Kinh nghiệm khi mua sắm cho bé

,
Chia sẻ

Ngay khoảnh khắc biết mình “hai vạch”, tôi bắt đầu nghĩ về những thứ mình sẽ mua để đón em bé, dù theo "người lớn", tôi phải đợi đến tuần thứ 28 mới được bắt đầu sắm đồ cho con.

Như mọi bà mẹ trẻ khác, chắng mấy chốc, tôi nhận ra việc có em bé “đắt đỏ” như thế nào. Cuộc mua sắm kéo dài cả tháng, với hàng chục lần đến siêu thị, cửa hàng trẻ em, chợ và mua qua mạng, nhưng đến sát ngày dự sinh tôi vẫn thấy thiếu đủ thứ. Kết cục bi thảm là khi con tôi tròn hai tuổi, tôi phải thanh lý giá rẻ hàng đống thứ mà tôi nhận ra mình chưa bao giờ dùng.

Thật dễ hiểu khi bạn sắp sinh em bé, và bạn muốn bé có mọi thứ tốt nhất. Nhưng chính vì bạn sắp sinh em bé, bạn phải tiết kiệm để dự phòng, và vì thế bạn biết mình không thể vung tay quá trán được. Đó là một nghịch lý khó cân bằng. Có con thì tốn kém – đó là một thực tế mà bạn phải đối mặt, nhưng nó không nhất định phải tốn kém như bạn nghĩ.

Đây là những bí quyết tiết kiệm mà tôi đúc kết được sau khi sinh bé thứ hai.

Quần áo: nhớ mua quần áo cỡ lớn hơn tháng tuổi của bé. Đừng phung phí vào những chiếc áo newborn bé xíu dễ thương. Chỉ cần qua những ngày ở bệnh viện là bé đã sắp chật. Tối thiểu hãy mua cỡ 3 – 6 tháng. Hầu hết những em bé sáu tháng đều mang quần áo cỡ chín tháng, và bé một tuổi mặc áo cỡ hai tuổi. Cũng không cần vung tay cho những bộ quần áo hàng hiệu khi con bạn chưa được một tuổi. Bé không quan tâm mình ăn mặc như thế nào. Những chiếc quần jeans hay kaki hàng hiệu nhìn rất mốt nhưng có lưng thun cứng, vải cứng sẽ không làm bé thoải mái. Chỉ cần những bộ quần áo bằng cotton nhạt màu là đủ để trông bé như thiên thần.

Bú sữa mẹ: trong thực tế không phải bà mẹ nào cũng có thể nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu bạn có trục trặc gì đó và phải cho con uống sữa công thức, đừng áy náy. Nhưng nếu bạn có thể, hãy cố gắng nuôi con bằng sữa mẹ. Tốt cho bé, tốt cho bạn, và hãy tin tôi, việc đó giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền rất lớn.

Thức ăn: khi bé bắt đầu ăn dặm, hãy tự nấu thức ăn cho con. Như vậy rẻ hơn, an toàn hơn, và ngon hơn là thức ăn đóng lọ. Và cũng không khó tí nào. Sử dụng rây, hoặc máy xay tay để chế biến.

Giày cho bé: những đôi giày trông xinh xắn đáng yêu nhưng các bác sĩ khuyên rằng hãy cho bé đi chân trần khi nào sàn không bị lạnh, như vậy bé phát triển tốt hơn. Mang vớ chống trượt cho bé là đủ để giữ ấm. Khi lớn hơn, đến tuổi tập đi chập chững, hãy mua cho bé một đôi giày êm, nhẹ, thoáng khí. Chỉ một đôi là đủ, bởi bé rất mau lớn và bạn sẽ phải thay ngay khi đôi giày vẫn còn mới.

Không cần mua ghế ăn đắt tiền. Bé nhỏ có thể nằm ăn trong ghế nằm, hay tựa vào người mẹ. Khi bé ngồi vững, bạn có thể mua cho bé một chiếc ghế chân cao bằng gỗ có dây đai, lót đệm với giá rẻ.

Đồ chơi: hãy tránh xa những đồ chơi Trung Quốc nhiều màu sắc sặc sỡ và rẻ tiền. Tuy vậy, cũng không cần mua quá nhiều đồ chơi đắt tiền cho con. Khi còn ẵm ngửa, bé chỉ cần một món đồ chơi mềm bằng vải hoặc nhựa an toàn có thể gặm được. Lúc này bé thích nghe và trò chuyện với bạn hơn. Hãy đợi con bạn lớn lên một chút để biết ý của bé rồi mua đồ chơi cũng không muộn. Tôi biết ít nhất ba em bé không chịu chơi những đồ chơi đắt tiền, mà chỉ thích nghịch ngợm những chiếc remote (chắc chắn đã được tháo pin) hoặc chai nước suối rỗng. Một vài bé thậm chí còn thích chơi với những chiếc hộp đựng hơn là món đồ chơi đắt tiền bên trong.

Quà tặng: đa số mọi người đều thích tặng quà cho trẻ con, nhưng không phải ai cũng có đủ kinh nghiệm để mua đúng thứ bạn cần. Khi bạn bè người thân hỏi bạn cần gì, hãy thành thật cho họ biết: loại tã nào, sữa, quần áo cỡ mấy, đồ chơi gì... Họ sẽ rất vui vẻ đáp ứng trong khả năng và bạn thì không phải bối rối và tiếc nuối trước những món quà không dùng đến.
 
Theo Hiền Mai
SGTT
Chia sẻ