Con hư do giáo dục sai cách (2): Vì sao “nhà giàu cũng khóc”?
Không ít ông bố bà mẹ giàu có đã “thất bại thảm hại” trong việc giáo dục con cái của mình. Vì sao vậy?
Một điều tưởng như hết sức bình thường, hợp logic tự nhiên là khi gia đình giàu có thì con cái đáng lẽ ra sẽ có được điều kiện thuận lợi nhất để được giáo dục nên người. Nhưng thực tế lại cho thấy, không ít ông bố bà mẹ giàu có đã "thất bại thảm hại" trong việc giáo dục con cái của mình. Vì sao vậy?
Hình thành thói quen hưởng thụ từ việc đòi gì được nấy
Gia đình mà kinh tế khá giả, giàu có là điều kiện tốt nhất để con cái được học ở những trường học tốt nhất. Gia đình giàu có cũng là cơ hội để bố mẹ có thể bố trí được thời gian dành cho con cái. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thì thấy rằng, đôi khi sự giàu có, sẵn tiền bạc của gia đình lại là môi trường lý tưởng để “dạy” cho đứa con sống hưởng thụ, không biết trân quý giá trị lao động, thiếu sự thông cảm và xót thương đồng loại, không có cơ hội để học lấy bài học tự lập để bước những bước đi trên cuộc đời trên chính đôi chân của chúng.
Trong khi không ít nhà giàu ở Việt Nam hay Trung Quốc cho con được sống sung sướng trong sự hưởng thụ thì giới nhà giàu phương Tây lại rất chú tâm đến việc giáo dục cho con cuộc sống tự lập. Một trong những phương pháp giáo dục con cái trở thành người sống tự lập là họ không tập cho con sống đời sống hưởng thụ. Bởi họ hiểu một nguyên lý rằng, nếu thói quen hưởng thụ được tập thành thì đứa trẻ lớn lên sẽ rất khó có thể tự đứng trên đôi chân của mình.
Khi thói quen hưởng thụ được tập thành thì con đường sa đọa hư hỏng bắt đầu (Ảnh minh họa).
Theo các chuyên gia tâm lý, một đứa trẻ con nhà giàu vì thế, nếu không có phương pháp giáo dục đúng lại trở thành “điều kiện lý tưởng” để tập thành thói quen sống hưởng thụ và ỉ lại vào tài sản của gia đình. Mà con đường hưởng thụ chính là bắt nguồn của sự thoái đọa, hư hỏng về sau. Đây chính là lý do chính, cũng là “điểm yếu” dễ mắc phải của những ông bố bà mẹ giàu trong việc giáo dục con cái.
Sở dĩ gọi là “điểm yếu” là bởi, cha mẹ bao giờ cũng có một thứ tình thương yêu hết sức bản năng đối với những đứa con của mình. Vì yêu con nên ông bố bà mẹ nào cũng muốn con mình được vui vẻ, được sung sướng hạnh phúc.
Mà con người là 1 trong những chúng sinh sống trong cõi dục nên bất kỳ ai, kể cả trẻ con cũng đều có xu hướng thích được thụ hưởng dục lạc. Vì nhu cầu đó nên cứ được cho, được hưởng là thích, là vui. Bố mẹ nào thì cũng đều yêu con. Thế nên cứ thấy con thích, con vui là cho. Bố mẹ càng có điều kiện về kinh tế thì càng dễ đáp ứng niềm vui thụ hưởng vật chất của con mình. Điều đó là hết sức tự nhiên nhưng là tự nhiên theo kiểu tình yêu bản năng, thiếu lý trí.
Một đứa trẻ con nhà giàu vì thế, nếu không có phương pháp giáo dục đúng lại trở thành "điều kiện lý tưởng" để tập thành thói quen sống hưởng thụ và ỉ lại vào tài sản của gia đình (Ảnh minh họa).
Bởi, khi một đứa trẻ đòi gì được nấy mà không có giới hạn thì mặc nhiên điều đó sẽ dạy cho chúng cách hành xử “cứ thích là được”. Và việc có được mọi thứ một cách dễ dàng cũng khiến cho đứa trẻ không có cơ hội để nhận biết giá trị của lao động, giá trị của đồng tiền. Thói quen hưởng thụ bắt nguồn từ đó. Những đứa trẻ đó cũng không hiểu được rằng, để đạt được điều mình mong muốn thì chính bản thân chúng phải cố gắng nỗ lực mới có thể có được.
Khi nhà giàu biết “điểm yếu” của mình
Đối ngược với cách yêu con theo kiểu bản năng này thì không ít những ông bố bà mẹ giàu có khác, đặc biệt là các tỷ phú phương Tây lại có cách giáo dục con vô cùng đáng nể. Vì biết “điểm yếu” trong việc nuôi con của mình là cái gì cũng sẵn có nên họ thường đặt ra những giới hạn cần thiết cho những đứa con thân yêu của mình.
Ví dụ như chỉ trong việc ăn uống, một tỷ phú xưa đã từng có cách dạy con riêng mình. Tôi không nhớ tên của người tỷ phú này nhưng câu chuyện người bố này dạy con bài học về sự giới hạn thông qua việc ăn đường của những đứa trẻ lại vô cùng ấn tượng.
Bill Gates, tỷ phú giàu nhất thế giới từng tuyên bố sẽ chỉ để lại cho con 0,05% tổng tài sản kếch xù của mình, còn lại là cho vào Quỹ từ thiện.
Ông có 3 đứa con. Đứa nào cũng thích ăn đường. Mỗi tuần ông chia cho các con mỗi đứa con một phần đường. Nếu ăn hết sẽ phải nhịn cho đến lượt chia của tuần kế tiếp. Từ cách chia đường như vậy, những đứa con ông đã hình thành được thói quen tiết chế nhu cầu ham thích ăn uống của mình.
Một điểm đặc biệt ở cách dạy con rất lý trí ở những ông bố bà mẹ giàu nhưng hiểu biết đó là, họ rất chú ý đến việc dạy con sống tự lập. Như cách mà các ông bố bà mẹ tỷ phú ở phương Tây tuyên bố không để lại tài sản cho con chẳng hạn. Đó thực chất là một hình thức giáo dục con tự lập. Họ không muốn những đứa con của họ vì ỉ vào tài sản của bố mẹ mà để cho những năng lực và giá trị của của bản thân bị “ngủ quên”.
Như Bill Gates, tỷ phú giàu nhất thế giới từng tuyên bố sẽ chỉ để lại cho con 0,05% tổng tài sản kếch xù của mình, còn lại là cho vào Quỹ từ thiện. Hay như quan điểm của tỷ phú Hong Kong Yu Pang-Lin khi ông phát biểu với báo giới khi để lại toàn bộ tài sản 2 tỷ USD cho hoạt động từ thiện chứ không phải để lại cho con. Ông Hong Kong Yu Pang-Lin nói: “Nếu các con tôi giỏi hơn tôi thì chẳng cần phải để nhiều tiền cho chúng. Nếu chúng kém cỏi thì có nhiều tiền cũng chỉ có hại cho chúng mà thôi”.