Con gái 6 tuổi bị ngứa họng mãi không khỏi, khi biết nguyên nhân người mẹ tự trách mình
Một triệu chứng ngứa họng của con gái khiến người mẹ bàng hoàng khi được bác sĩ thông báo cả nhà đều bị nhiễm virus HPV.
Trang 163 đưa tin, Cô bé Quả Quả (6 tuổi) ở Trung Quốc liên tục than rằng bị ngứa họng và không thoải mái. Ban đầu, cha mẹ cô bé cũng không nhận ra tình trạng nghiêm trọng, chỉ nghĩ rằng đó là do thời tiết oi bức gây ra. Tuy nhiên, 1 tuần trôi qua Quả Quả vẫn cảm thấy khó chịu nên gia đình mới đưa cô bé tới bệnh viện kiểm tra. Kết quả cho thấy trong cổ họng của cô bé có một số khối u nhỏ, nguyên nhân do nhiễm virus HPV gây ra.
Sau khi tìm hiểu, bác sĩ biết được rằng người mẹ khi mang thai đã bị nhiễm virus HPV. Lúc đó, bởi vì bác sĩ nói rằng chỉ cần tăng cường hệ miễn dịch, virus sẽ được loại bỏ, nên người mẹ chủ quan không để ý tới vấn đề này và đã chọn sinh thường. Mặc dù sinh thường có lợi cho em bé nhưng không ngờ lại gây nhiễm HPV cho con.
Dưới sự khuyên bảo của bác sĩ, cả gia đình Quả Quả đã tiến hành kiểm tra HPV. Kết quả không bất ngờ, cả gia đình đều nhiễm HPV. Khi người mẹ xem kết quả kiểm tra, cô tự trách mình và hối hận, nếu ban đầu cô không lơ là thì sẽ không gây ra tình hình hiện tại.
May mắn là tình trạng của Quả Quả không gây biến chứng nặng, bằng cách tăng cường hệ thống miễn dịch và chú ý vệ sinh hàng ngày, vẫn có thể chữa khỏi.
Tại sao virus HPV lại dễ lây lan như vậy?
HPV là loại virus có tỷ lệ lây nhiễm rất cao trong cộng đồng, 80% phụ nữ có thể bị nhiễm bệnh. HPV chủ yếu lây truyền qua quan hệ tình dục, tiếp xúc gần gũi và mẹ truyền sang con. Phụ nữ thường xuyên quan hệ tình dục và đã lập gia đình dễ bị nhiễm virus HPV hơn. Theo thống kê, hơn 80% phụ nữ sẽ nhiễm virus HPV trong đời.
Tất nhiên, nhiễm HPV không có nghĩa là bạn sẽ có nguy cơ bị tổn thương cổ tử cung, bởi HPV được chia thành loại nguy cơ cao và loại nguy cơ thấp. Nếu bạn bị nhiễm loại HPV nguy cơ thấp, hầu hết phụ nữ đều có thể âm tính trong vòng 1 năm hoặc lâu hơn. Nhưng nếu là loại HPV nguy cơ cao thì sẽ khó chuyển sang âm tính hơn, nếu nhiễm lâu ngày có thể phát triển thành tổn thương cổ tử cung, thậm chí là ung thư cổ tử cung.
Vậy phụ nữ nên làm gì nếu bị nhiễm virus HPV?
- Thực hiện sàng lọc cổ tử cung định kỳ
Phụ nữ trên 21 tuổi đã quan hệ tình dục nên đi khám cổ tử cung thường xuyên bất kể có bị nhiễm hay có triệu chứng nhiễm trùng hay không. Phụ nữ nên đi khám sức khỏe và xét nghiệm định kỳ 3 năm/lần, đối với người đã bị nhiễm bệnh thì 3-6 tháng/lần.
- Kiêng quan hệ tình dục
Để tránh tình trạng lây nhiễm nặng hơn, nếu vợ hoặc chồng bị nhiễm HPV, không nên có tiếp xúc gần gũi với người còn lại cho tới khi xét nghiệm âm tính. Đồng thời, 2 vợ chồng nên chú ý giữ gìn vệ sinh, ngăn ngừa các tổn thương có thể xảy ra.
- Tăng cường miễn dịch
Nếu bị nhiễm virus HPV, phụ nữ vẫn có cơ hội phục hồi trước khi tổn thương xảy ra bằng cách tăng cường miễn dịch.
Một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ có thể giúp cơ thể tự loại bỏ virus HPV. Phụ nữ nên duy trì một lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống cân đối, tập thể dục đều đặn, giảm stress, và không hút thuốc lá.
- Tiêm vắc-xin HPV
Hiện nay có các loại vắc-xin HPV hiệu quả để ngăn ngừa nhiễm virus và các biến chứng liên quan. Phụ nữ có thể thảo luận với bác sĩ về việc tiêm vắc-xin HPV và tìm hiểu về lịch tiêm phù hợp.
- Theo dõi và điều trị các biến chứng
Nếu các biến chứng như các tế bào bất thường hoặc ung thư tử cung được phát hiện, phụ nữ cần tuân thủ theo chỉ định và điều trị từ bác sĩ. Điều này có thể bao gồm theo dõi định kỳ, loại bỏ các khối u, quá trình chẩn đoán và điều trị ung thư.