Đóng bỉm cho bé trai có thể gây vô sinh?

Thu Hằng,
Chia sẻ

Trời mùa đông, mẹ Kiên muốn đóng bỉm cho con khỏi bị lạnh mông mỗi khi tè dầm. Nhưng bố lại kiên quyết phản đối vì sợ con lớn lên vô sinh.

Hơn thế, chăn chiếu trong nhà cũng không bị ngấm nước tiểu của con. Một ngày, mẹ không còn phải giặt cả chục cái quần như mùa hè.

Thế nhưng bố Kiên lại kiên quyết phản đối. Vì anh đã nghe nhiều người nói rằng đóng bỉm có thể gây vô sinh, hỏng tinh binh ở các bé trai. Cũng chỉ vì chuyện ấy mà hai bố mẹ lời qua tiếng lại. Mẹ thì cho rằng bố không bao giờ phải giặt quần áo cho con, không phải trông con, cho con đi ị, đi tè thì làm sao hiểu được nỗi vất vả của mẹ, nói thế nào cũng được. Bố thì kêu mẹ không hiểu biết gì về khoa học kỹ thuật, đóng bỉm là làm ảnh hưởng lớn tới cả cuộc đời con sau này.

Thực tế, bỉm được coi là là kết quả tiến bộ vượt bậc trong việc nuôi dạy con cái, giúp các bố mẹ thời hiện đại đỡ vất vả. Tuy vậy, nếu lạm dụng cho trẻ em mặc bỉm thường xuyên, các bé có thể bị viêm da, nhiễm khuẩn đường tiểu, suy thận và ảnh hưởng tới cơ quan sinh dục.

Bỉm chưa chắc đã gây vô sinh ở bé trai

Bác sỹ Tô Minh Hương, Phó giám đốc BV Phụ sản HN khẳng định: chưa có cơ sở khoa học nào khẳng định rằng đóng bỉm có thể gây vô sinh ở trẻ em nam. Bởi vì, khi ở tuổi sử dụng bỉm, bộ phận sinh dục của trẻ chưa phát triển nên không có tinh trùng.

Các bé trai chỉ có tinh trùng khi ở tuổi dậy thì (13 – 14 tuổi). Trước tuổi dậy thì, các tinh trùng ở dạng non vì chưa được hooc môn testosterone kích thích phát triển. Sự sinh sản ra tinh trùng bắt đầu ở tuổi 12, nhưng tinh trùng trưởng thành phải đến 13 – 14 tuổi mới có. Do vậy, khi các bé đóng bỉm đến 2 tuổi, vẫn không ảnh hưởng gì tới khả năng sinh sản của bé sau này. Vì lúc này, bộ phận sinh dục của bé chỉ có chức năng vệ sinh, chưa có khả năng sản xuất tinh trùng.
 
Bố mẹ chỉ nên đóng bỉm cho con buổi tối (Ảnh minh hoạ)

Tuy vậy, các bác sỹ cũng khuyến cáo bố mẹ không nên quá lạm dụng cho con mặc bỉm. Việc đóng bỉm nhiều không đảm bảo vệ sinh sẽ gây nhiễm khuẩn, nhất là vùng da ở bẹn hoặc bộ phận sinh dục. Nước tiểu tích tụ ở bỉm lâu không được thay thế sẽ có thể gây viêm nhiễm bàng quang.

Ở bệnh viện Nhi TƯ, càng ngày trẻ càng bị viêm da, nhiễm khuẩn đường tiểu do đóng bỉm nhiều. Bỉm gây cho bé cảm giác bí, khó chịu quấy khóc. Khi bé bị viêm da, da bị ửng đỏ, đau rát, thậm chí bong vẩy ở những vùng tiếp xúc với bỉm. Nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng viêm loét, dịch chảy tạo điều kiện cho nấm và vi khuẩn phát triển.

Hơn thế, việc đóng bỉm nhiều sẽ không tạo được phản xạ đi vệ sinh ở trẻ. Cứ 3 – 4 giờ, mẹ nên tập cho bé đi vệ sinh một lần, để tạo cho con thói quen, tạo sự tự chủ cho con hơn là đóng bỉm thường xuyên. Vào mùa nóng, càng không nên đóng bỉm cho con. Chỉ nên đóng bỉm cho con vào buổi tối. Cứ 4 – 6 giờ thay bỉm một lần. Trước khi đóng bỉm cho con phải rửa bộ phận sinh dục của bé sạch sẽ và lau khô.

Trên thị trường hiện nay cũng có rất nhiều loại bỉm. Cách tốt nhất là các mẹ chọn loại bỉm nào có rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác. Nếu đã tìm được loại bỉm nào tốt, dùng hợp với con thì không nên thay đổi.

Mẹ cũng không nên dùng các loại bỉm chật khiến con bị khó chịu và gây bỏng rát. Với những bé chưa biết nói, khi bị ngứa ngay khó chịu, quấy khóc, một trong những nguyên dân có thể là do bỉm. Lúc đó bố mẹ nên kiểm tra và thay bỉm cho con thường xuyên.

Khi con bị hăm vì bỉm, tã giấy, chỉ nên xoa dầu và kem dưỡng da cho bé ở các nếp gấp và kẽ. Khi trẻ có biểu hiện viêm da phải dừng ngay mặc bỉm hoặc tã giấy, làm thông thoáng, khô, sạch vùng da bị viêm, nếu không khỏi phải đưa đến bác sĩ ngay.   

Chia sẻ