Hy hữu: Bé trai bị bút chì đâm xuyên vào mông
Bệnh viện Nhi Đồng 2 vừa tiếp nhận một trường hợp tai nạn học đường hy hữu: Bé trai 9 tuổi nhập viện vì bị bút chì đâm thấu mông trái trong lúc nô đùa tại trường học.
Nạn nhân là bé ở tại Củ Chi (HCM) nhập viện vì bị bút chì đâm thấu mông trái trong lúc nô đùa tại trường học. Được biết, bệnh nhi này vô tình ngồi lên cây bút chì do bạn học đùa và đặt dưới ghế. Sau tai nạn, bé được chuyển ngay đến cơ sở y tế sơ cứu và được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 điều trị tiếp tục.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, bệnh nhi được tiến hành mổ khẩn thám sát lấy viết chì, cắt lọc khâu vết thương và đặt dẫn lưu. Sau 4 ngày điều trị, bé được rút dẫn lưu, vết mổ lành tốt. Hiện tại, bé đã ổn định và xuất viện.
Theo ê-kíp phẫu thuật cho biết, đây là trường hợp tai nạn hy hữu nhưng thường gặp trong môi trường học đường do đặc tính hay nô đùa và trêu ghẹo bạn bè của trẻ. Trong trường hợp này, bệnh nhân khá may mắn, mặc dù vết thương do viết chì đâm thấu mông rất sâu (khoảng 8 cm), nhưng không gây tổn thương hậu môn trực tràng.
Hình ảnh cây bút chì đâm vào mông bé trai.
Nếu trường hợp không may - vết chấn thương rách vùng hậu môn trực tràng thì việc phẫu thuật sẽ phức tạp hơn và phải làm thêm hậu môn tạm phía trên bụng để dẫn lưu phân ra da tạm thời, đợi vết thương phía dưới vùng hậu môn lành hẳn. Sau đó bệnh nhân sẽ được phẫu thuật lại đóng hậu môn tạm do nguy cơ nhiễm trùng và xì rò đường tiêu hóa cao nếu khâu vá chỗ thương tổn vùng hậu môn trực tràng đơn thuần.
Các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh và giáo viên nên thường xuyên nhắc nhở và theo dõi các trẻ trong lứa tuổi học đường tránh để các vật sắc, nhọn dưới ghế và nên quan sát trước khi ngồi để tránh các tai nạn đáng tiếc tương tự xảy ra.
Thông thường, các tai nạn thương tích thường gặp đối với trẻ trong độ tuổi đi học bao gồm, tai nạn do ngã, do thiết bị đồ dùng đồ chơi ngoài trời (thiết bị cũ, lâu ngày không được kiểm tra nên xảy ra hỏng hóc, sập) hay do đuối nước, ngộ độc thức ăn. Ngoài ra, trẻ còn dễ bị thương tích do vật sắc nhọn, do bị ngạt đường thở, do bỏng, điện giật, tai nạn giao thông… Có thể nói, chỉ cần một vài phút lơ là của người lớn, tai nạn thương tích đối với trẻ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Trẻ em trong độ tuổi đi học thường rất hiếu động, tò mò, nghịch ngợm nhưng lại thiếu kiến thức, kỹ năng phòng, tránh nên rất dễ xảy ra tai nạn thương tích. Vì vậy, vấn đề bảo đảm an toàn cho trẻ, các trường cần có biện pháp đảm bảo an toàn ở mọi khu vực trong khuôn viên nhà trường, từ hành lang, cầu thang, thiết bị trong phòng học, tới đồ dùng học tập, đồ chơi ngoài trời… Ngoài ra, mỗi giáo viên cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là trong giờ ra chơi, không cho trẻ leo trèo cầu thang, ban công, không để trẻ chơi đùa vật sắc nhọn, đánh, đuổi nhau trong lớp.
Nhằm phòng tránh tai nạn thương tích với trẻ, các bác sĩ khuyến cáo, người lớn cần thường xuyên để mắt đến trẻ, cần thường xuyên nhắc nhở trẻ không được chạy nhảy, nô đùa, xô đẩy nhau khi ở nhà, ở trường, trên đường đi học, đi chơi. Khi phát hiện trẻ có dị vật trong đường thở cần nhanh chóng lấy dị vật ra khỏi mũi miệng của trẻ bằng cách để trẻ cúi hoặc nằm sấp trên đùi, vỗ mạnh nhiều lần vào lưng giữa hai vai trẻ để dị vật bật ra ngoài. Để hạn chế những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc, phụ huynh cần phối hợp với thầy cô giáo dạy trẻ tuân thủ Luật giao thông, không dàn hàng ngang trên đường, không đùa nghịch, không phóng nhanh vượt ẩu…