Cuộc đua xe thăng bằng của trẻ em Nhật và những bài học về việc rèn luyện thể lực
Trong khi chiếc xe đầu tiên mà hầu hết các bà mẹ trên thế giới mua cho con là chiếc xe đạp 3 bánh thì các bà mẹ Nhật lại chọn cho con mình một chiếc xe không hề có bàn đạp.
Cứ mỗi độ xuân về, tầm tháng 2 – 3 thì tại Nhật Bản, các bà mẹ cùng những đứa trẻ lại háo hức tham gia cuộc thi đua xe thăng bằng được tổ chức ở khắp nơi trên đất nước. Mới đây, một video mang tên Step out - Bước ra thế giới bên ngoài – video giới thiệu về các cuộc đua xe thăng bằng của các em bé Nhật đã được hàng ngàn người chia sẻ với tâm trạng vô cùng háo hức và mong chờ.
Trong video, những đứa trẻ cùng chiếc xe thăng bằng không bàn đạp của mình đã cùng lạc vào một cuộc phiêu lưu tràn đầy năng lượng. Xuyên bốn mùa, hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp, những đứa trẻ băng qua mọi nẻo đường đất nước. Sự vô tư và hồn nhiên của các bé là bức tranh cuộc sống tươi sáng nhất. Nhưng trong video ấy, người ta vẫn nhìn thấy, đằng sau chặng đường ấy của lũ trẻ, là một sự nỗ lực, sự giúp đỡ, khám phá cái đẹp, tiếng cười vang và là cả những giọt nước mắt. Để rồi mọi người sẽ phải thốt lên rằng thật tuyệt vời.
Xe không bàn đạp – chiếc xe đi ngược với quy tắc thông thường
So với những chiếc xe đạp 3 bánh, tức là xe được gắn thêm 2 bánh phụ để giữ thăng bằng cho bé mà chúng ta vẫn thường nhìn thấy thì dường như, hình ảnh những chiếc xe thăng bằng không có bàn đạp trông giống như một sự lãng phí về tiền bạc của những vị phụ huynh. Tuy nhiên, khoa học lại chứng minh rằng chính những chiếc xe được gắn thêm bánh phụ mới là những chiếc xe vô tác dụng.
Xe thăng bằng không bàn đạp được sử dụng phổ biến ở Nhật cũng như các nước châu Âu (Ảnh minh họa)
Trong hành trình học đi xe đạp, việc đầu tiên cần phải học đó là học giữ thăng bằng. So với học đạp xe, học giữ thăng bằng xe khó hơn nhiều. Với loại xe 3 bánh, những chiếc bánh phụ đã loại bỏ hoàn toàn vấn đề đáng ra cần phải giải quyết cho mọi đứa trẻ là học cách giữ thăng bằng.
Trong cuốn sách “Khoa học xe đạp”, giáo sư công nghệ của Đại học MIT David Gordon Wilson có đúc kết toàn bộ khái niệm về những chiếc bánh phụ trong một câu rất đáng nhớ, đó là: “Thật quá khó để nhận thấy những chiếc bánh phụ đóng góp gì cho kỹ năng thăng bằng, trừ khi tất cả chúng đều không chạm đất”. Thay vào đó, ông đề xuất việc thử “Ý tưởng hiển nhiên cho việc tập đi xe đạp là hạ thấp yên xuống sao cho chân chạm đất và tập đẩy chân ở những chỗ hơi có độ dốc”.
Xe thăng bằng mang đến nhiều lợi ích cho bé hơn là chiếc xe đạp thông thường (Ảnh minh họa)
Các giáo sư và các nhà khoa học thuộc khoa Vận động học và Khoa học thể thao thuộc đại học South Dakota của Mỹ cũng đã chỉ ra rằng xe thăng bằng giúp giảm nguy cơ bị chấn thương trong các hoạt động hàng ngày của trẻ. Điều tuyệt vời hơn cho trẻ là chúng có thể học thăng bằng trước thay vì ngã lên ngã xuống khi tập đi xe đạp.
Có một thực tế là những chiếc xe đạp có bánh phụ thường không an toàn bằng những chiếc xe đạp cân bằng như chúng ta vẫn tưởng.
Video cho thấy sự nguy hiểm của những chiếc xe đạp 3 bánh
Tại Nhật và nhiều nước châu Âu, trẻ em sử dụng xe thăng bằng từ nhỏ để đi khắp nơi, từ đi chơi công viên, đi đến trường học, đến việc đi tham quan, dã ngoại. Không chỉ giúp trẻ giữ thăng bằng mà còn giúp trẻ trở nên tự tin hơn, đồng thời giúp các cơ quan vận động và trí não của trẻ phát triển tối đa.
Rất nhiều đứa trẻ đều thích dạo chơi trên chiếc xe này.
Từ chiếc xe đạp, người Nhật lại khiến thế giới phải ngước nhìn về cách dạy con rèn luyện sức khỏe
Việc khuyến khích trẻ sử dụng xe thăng bằng từ nhỏ của phụ huynh Nhật một lần nữa đã chứng minh bố mẹ Nhật chú trọng rèn luyện thể chất cho con mình như thế nào. Và không ít lần họ đã khiến cả thế giới ngưỡng mộ trước cách chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhỏ bằng những bài học quý giá.
Trẻ em mẫu giáo cởi trần chạy bộ
Phương pháp rèn luyện sức khỏe "điên rồ" mà đầy hiệu quả của các bà mẹ Nhật.
Với các vị phụ huynh Nhật Bản thì khi nhiệt độ ngày càng thấp đi thì sức chịu đựng của cơ thể càng yếu đi và chỉ có tập luyện mới giúp trẻ tăng cường sức chịu đựng. Chính vì vậy, họ quyết định cho trẻ cởi trần và mặc quần soóc vào mùa đông để giúp chúng rèn luyện cơ thể, dễ dàng thích ứng với sự khắc nghiệt của thời tiết. Có lẽ chính vì điều này mà trẻ em Nhật Bản thông thường đều rất khỏe mạnh. Trong điều kiện thời tiết mùa đông từ 3-5 độ C các bé đều mặc quần soóc ngắn, nô đùa bình thường và rất ít mắc bệnh về đường hô hấp như sổ mũi, viêm họng, cảm cúm... do thay đổi thời tiết.
Luyện tập đi bộ càng nhiều càng tốt
Hình ảnh quen thuộc mà bạn có thể nhìn thấy trên khắp nước Nhật.
Người Nhật đi bộ vô cùng nhiều, đó là hình ảnh mà ai ai cũng bắt gặp khi đến Nhật, và điều này được áp dụng với cả những đứa trẻ chỉ mới 2, 3 tuổi. Cha mẹ Nhật luôn cố gắng phát triển khả năng vận động của con em mình bằng nhiều phương pháp, đặc biệt là đi bộ. Theo người Nhật, đi bộ không chỉ giúp trẻ rèn luyện sức khỏe mà còn giúp trẻ có đầu óc thông minh hơn. Do đó ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ đã cho trẻ đi bộ đều đặn hàng ngày, bắt đầu từ những quãng đường ngắn như 10m, 20m rồi tăng dần lên 1km, 2km. Không những vậy, họ còn chuyển từ việc cho trẻ đi trên những con đường bằng phẳng sang dường gập ghềnh, thậm chí là đồi núi.
Nguồn: Tổng hợp