Dịu dàng, tinh tế như Mie Nguyễn cũng có lúc muốn "mắng con một trận", lý do mẹ nào nuôi con nhỏ cũng hiểu

An Chi,
Chia sẻ

Khi con bước vào độ tuổi này, nhiều mẹ thừa nhận không giữ nổi sự bình tĩnh khi dạy con.

Khi con lên 3 là lúc bé bước sang một giai đoạn mới với nhiều dấu mốc của sự trưởng thành. Cái tôi của con được thể hiện rõ ràng hơn, muốn được tự mình làm mọi thứ, thậm chí là có phần hơi "thách thức" sự kiên nhẫn của ba mẹ. Lúc này, cha mẹ thường có những cách ứng xử khác nhau, mỗi gia đình lại có phương pháp giáo dục riêng biệt. 

Mới đây, Mie Nguyễn tâm sự về giai đoạn này của con trai. Là một người mẹ luôn kiên nhẫn, nhẹ nhàng nhưng có thời điểm cô cũng muốn "bùng lên", tức giận vì sự ương bướng của em bé. Bà mẹ 1 con tâm sự: 

"Khủng hoảng tuổi lên 3 có chút kinh dị đấy. Dù mẹ luôn cố kiên nhẫn và nhẹ nhàng với em nhưng nhiều lúc cũng muốn mắng cho một trận không lại tưởng mẹ không biết mắng. Tính đã hay gắt lại còn gắp được 1 chú cún bướng".

Dịu dàng, tinh tế như Mie Nguyễn cũng có lúc muốn "mắng con một trận", lý do mẹ nào nuôi con nhỏ cũng hiểu - Ảnh 1.

Nhưng ai cũng phải công nhận đây thực sự là một trong những giai đoạn khủng hoảng khiến các mẹ phải khóc thét. Cũng chính vì vậy mà Mie Nguyễn đang dạy con theo phương pháp "gentle parenting" - dạy con bằng tình yêu thương và sự nhẹ nhàng. Nhờ cách này, cô đã giúp bản thân mình và con trải qua những ngày tháng khủng hoảng một cách đơn giản và nhẹ nhàng hơn. 

"Cách mình đối xử và nói chuyện với con sẽ là cách con nhìn nhận về bản thân. Nếu con chấp nhận những lời nặng nề và những sự cau có từ bé thì khi con lớn lên con cũng sẽ dần chấp nhận là mọi người cũng có quyền đối xử với con như vậy. Vì thế mình sẽ cố gắng thật nhẹ nhàng và cảm thông, để con biết rằng đó là những gì con đáng được có. 

Dịu dàng, tinh tế như Mie Nguyễn cũng có lúc muốn "mắng con một trận", lý do mẹ nào nuôi con nhỏ cũng hiểu - Ảnh 2.

Mình sống trên thế giới này 30 năm rồi, đã trải qua vô vàn tình huống và cả triệu cảm xúc. Nhưng quan trọng là con chưa từng có trải nghiệm đó, thế giới này mới toanh với con, nên mình không thể ép con phải hiểu ngay được những tình huống và cảm xúc trước mắt. Đôi điều chia sẻ từ người mẹ cũng tập 1 bỡ ngỡ, mong rằng sẽ có nhiều em bé happy + high EQ, cũng như sẽ có nhiều bố mẹ áp dụng và thấy hiệu quả", Mie chia sẻ.

Làm thế nào khi con bước vào giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3

Dưới đây là 5 mẹo nhỏ Tiến sĩ Elizabeth Berger - bác sĩ tâm lý trẻ em và là tác giả cuốn Raising Kids with Character, Mỹ bày cho cha mẹ trị thói ương bướng của trẻ lên 3:

1. Thấu hiểu nhưng không thỏa hiệp

Khi trẻ tỏ thái độ muốn phản đối yêu cầu của cha mẹ bằng cách nói “không” thì việc đầu tiên là cha mẹ cần nhận biết cơn giận của trẻ. Để làm dịu cơn giận của trẻ và khiến trẻ nghe lời, cha mẹ hãy cho trẻ hiểu cha mẹ đang sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu mong muốn của con. Tiến sĩ Berger cho biết “Nếu cha mẹ cư xử khéo léo, tinh tế và tỏ ra tôn trọng sở thích cũng như mong muốn của con thì sẽ hạn chế được rắc rối từ thói ương bướng đó gây ra”.

Ví dụ, nếu bé không muốn đi ngủ, thay vì nói "không! Con phải đi ngủ ngay!” và 1 cuộc chiến đẫm nước mắt thậm chí đòn roi sẽ xảy ra thì mẹ có thể nói chuyện để thấu hiểu mong muốn của con như “Con không buồn ngủ à? Mẹ thấy là con có vẻ chưa muốn đi ngủ lắm phải không?”.

