Không chỉ bồi dưỡng thể chất và IQ, EQ cũng là yếu tố cực quan trọng khi nuôi dạy trẻ cha mẹ không thể bỏ qua
Bên cạnh Trí thông minh (IQ), Trí tuệ cảm xúc (EQ) đang dần được các bậc phụ huynh quan tâm và bồi dưỡng cho con mình. Vậy EQ là gì và tại sao EQ lại là một khía cạnh quan trọng trong việc nuôi dạy trẻ?

Bạn chọn nuôi con thông minh hay tình cảm
Trí tuệ cảm xúc (EQ) là khả năng kiểm soát cảm xúc bản thân và nhìn nhận ý kiến khách quan của một người. Nếu một người có trí tuệ cảm xúc cao, họ sẽ nhìn nhận sự việc xảy ra một cách tích cực và đa chiều. Đối với trẻ em, EQ được bộc lộ qua những hành vi rất đơn giản như khóc khi không vừa ý hay phản ứng thô lỗ khi bị cha mẹ la mắng. Dưới đây là 4 biểu hiện theo cấp bậc cho thấy một đứa trẻ có EQ cao mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo:
Có thể mô tả cảm xúc của bản thân và người khác
Đối với những trẻ nhỏ hơn, việc quấy khóc mỗi khi đói hoặc mỉm cười khi được cha mẹ vỗ về ôm ấp cũng thể hiện được trẻ đang hài lòng hoặc không hài lòng. Với trẻ đã có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ, nếu thấy trẻ nói "con khó chịu" hay "ba mẹ không vui sao" cũng là một biểu hiện cho thấy trẻ đang định nghĩa, gọi tên cảm xúc của bản thân và người khác.
Trẻ thấu hiểu về cảm xúc
Sau khi gọi tên được cảm xúc của mình, trẻ dần tiến đến việc thấu hiểu lý do bắt nguồn những cảm xúc đó. Có thể thấy rõ ở những trẻ đã đi học với những câu chuyện ngô nghê như "hôm nay bạn không cho con chơi chung nên con buồn" hay "hôm nay cô khen con có đồ cột tóc đẹp, con vui lắm".
Đáp lại
Tiếp đến, trẻ sẽ có khả năng mô tả và đáp lại cảm xúc của mình, của người khác. Ví dụ trẻ sẽ tự chơi khi thấy bố mẹ bận rộn hoặc vui mừng và cám ơn khi được khen.
Làm chủ
Khi trẻ có thể làm chủ, học cách chế ngự cảm xúc của mình thì khả năng phát triển tư duy rất cao. Trẻ sẽ có những ứng xử hợp lý trong cộng đồng.
Để EQ của trẻ được phát triển và nuôi dưỡng đúng đắn, các chuyên gia đã đưa ra một vài gợi ý giúp các bậc cha mẹ tìm hiểu:
1. Thấu hiểu cảm xúc của con: Cha mẹ trước tiên cần quan sát và đủ nhạy cảm để thấu hiểu cảm xúc của con bởi mỗi đứa trẻ sẽ có những phương thức biểu đạt cảm xúc khác nhau. Những biểu hiện cảm xúc của con trẻ đôi khi bị đánh giá là "lì lợm", "nghịch ngợm", dẫn đến chỉ trích mọi hành động của đứa bé. Tuy nhiên các nhà tâm lý học khuyên các bậc phụ huynh đừng căng thẳng mà hãy có góc nhìn tích cực hơn. Những cảm xúc tiêu cực của đứa trẻ như xấu hổ, ghen tị…một mặt sẽ giúp phát triển đa dạng cảm xúc và hình thành tâm lý ổn định cho con. Ngoài ra, lúc nóng giận, phụ huynh không nên giao tiếp ngay với trẻ, mà học cách gọi tên cảm xúc, sau đó tìm không gian riêng để bình tĩnh lại.

Dành thời gian cho con để thấu hiểu cảm xúc của con
2. Lắng nghe và đánh giá tất cả cảm xúc, khuyến khích con chia sẻ và bộc lộ cảm xúc một cách chân thật, bản năng nhất, và không áp đặt suy nghĩ của mình lên trẻ. Đây là gợi ý quan trọng vì khi cảm thấy mình được lắng nghe, trẻ sẽ tin tưởng và thoải mái bộc lộ các giới hạn cảm xúc với bạn.
Mỗi ngày, phụ huynh có thể dành 60 phút để thấu hiểu con qua các trò như "tổng đài lắng nghe", "chúng ta là bạn"…và qua đó, đánh giá các hành vi bộc lộ cảm xúc của trẻ là đúng hay sai và tìm phương thức để giúp con điều chỉnh, rèn luyện.
3. Giúp con gọi tên cảm xúc và hướng dẫn con ứng xử với cảm xúc. Sau khi đã thấu hiểu và định nghĩa được cảm xúc của con, hãy hướng dẫn con gọi tên chính cảm xúc đó. Tiếp theo, hãy thông qua việc con thể hiện cảm xúc một cách bản năng để giáo dục cho trẻ về những phương thức ứng xử phù hợp với độ tuổi, văn hoá.
4. Cùng con chơi đùa và dạy con về sự thấu cảm. Nếu lắng nghe và chia sẻ là một cách giúp trẻ rèn luyện sự thấu hiểu cảm giác, thì chơi cùng con, giải thích cho con về sự thắng – thua hay việc nhường nhịn hoặc có những giới hạn trong các mối quan hệ là một gợi ý hay mà cha mẹ có thể áp dụng, để bước đầu cùng con hiểu và tiếp cận "sự thấu cảm".
Khi trẻ hiểu được giá trị của một mối quan hệ không phải là thắng thua mà chính là sự vui vẻ, tôn trọng nhau, trẻ đã có thể hình thành một nền tảng EQ cho các bước phát triển về sau.

Những dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển của não bộ trẻ
5. Dinh dưỡng tác động đến EQ của trẻ. Trong 5 năm đầu đời của trẻ, dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, cân nặng, hay trí não mà còn tác động mạnh mẽ đến EQ của trẻ. Nghiên cứu cho thấy, MFGM có trong sữa mẹ giúp hỗ trợ phát triển trí não tốt hơn cả về IQ và EQ. Hiện nay, với công nghệ lọc hiện đại, MFGM đã được chiết xuất từ sữa bò và duy trì với hàm lượng dinh dưỡng cao trong sữa công thức, trở thành lựa chọn của nhiều bậc phụ huynh.
Trẻ em cần nhiều thời gian để phát triển nhận thức và kỹ năng. Do đó, bên IQ, các bậc phụ huynh cũng nên lưu tâm dành thời gian để phát triển EQ ở trẻ cũng như chọn một giải pháp dinh dưỡng phù hợp.