Đặc biệt, trẻ có thể bị dị ứng do nguồn nước pha
sữa, dụng cụ, tay người pha sữa không đảm bảo vệ sinh hoặc cơ thể trẻ có
những bất thường gây dị ứng ở một thời điểm nào đó. Với những dòng sản
phẩm sữa được bổ sung chất mới, nếu trẻ là người nhạy cảm với các chất
dinh dưỡng, nhất là những hóa chất không có lợi cho cơ thể, trẻ rất dễ
bị dị ứng.
Một số trẻ bị dị ứng bẩm sinh với sữa, vì trong cơ thể có kháng thể chống lại những thành phần có trong sữa.
Trẻ bị dị ứng sữa bò thường có các biểu hiện như:
Nôn, khó thở, nổi ban đỏ, mặt, môi sưng phù... Có trẻ lại xuất hiện các
phản ứng chậm và không rõ ràng như: Quấy khóc thường xuyên, tỏ ra bứt
rứt khó chịu, đi ngoài phân lỏng (có thể kèm máu), chậm tăng cân... Khi
thấy bé có các biểu hiện trên, các bà mẹ cần đưa trẻ đi khám để xác định
nguyên nhân.
Qua khám lâm sàng, xét nghiệm và thử phản ứng, các
bác sĩ có thể xác định tình trạng dị ứng sữa ở trẻ. Với những trẻ bị dị
ứng sữa, các bác sĩ sẽ yêu cầu ngừng sử dụng sữa bò trong một thời gian
nhất định, thường là khoảng 6 tháng, lúc đó có thể cho bé dùng các sản
phẩm thay thế từ đạm đậu nành, sau đó có thể cho dùng lại sữa bò xem bé
đã dung nạp được chưa. Nếu vẫn còn dị ứng thì lại dùng tiếp sản phẩm
thay thế. Cứ 3-6 tháng cho trẻ dùng sữa bò để kiểm tra lại.
Những trẻ bị dị ứng với sữa bò thường có thể sử dụng
các loại sữa bột hoặc bột dinh dưỡng được sản xuất từ bột đậu nành một
cách an toàn, nếu trẻ dị ứng với cả sữa bò và bột đậu nành, các bà mẹ
nên tìm loại sữa bột với thành phần dinh dưỡng đã được thủy phân
(hydrolyzed formula). Khi trẻ dị ứng với sữa bò thì cũng có khả năng sẽ
dị ứng với các chế phẩm từ sữa bò trong giai đoạn đó, do đó cũng cần
tránh các chế phẩm từ sữa bò.
Theo một nghiên cứu, một điều đáng mừng cho những bé
bị dị ứng với sữa bò là tình trạng dị ứng sẽ được cải thiện khi bé lớn
dần, 50% bé hết dị ứng sữa bò khi bé tròn 1 tuổi, 70% bé hết dị ứng khi
bé tròn 2 tuổi, 90% hết khi bé 8 tuổi.