2. Cho con được quyền lựa chọn

Tiến sĩ Angie T. Cranor - trợ lý giáo sư nghiên cứu dự án về phát triển con người và gia đình Đại học North Carolina, Mỹ - nhấn mạnh “Cha mẹ cho con cơ hội lựa chọn sẽ giúp trẻ vừa thỏa mãn được nhu cầu mà cha mẹ vẫn kiểm soát được trẻ”. Vì vậy, trong trường hợp trẻ không chịu đi ngủ, mẹ hãy đưa ra lựa chọn cho bé. Mẹ cũng cần đảm bảo mọi lựa chọn đều không nằm ngoài tầm kiểm soát. Ví dụ, mẹ có thể nói “Mẹ biết con vẫn muốn chơi tiếp, nhưng bây giờ đã đến giờ đi ngủ rồi. Con muốn đọc truyện trước hay đánh răng trước nào?”.

Chị Janet Lansbury, cố vấn phương pháp nuôi dạy con, tác giả nhiều cuốn sách và là nhân vật chính của chương trình Respectful Parenting (Dạy con là tôn trọng con) cho biết: “Bằng cách này, cha mẹ sẽ dễ dàng kiểm soát con hơn mà trẻ không cảm thấy bị ép buộc”. Mấu chốt nằm ở chỗ làm sao để trị được thói ương bướng của con mà vẫn làm con cảm nhận được sự tôn trọng và thấu hiểu từ cha mẹ.

Dịu dàng, tinh tế như Mie Nguyễn cũng có lúc muốn "mắng con một trận", lý do mẹ nào nuôi con nhỏ cũng hiểu - Ảnh 3.

3. Cha mẹ cũng không nên nói “không” quá nhiều với con

Trẻ rất nhanh nhạy trong việc bắt chước người lớn, từ thái độ, cử chỉ đến từng lời nói. Nếu cha mẹ nói “không” quá nhiều với bé thì bé cũng có xu hướng bắt chước và nói lại với cha mẹ như vậy. Việc cha mẹ nói “không” với bé sẽ khiến tâm trạng của bé tồi tệ hơn dẫn đến tình trạng kiểm soát bé cũng trở nên khó khăn hơn.

Thay vào đó, cha mẹ hãy tìm các cách khác để truyền đạt yêu cầu đến con. Tiến sĩ Cranor cho biết: “Cha mẹ nên nói với con những việc con nên làm thay vì con không nên - không được phép làm”. Ví dụ: Nếu bé đang ngồi trên ghế cao và thích trò đập bát xuống bàn, mẹ có thể nói “Con hãy để bát trên bàn nhé”. Hoặc nếu bé nhảy nhót trên ghế sofa, mẹ có thể nói “Con ngồi xuống nhé, con có thể bị ngã và đau chân đấy!”.

4. Dự đoán trước khả năng bé sẽ phản đối và nói “Không”

Với kinh nghiệm và khả năng phán đoán, mẹ có thể đoán trước bé sẽ nổi giận, thậm chí la hét không cho thay bỉm, tã vì đang mải mê chơi trò chơi nào đó. Vì vậy, mẹ hãy tìm cách đánh lạc hướng của bé, không cần bắt bé phải dừng chơi hoặc bế bé đi chỗ khác thay tã, mẹ vẫn có thể thay trong lúc bé đang bận rộn với trò chơi của mình. Đôi khi không cần làm quá lên những việc nhỏ phát sinh hàng ngày, trẻ con vẫn là trẻ con, hạn chế được căng thẳng vẫn là điều cha mẹ nên làm.

5. Giữ vững quan điểm

Đôi khi cha mẹ và bé sẽ có những thời điểm thực sự căng thẳng, bé kiên quyết phản đối và làm ngược lại những gì cha mẹ yêu cầu, nhắc nhở. Khi đó, cha mẹ hãy cố gắng không tranh cãi nhiều với bé, và giữ vững lập trường của mình. Theo Babycenter - trang web chuyên cung cấp kiến thức nuôi dạy con uy tín được nhiều phụ huynh tìm đọc: “Điều quan trọng và cốt lõi ở đây là bé sẽ thấy được cách mà bố mẹ đưa ra quyết định và giữ vững quyết định đó. Nếu trẻ tiếp tục được bố mẹ thả lỏng quá nhiều, mọi chuyện sẽ vượt quá tầm kiểm soát”.

Chia sẻ