Con buồn, khóc, ăn vạ cũng chẳng sao, quan trọng là phải dạy con điều này
Là một nhà giáo dục và một bà mẹ, tôi tin rằng phần lớn những điều xã hội dạy con trẻ về cảm xúc là không thẳng thắn và hoàn toàn vô ý.
Còn tôi, là một nhà giáo dục và một bà mẹ, tôi tin rằng phần lớn những điều xã hội dạy con trẻ về cảm xúc là không thẳng thắn và hoàn toàn vô ý. Đối với các con gái tôi, tôi biết mình đã phải đối mặt với nhiều hơn một cơn giận dỗi, ăn vạ của con bằng thông điệp: “Dừng lại ngay!”. Tôi đã thì thầm bên những gương mặt nhỏ đang đầm đìa nước mắt: “Đừng buồn nữa con”.
Tôi không có ý định dạy con tôi rằng chúng không nên có cảm xúc với mọi thứ hay không được biểu lộ cảm xúc của mình. Nhưng đó lại thường là chuyện xảy ra vì làm cha mẹ những đứa trẻ nhỏ với những xúc cảm, cảm nhận lớn lao không phải một việc dễ dàng. Tuy nhiên, khi trẻ được dạy một cách vô ý rằng một số cảm xúc là xấu hay hỗn loạn hay nguy hiểm, trẻ sẽ dần tin rằng mình không nên có những cảm xúc đó. Cảm thấy tức giận sẽ trở nên nguy hiểm. Cảm thấy buồn bã sẽ trở thành thất bại.
Đây là một thông điệp cực kỳ có hại bởi vì nó khiến trẻ lớn lên với niềm tin rằng chúng nên biết cách kiểm soát cảm xúc của mình, rằng sẽ tốt hơn hay được chấp nhận dễ dàng hơn là khi không biểu lộ cảm xúc gì. Những cụm từ như “hạnh phúc là một lựa chọn” chứa đựng ẩn ý phía sau rằng bạn có thể và bạn nên biết cách kiểm soát cảm xúc của mình. Nếu đó thực sự là một lựa chọn, tại sao có những người vẫn cứ chọn buồn bã? “Hạnh phúc là một lựa chọn” chỉ khiến chúng ta tin tưởng một cách sai lầm rằng, nếu chúng ta không hạnh phúc, nghĩa là chúng ta không biết kiểm soát.
Tôi đã dành nhiều năm trong đời cố gắng kiểm soát những cảm xúc nguy hiểm như giận dữ hay buồn bã nhưng rốt cuộc chẳng đạt được hiệu quả gì. Trên thực tế, nó chỉ khiến tôi càng cảm thấy tệ hại hơn. Nó khiến tôi có cảm giác, nếu tôi không hạnh phúc, đó là do tôi đã đưa ra những quyết định tồi. Tôi cảm thấy bất lực. Tôi càng cố kiểm soát cảm xúc của chính mình bao nhiêu, tôi lại càng thấy mình bất hạnh bấy nhiêu. Trong khi tất cả những chuyện này chỉ để né tránh việc cảm nhận những cảm xúc “xấu”.
Khi chợt nhận ra tôi không thực sự cần kiểm soát bất cứ cảm xúc nào của mình bởi vì chẳng có cảm xúc nào là xấu, đó như một sự tỉnh thức làm thay đổi cả cuộc đời tôi. Không phải giận dữ là xấu mà chính là điều chúng ta chọn để làm với cơn giận đó mới là tốt hay xấu. Không phải buồn là xấu mà chính là điều chúng ta chọn để làm với nỗi buồn đó mới là tốt hay xấu.
Vì vậy, giờ đây, trong ngôi nhà của chúng tôi, chúng tôi trò chuyện về cảm xúc, về những sự lựa chọn, về việc cảm xúc và lựa chọn là hai thứ khác biệt thế nào. “Cảm thấy giận điên lên cũng chẳng sao cả nhưng nếu tỏ ra hèn hạ thì không ổn chút nào” là cụm từ thường xuất hiện trong gia đình tôi, cùng với nhiều biến thể tương tự: “Cảm thấy nản chí nản lòng không sao hết nhưng không tốt chút nào nếu tung nắm đấm. Cách tốt hơn để bày tỏ sự thất vọng là gì?” hay “Buồn cũng được mà. Mẹ cũng thấy buồn. Làm thế nào chúng ta có thể buồn nhưng vẫn không trở nên xấu xa?”.
Cảm thấy giận điên lên cũng chẳng sao cả nhưng nếu tỏ ra hèn hạ thì không ổn chút nào.
Không có gì sai khi cảm nhận bất cứ điều gì bạn thấy bởi vì khi mang trong lòng những cảm xúc đó, bạn vẫn có thể đưa ra những lựa chọn tốt đẹp và lành mạnh. Không có cảm xúc xấu hay sai lầm. Một số cảm xúc có thể khiến người ta khó khăn hơn trong việc cảm nhận. Nhưng chúng không hề xấu. Và cũng chẳng sai nếu cảm nhận thấy chúng.
Bên cạnh đó, tôi luôn cố gắng hết sức để luôn có chủ ý rõ ràng trong các phản ứng của mình. Ngay cả khi tôi không hiểu nỗi buồn của con gái, tôi không nói với con rằng con đừng buồn nữa. Tôi không tin con chọn cảm xúc buồn bã hay sợ hãi hay giận dữ hay tan nát cõi lòng. Thay vào đó, tôi giúp con lưu tâm tới những lựa chọn dẫn tới những cảm xúc ấy của con và những lựa chọn mà con có thể đưa ra trong lúc đang rối bời cảm xúc.
Thực tế là trẻ em ngày nay phải đối mặt với nhiều căng thẳng hơn, nhiều thử thách về sức khoẻ thần kinh hơn, nhiều vụ tự sát hơn so với các thế hệ trước đây. Luôn có chủ đích rõ ràng trong những điều chúng ta dạy trẻ về sức khoẻ cảm xúc của chúng chưa bao giờ lại quan trọng đến thế vì trẻ em, ai cũng có cảm xúc. Và những đứa trẻ với vô vàn cảm xúc ấy sẽ lớn lên, trở thành những người lớn, với những cảm xúc có thể rất dữ dội, rất phức tạp và rất khó để xử lý. Nhưng đó mới chính là thứ khiến chúng ta là con người.
Vậy nên, thay vì dạy con chối bỏ những cảm xúc phức tạp, khó khăn, tôi luôn muốn giúp con tạo nên mối quan hệ lành mạnh với những cảm xúc của mình. Các con tôi không cần phải kiểm soát cảm xúc của chúng và những cảm xúc ấy không cần phải kiểm soát các con tôi.
Vài nét về tác giả: Megan Launchbaughs Dù đã là một người mẹ và một nhà văn, Megan Launchbaugh vẫn luôn nỗ lực để tìm ra con người mà cô muốn trở thành khi lớn lên. Cô thường xuyên viết bài cho Her view from home. Trên trang blog cá nhân có tên Keeper of the Snacks, Megan chia sẻ nhiều điều về làm mẹ và cách nuôi dạy con cái. |