Con hóc kẹo ngừng thở ngay trước mặt, mẹ Hà Nội lên tiếng cảnh báo người lớn hết sức cẩn trọng khi cho trẻ ăn kẹo

Bình Nguyên,
Chia sẻ

Cảnh tượng hóc nghẹn kẹo xảy ra với con trai khiến người mẹ một phen hú vía, sợ xanh mắt.

Hầu như đứa trẻ nào cũng thích ăn kẹo nên dù có kiểm soát chặt chẽ thì tầm hơn 1 tuổi, trẻ sẽ thỉnh thoảng được ăn kẹo và vô cùng thích thú mỗi khi được người lớn cho ăn. Thế nhưng, khoan nói đến những tác hại của kẹo khi trẻ ăn quá nhiều, có một mối hiểm họa khác từ kẹo mà không phải bố mẹ nào cũng cảnh giác, ấy chính là hóc nghẹn kẹo.

Cứ ngỡ rằng đây là món ăn phổ biến thì chẳng cần để ý gì đến trẻ, nhưng sau vụ việc xảy ra với con mới đây, bà mẹ 3 con Lan Anh (hiện đang sinh sống tại Hà Nội) đã phải lên tiếng cảnh báo các bố mẹ khác để không rơi vào tình huống nguy kịch giống như con trai mình.

Sự việc xảy ra vào tối ngày 26/8. Bé Đức Lâm (tên thường gọi là bé Tép, 14,5 tháng tuổi) - con trai út của chị Lan Anh đang ngồi chơi thì đột nhiên khóc bất thường. Ngay lập tức, chị Lan Anh bế con lên quan sát và nhanh chóng nhận ra bé Tép đang không thở được, tay chân vùng vẫy, những động tác chị chưa từng thấy bao giờ. Và chỉ mất vài giây phân tích các biểu hiện của con, chị đã đoán ra bé Tép đang bị hóc kẹo.

69489156_10214942821825600_5510310949048811520_n

Thủ phạm khiến bé Tép không thể thở, vùng vẫy bất thường.

Thế là 1 tay giữ Tép nằm sấp trên tay, đầu chúc xuống dưới, tay còn lại chị nhanh chóng vỗ vào lưng con chỗ giữa 2 xương bả vai. Nhưng có lẽ lực tay chị không đủ mạnh nên không có gì văng ra khỏi cổ họng bé cả và Tép thì vẫn vùng vẫy hoảng loạn không thể thở nổi. May thay, chồng chị ở bên cạnh thấy vậy đã lập tức thay vợ sơ cứu cho con. Sau 3 cái vỗ lưng của bố thì bé Tép đã nôn được viên kẹo ra ngoài.

Đến giờ, khi kể lại chuyện xảy ra lúc ấy, chị Lan Anh vẫn cảm thấy "hú vía", "sợ xanh mắt". Nhớ lại tối thứ 2 hôm xảy ra vụ việc, vợ chồng chị cho 3 bé đi chơi về, chắc do chơi nhiều mệt nên bé Tép đi tìm kẹo ăn. Bình thường bà nội và bố bé cho ăn kẹo vẫn dùng búa đập nát ở bên ngoài trước rồi mới bóc cho bé ăn. Hôm đó, bé quen chỗ lấy kẹo, tự lấy ra và đưa cho mẹ. "Mình chủ quan nghĩ không cần đập kẹo vì bé chỉ loanh quanh bên mẹ và ăn thô, nhai cũng tốt rồi", chị Lan Anh cho biết đó chính là nguyên nhân sâu xa khiến bé Tép rơi vào tình huống hóc kẹo đến nỗi không thể thở được.

Sau khi nôn được viên kẹo cứng màu đỏ trơn nhẵn ra ngoài, Tép đã tự thở được. Quá hoảng sợ, cậu bé thổn thức mất mấy phút nữa, sau đó thì ăn uống bình thường và chơi ngoan, sức khỏe ổn định trở lại.

Chia sẻ về tình huống "thót tim" đó, chị Lan Anh kể: "Mình đã từng nghe nhiều trường hợp bé tử vong vì người thân không có kiến thức xử lý khi bị hóc thức ăn, dị vật nên đã xem hướng dẫn sơ cứu từ rất lâu. Mình vốn chỉ xem cho biết, không ngờ có ngày phải dùng đến. Thực sự cảm thấy may mắn vì cả 2 vợ chồng đều đã tự trang bị kiến thức này dù không ai bảo ai".

69462114_3539809319378194_6411892032645627904_n

Chị Lan Anh không ngờ có ngày phải vận dụng kiến thức sơ cứu học được với con trai mình.

Trải qua sự việc kể trên, chị Lan Anh cảm thấy cần phải chia sẻ câu chuyện con trai mình mới gặp phải để các bố mẹ khác cảnh giác hơn nữa khi nuôi con nhỏ: "Mình rút ra 1 kinh nghiệm là không thể chủ quan, kinh nghiệm thứ 2 là phải trang bị kiến thức. Các bé tuổi này rất hay cho các thứ vào miệng để thử, dù không phải kẹo, bé nhà mình chuyên gia nhặt nhạnh các món nhỏ nhỏ cho vào miệng, phải để ý bé liên tục, nhất là ở các khu vui chơi có rất nhiều đồ chơi nhỏ, nếu bé bỏ vào miệng và ra 1 góc bố mẹ không để ý thì rất nguy hiểm".

"Trong mọi trường hợp, lời khuyên tốt nhất đó là cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần phải để mắt tới trẻ trong lúc, mọi nơi. Nên thiết kế cho bé một môi trường sống an toàn để chạy nhảy, chơi đùa. Tránh tuyệt đối những vật nhỏ, nguy hiểm trong tầm với của trẻ", chị Lan Anh nhấn mạnh.

Những kỹ năng sơ cứu cơ bản khi bé bị hóc – sặc các bố mẹ cần phải biết

- Một tay giữ bé, một tay dùng lòng bàn tay vỗ thật mạnh 5 – 7 cái vào lưng bé – chỗ giữa hai xương bả vai, hành động này sẽ khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng lên để tống đẩy dị vật ra ngoài.

Sau khi làm xong nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa, dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào xương ức. Nếu thấy cháo, sữa, canh… chảy từ mũi, miệng ra thì cha mẹ cần hút kỹ chúng để thông đường thở cho con. Việc này cần làm sớm để tránh sữa không ứ đọng trong mũi, miệng.

69419447_291900405018273_4023120390426460160_n

Bé Tép rất hay nhặt nhạnh các món đồ nhỏ cho vào miệng.

- Với trẻ dưới 2 tuổi, cha mẹ có thể dùng phương pháp vỗ lưng - ấn ngực: Lấy 3 ngón tay ấn mạnh 5 lần vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Làm động tác này tới khi nào bé thấy đỡ hơn, tỉnh táo hơn. Song song với việc đó là gọi xe cấp cứu.

- Với trẻ trên 2 tuổi, cha mẹ và người trông trẻ có thể dùng biện pháp ép bụng (phương pháp Heimlich). Với những bé còn tỉnh táo, nói được, cha mẹ nên để trẻ đứng thẳng. Một người đứng ra sau lưng, ôm ngang thắt lưng bé, một tay tạo thành nắm đấm ấn mạnh lên vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên liên tiếp.

Trường hợp trẻ hôn mê, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, nắm 2 bàn tay thành 2 nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh liên tiếp tới khi nào bé tỉnh. Sau đó đưa bé ngay vào viện.

Chia sẻ