Con vô lễ, cha mẹ cần xem lại cách giáo dục trong gia đình
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn chat giữa mẹ và con, trong đó đứa con là học sinh cấp 2 xưng mày - tao với mẹ. Theo các chuyên gia tâm lý, đây là hậu quả của việc cha mẹ quá nuông chiều khiến con xem thường, không tôn trọng bố mẹ.
Việc bố mẹ quá nuông chiều con khá phổ biến trong xã hội ngày nay, khi các gia đình có ít con và điều kiện kinh tế khá hơn.

Nhiều cha mẹ không có kỷ luật trong việc chiều con, chỉ biết nuông chiều con. Ảnh minh hoạ
Chị Phan Thùy An (Cầu Giấy, Hà Nội) có hai con trai, đứa lớn 13 tuổi và đứa nhỏ 10 tuổi. Từ nhỏ, chị không bao giờ quát mắng hay áp đặt các con. Với chị, yêu thương con nghĩa là làm tất cả để chúng luôn cảm thấy vui vẻ, thoải mái.
Lúc nào, chị cũng ngon ngọt nịnh con và cố gắng đáp ứng các điều kiện của con. Điều đáng nói là cậu con trai lớn thường xuyên có thái độ xấc xược với mẹ mỗi khi có chuyện không vừa ý. Thế nhưng, chị Thùy An vẫn "nín nhịn" chứ không quát mắng. Lúc nào chị cũng nói với con rất nhẹ nhàng và luôn phải "dỗ dành" con. Như được thể, chỉ cần có chuyện gì khó chịu, cậu liền ném sách vở, giậm chân thình thịch, thậm chí là quát mẹ xơi xơi.
Cậu con trai thứ 2 cũng vậy. Dù mới học lớp 5, chưa bước vào tuổi dậy thì nhưng cậu thường xuyên quát mẹ, gắt gỏng, nói trống không với mẹ. Bị con quát, chị Thùy An vẫn nhẹ nhàng nịnh nọt, dỗ dành để xoa dịu con.

Nhiều đứa trẻ ngang bướng khi được bố mẹ nuông chiều. Ảnh minh hoạ
Vì quá nuông chiều con, chị Thùy An đã tạo ra một môi trường mà các con không hiểu giá trị của sự tôn trọng và kỷ luật. Các con của chị không được rèn luyện đạo đức hay kỹ năng ứng xử cơ bản. Khi không được đáp ứng nhu cầu, chúng dễ dàng nổi cáu, xem thường người khác, kể cả mẹ mình.
Mới đây trên mạng xã hội lan truyền đoạn chat giữa mẹ và đứa con học cấp 2, nhiều người cảm thấy sốc trước ngôn từ và thái độ của đứa trẻ với mẹ. Đứa trẻ quá hỗn hào khi xưng hô với mẹ là t- m (viết tắt từ tao-mày) với thái độ cực kỳ vô lễ như "Từ nay t cx chả muốn lm con m nx đâu" (Từ nay tao cũng chẳng muốn làm con mày nữa đâu- PV), thậm chí còn văng bậy với mẹ.

Đoạn chat giữa mẹ và con khiến nhiều cha mẹ choáng váng
Trước việc này, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên ĐH Sư Phạm Hà Nội) cho biết, có nhiều lỗi sai trong câu chuyện này, nhưng lỗi lớn nhất đó là vấn đề giao tiếp và cách cư xử giữa bố mẹ và con.
Con đã nói năng vô lễ với bố mẹ trong thời gian dài nhưng bố mẹ đã bỏ qua. Với một đứa trẻ, khi con đã dám xưng mày tao với bố mẹ nghĩa là bố mẹ đã bỏ qua cho con cả triệu lần con ăn nói hỗn hào. Ban đầu, có thể chỉ là các câu trả lời cộc lốc không có kính ngữ (ạ, dạ) rồi các câu trả lời thiếu chủ ngữ, vị ngữ, cộc lốc chỉ có 1 từ như: rồi, xong rồi, làm rồi...
Tiếp nữa, con đã không chào hỏi, không mời cơm, không xin phép khi đi đâu đó... và bố mẹ đã bỏ qua. Có thể nhiều lần bố mẹ đã giáo huấn kiểu: Con không nên nói như thế, con nên lễ phép hơn... nhưng không có hình phạt nào với các con. Vì thấy bố mẹ bỏ qua, con "được đằng chân, lân đằng đầu".
Bên cạnh đó, khi con có tâm trạng xấu, tiêu cực, bố mẹ đã dỗ dành con. Khi đó, con đã nghĩ bản thân như "Chúa trời", chỉ cần hơi buồn một chút là bố mẹ đã lo cuống lên. Vì quá thương, quá sợ con buồn khổ, các bố mẹ dần dần mất đi vị thế của mình trong mắt con.
Chưa kể, bố mẹ luôn sợ con buồn, luôn muốn con vui, con thoải mái. Vì thế, chỉ cần con buồn một chút là bố mẹ cuống lên. Như vậy, bố mẹ khó sáng suốt mà giáo dục con.
Đặc biệt, trong mọi việc, bố mẹ luôn cho con lựa chọn và chiều theo ý của con. Thay vì con nể sợ bố mẹ thì bố mẹ lại sợ con. Khi đó, con sẽ thấy con thực sự có quyền lực. Quyền của con to đến mức không coi bố mẹ ra gì.
Dù bất kể lý do gì bố mẹ cũng luôn phải nhớ, trong gia đình bố mẹ là bề trên, con phải lễ phép. Không thể có cảnh "cá mè một lứa" trong gia đình. Ngoài ra, con cũng phải ăn nói, cư xử lễ phép, đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ, kính ngữ với tất cả người lớn. Điều này không chỉ giúp con sống biết điều hơn, giảm mâu thuẫn mà còn giúp con rất nhiều trong việc học, đặc biệt là với môn Ngữ văn.
TS Vũ Thu Hương