Dịch viêm tiểu phế quản ở trẻ bùng phát ở Sài Gòn

Thiên Chương,
Chia sẻ

Căn cứ vào số trẻ mắc bệnh tăng nhanh như hiện nay, có thể khẳng định, mùa viêm tiểu phế quản đã bắt đầu. Bệnh có thể còn tăng mạnh trong hai tháng tới.

Khu khám Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM những ngày cuối tháng 8 đông nghịt bệnh nhi mắc bệnh hô hấp, trong đó bệnh viêm tiểu phế quản thuộc tốp dẫn đầu với hơn 70 ca mỗi ngày, tăng 30% so với tháng trước. Tại khu điều trị nội trú khoa hô hấp của Nhi đồng 2, chỉ tính trong tháng 8 đã có trên 100 trẻ phải nằm viện sau cấp cứu vì chứng nghẹt đờm, khó thở.

Còn ở Bệnh viện Nhi đồng 1, số ca mắc viêm tiểu phế quản đến khám cuối tháng 8 cũng tăng khoảng 20% so với tháng trước. Nhiều trẻ, do cha mẹ tự mua thuốc điều trị không phù hợp, hoặc chậm đến khám đã phải nhập viện cấp cứu vì bệnh nhi bị biến chứng.

Bệnh nhi viêm tiểu phế quản đang được
điều trị tại BV Nhi đồng 2. (Ảnh: VnExpress)

Bác sĩ Nguyễn Phương Hòa Bình - Trưởng khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho biết, căn cứ vào số trẻ mắc bệnh tăng nhanh như hiện nay, có thể khẳng định, mùa viêm tiểu phế quản đã bắt đầu. Bệnh có thể còn tăng mạnh trong hai tháng tới.

Theo bác sĩ Bình, viêm tiểu phế quản xảy ra khi đường hô hấp bị siêu vi RSV tấn công. Trẻ dưới hai tuổi dễ mắc bệnh, nhưng ở những bé dưới 1 tuổi, trẻ sinh non, nhẹ cân, trẻ suy dinh dưỡng nặng hoặc có sẵn bệnh tim, phổi, suy giảm miễn dịch, bệnh thường trở nặng.

Triệu chứng ban đầu là cảm, ho rồi kèm theo chảy nước mũi, nghẹt mũi, khò khè. Khi trẻ khó thở, thở nặng nề, thở gấp, biếng bú, tím tái, là những dấu hiệu cho thấy bệnh đã chuyển nặng cần nhập viện gấp.

“Ở dạng nhẹ, bệnh có thể tự khỏi trong 5 đến 7 ngày. Tuy nhiên trên thực tế, việc điều trị không đúng cách và kịp thời, sẽ gây biến chứng sưng phổi, xẹp phổi, viêm tai, hen suyễn hoặc đờm không được giải thoát gây tắc nghẽn đường hô hấp, làm suy hô hấp, tử vong”, bác sĩ Bình nói.

Bác sĩ Bình dẫn chứng bằng những trẻ được cha mẹ tự mua thuốc mà không thăm khám, hoặc khám ở những nơi không đúng chuyên khoa dẫn đến việc chẩn đoán sai. “Cho trẻ uống thuốc trị ho, thuốc histamin, si rô ức chế ho, kháng sinh là việc làm cần tránh vì đối với bệnh này, trẻ cần ho để tống đờm ra. Các loại thuốc trên dễ khiếm đờm đặc quánh lại và bệnh càng nặng hơn”, bác sĩ Bình khuyến cáo.

Do chưa có văcxin phòng ngừa đặc hiệu, các bác sĩ khuyên trong mùa dịch bùng phát, phụ huynh nên giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ; rửa sạch núm vú bình sữa; thường xuyên rửa tay, súc miệng cho trẻ để tránh nhiễm virus gây bệnh.

Cần cách ly trẻ với những trẻ bị bệnh khác để hạn chế lây lan. Khi thấy bé trong xóm mắc bệnh, phụ huynh cần hạn chế tiếp xúc vì mầm bệnh có thể theo người lớn truyền đến cho trẻ.

Trong trường hợp trẻ bị viêm nhẹ, chỉ điều trị tại nhà, các bác sĩ chuyên khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1, khuyên phụ huynh nên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý theo hướng dẫn; cho trẻ bú uống nước nhiều để loãng đờm. Khi trẻ bị nôn ói, cần vỗ nhẹ ở lưng để trẻ có thể nôn hết đờm ra. Để tránh ngạt, khi bé nằm, đầu cần được kê cao.

Theo Thiên Chương
VnExpress

Chia sẻ