Học kỹ năng sống không mất tiền
Hồi bé Mi mới nghỉ hè, chị Thơ định cho con gái theo học lớp dạy kỹ năng sống. Chuẩn bị lên cấp II rồi mà Mi chẳng biết làm gì cả, tính tình thì nhút nhát.
Nghe vậy, chị Tố xua tay: “Trời ơi, mấy cái lớp đó đi có chục ngày mà tốn vài triệu. Lương công chức tụi mình sao kham nổi?”. Chị Thu gật gù: “Phải đó, năm ngoái, mấy bà trong cơ quan mình cho con đi học về than tốn tiền mà đâu lại vào đó!”. Chị Thanh, mẹ cậu bé tên Bom vừa ngoan vừa học giỏi, góp chuyện: “Kỹ năng sống” không phải là cái gì quá cao siêu, phức tạp đâu. Theo mình, đó là những điều tối thiểu bọn trẻ cần biết để có thể tự lập. Muốn con tự lập thì nên dạy từ khi chúng còn nhỏ. Để mình kể chuyện dạy Bom xem liệu Thơ có rút được kinh nghiệm gì không nhé!”.
…Chồng chị Thanh công tác xa. Vì vậy, chị phải một mình nuôi con rất vất vả. Ngay từ khi Bom còn rất nhỏ, chị đã tập cho cháu tự chăm sóc bản thân như khi biết ngồi, chị tập cho Bom ngồi bô mà không phải “xi”. Lớn hơn, chị cho Bom ngồi toa lét, kê thêm cái ghế để cháu vịn, khỏi ngã. Rồi chị dạy Bom tự rửa mặt, thay quần áo… Đến bữa ăn, chị dạy Bom cầm muỗng để xúc, cầm đũa để gắp… Chị không bao giờ phải bưng bát chạy theo con để đút từng muỗng như rất nhiều bà mẹ khác. Nhờ vậy, khi đi nhà trẻ, Bom dễ dàng quen với cuộc sống tập thể, luôn được cô giáo khen.
Ảnh minh họa: Internet
Khi Bom lên cấp II, chị Thanh sắm cho con cái xe đạp mi-ni, chỉ dạy cháu cách đi đứng, xử trí tình huống. Từ đó cháu đi xe đạp cho đến tận bây giờ, học cấp III… “Mình đã dạy con kỹ năng sống như vậy đấy!” - chị Thanh kết luận.
Nghe xong, chị Thơ lắc đầu: “Chuyện rất hay. Nhưng Mi nhà em từ nhỏ đã có ba mẹ lo hết. Giờ làm sao có thể tự lập được?”. Chị Thanh cười: “Muộn một chút cũng không sao. Bắt đầu từ bây giờ, Thơ bày Mi làm những việc nhỏ như sáng dậy tự lo vệ sinh, tự ăn sáng. Để khắc phục tính nhút nhát, cậu chơi đồ hàng với Mi đi. Thỉnh thoảng, cậu đưa Mi đến nhà bạn bè, đồng nghiệp để Mi làm quen, học cách giao tiếp với các bạn cùng lứa. Ngày nghỉ, hãy đưa Mi cùng đi chợ, bày Mi cách làm rau, vo gạo, nấu cơm, rửa chén… Cứ kiên nhẫn bày con theo kiểu “cầm tay chỉ việc”.