ống thần kinh thai nhi. Như vậy, cứ 2 người phụ nữ Việt Nam thì có 1 người mang nguy cơ tiềm ẩn sinh con bị dị tật ống thần kinh.

Sắt: Sắt được hấp thụ tốt hơn khi đói, bà bầu nên uống sắt sau bữa ăn 1 - 2 giờ. Đồng thời, để giúp sắt hấp thu được tốt nên tăng sử dụng những thực phẩm chứa nhiều vitamin C. Bổ sung sắt để tránh nguy cơ làm hại thai nhi. Không uống viên sắt cùng với chè, cà phê, sữa vì sẽ giảm hấp thu sắt. Nên uống những sản phẩm sắt có chứa axit folic, vitamin C và vitamin nhóm B để dễ hấp thụ, tăng hiệu quả tái tạo hồng cầu và tạo máu.

Dị tật này có thể phòng ngừa bằng chế độ dinh dưỡng được bổ sung axit folic đầy đủ, hoặc bổ sung bằng các loại thực phẩm chức năng dành riêng cho thai phụ. Với tình trạng thiếu axit folic chung ở đa số các thai phụ Việt Nam, việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của vitamin này kết hợp với các phương pháp, xét nghiệm sàng lọc trước sinh là vô cùng cần thiết và cấp bách để xây dựng một thế hệ tương lai tươi sáng hơn.

Chia sẻ