Có nhiều cách để "đồng điệu" với con gái tuổi dậy thì, cách của MC Diệp Chi khiến các mẹ gật gù "Quá hay"
Muốn "làm bạn" với con, mẹ cần phải học một số cách để kết nối và gần gũi với trẻ hơn.
Trẻ dậy thì là bước thay đổi lớn về cả thể chất và tinh thần. Đặc biệt là tâm lý con có những sự khác biệt mà nếu không quan tâm, để ý, cha mẹ sẽ bỏ qua mất thời điểm quan trọng để đồng hành cùng con. Với bé gái, trẻ có xu hướng trải nghiệm các mối quan hệ, thích ở một mình, không muốn chia sẻ nhiều với bố mẹ nữa. Con thể hiện "cái tôi" mãnh liệt hơn khiến nhiều bố mẹ than vãn "đứa con ngoan của mình sao lại thế này".
Điều cần làm lúc này là thể hiện sự quan tâm, yêu thương đúng cách, dành cho con sự tôn trọng đồng thời có quan điểm, kỷ luật rõ ràng. Đồng hành cùng con giai đoạn này rất khó, mà nếu không khéo rất dễ làm mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái xấu đi.
Hiểu được rằng việc làm bạn với con quan trọng thế nào, MC Diệp Chi đã xây dựng sự kết nối, chia sẻ giữa cô và con gái ngay từ lúc bé còn nhỏ. Càng lớn, khi tâm lý con thay đổi, nữ MC lại càng yêu thương và cố gắng "đồng điệu" với con hơn.
Mới đây, bà mẹ 1 con chia sẻ hình ảnh đoạn tin nhắn với con gái kèm dòng tâm sự: "Có muôn vàn cách để "giao tiếp" đồng điệu với cô con gái đang ở tuổi dậy thì. Tip của tôi là...". Trong tin nhắn, hai mẹ con trò chuyện rất đáng yêu, dường như không có quá nhiều khoảng cách. Nữ MC hiểu rất rõ sở thích của con, kết nối với con bằng việc cùng tìm hiểu những điều con thích và hai mẹ con sẽ có chủ đề chung trong những câu chuyện hàng ngày.
Cách này của MC Diệp Chi khiến hội mẹ bỉm đồng loạt gật gù "Quá hay". Được mẹ quan tâm, yêu thương thế này nên Sumo quả là một em bé hạnh phúc.
Làm sao để con yêu mình, coi mẹ là người bạn thân nhất để có thể chia sẻ buồn vui trong cuộc sống?
MC Diệp Chi có lần đã tâm sự về chuyện này: "Đây là giao tiếp hàng ngày của mẹ và Mô khi không được ở cạnh nhau. Toàn chuyện nhí nhố, luyên thuyên nhưng mẹ thấy được kết nối với em hơn bao giờ hết. Thấy em cần mẹ và mẹ cần em. Khi em ở độ tuổi dậy thì được coi là ẩm ương nhất này mà được vậy - với mẹ là may mắn rồi. Nhưng mẹ sẽ không chủ quan. Mẹ sẽ không ngừng cố gắng. Mục tiêu của mẹ là khiến em yêu mẹ nhiều hơn mỗi ngày, cần có mẹ trong bất kỳ khoảnh khắc quan trọng nào của cuộc sống từ nay đến sau này. Chỉ có như vậy, mẹ mới thực sự trở thành chỗ dựa, là nơi an trú vỗ về cho em cảm giác bình yên nhất, là có mẹ bên cạnh thì không còn nỗi sợ hãi và lo lắng nào là đáng kể nữa rồi.
Giữa thời đại nhiều bất an này, được con yêu, được con cần, được con hiểu và nghe mình - còn gì hạnh phúc hơn? Chỉ khi đó, mình mới thực sự GẦN con. Chỉ khi đó, ngôi nhà có sự hiện diện của mình mới là nơi con mong trở về mỗi ngày. Ừ thì với con - ngoài kia học hành áp lực, thầy cô nghiêm khắc, bạn bè khó chơi nhưng về nhà với mẹ phải khác chứ? Nếu vẫn là những soi xét, phê bình, chỉ trích, áp đặt thì nhà còn tiếng cười vui nữa không? Mỗi ngày một niềm vui nhỏ thì nhìn lại sẽ thấy một chuỗi ngày hạnh phúc. Mỗi ngày một nỗi buồn không thể chia sẻ cùng ai thì nhìn lại chỉ thấy bế tắc mà thôi.
Nếu chọn điều để ưu tiên trên hành trình bên con, mình luôn ưu tiên sức khoẻ và niềm vui. Hay nói đầy đủ hơn là sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tinh thần. Có hai điều này rồi, con sẽ phấn khởi, tự tin đi ra khám phá vẻ đẹp cuộc sống, học những bài học mà bố mẹ chưa kịp dạy. Con còn có nguyên một đời để học cơ mà. Vậy điểm số bây giờ có phải điều gì to tát để gia đình căng thẳng hằng ngày không? Con chưa giỏi văn, toán nhưng thích vẽ thì sao, giỏi hát múa thì sao? Thì quá tốt để có định hướng sớm cho con từ bây giờ chứ sao.
Tối nay trước khi đi ngủ, mình đọc được một bài báo rất thấm thía có tựa đề "Thầy ơi! Cứu con em". Một nhà giáo đã viết "gia đình cần phải trở thành hầm trú ẩn cảm xúc cho mọi người, đặc biệt là con trẻ..." Đúng quá nhỉ?! Đừng biến gia đình thành một trường học với luật lệ hà khắc hay một công sở thứ hai khi ba mẹ là quản lý và con trở thành nhân viên bất đắc dĩ. Những đứa trẻ dù lớn đến mấy, dù là trai hay gái vẫn cứ cần được vỗ về, ủi an và chăm sóc. Chăm sóc bây giờ đâu chỉ là cơm ăn ba bữa, quần áo mặc cả ngày, tiền học đóng đầy đủ. Cái cần chăm sóc nhiều hơn là đời sống tinh thần, là cảm xúc - những thứ không thấy được bằng mắt, không nghe được bằng tai. Nỗi buồn, nỗi thất vọng, sự chán nản cũng vậy. Nó xuất hiện đâu đó trong căn phòng nơi một mình con ngồi, không một ai bên cạnh lắng nghe và hiểu thấu...
Càng lớn con càng kiệm lời, càng có xu hướng thu mình lại và có những cánh cửa trái tim đến một lúc nào đó khép chặt với bố mẹ thì thực sự rất khó để mở ra lần nữa. Đó là lúc muộn màng để nói tới ý nghĩa thực sự của hai tiếng "gia đình".
Đọc bài báo xong cứ miên man nghĩ mãi. Nuôi con thời nay khó thật. Thôi cứ nghĩ đơn giản mình cần yêu thương, tôn trọng thì các con cũng vậy. Mình đi làm về chỉ mong được nghỉ ngơi, thư giãn thì cũng hãy mang cho con cảm giác tương tự. Mình khư khư điện thoại lướt facebook cả ngày thì được mà con mới cầm xem một chút đã mắng loạn lên thì cần xem lại mình rồi. Cũng chính mình là người đầu tiên cho con tiếp xúc với các thiết bị thông minh chứ ai, đúng không những người mẹ vừa cho con ăn dặm vừa bật điện thoại/ ipad trước mặt để con ăn nhanh, ăn nhiều? Nên có trách, có chỉnh thì công tâm trách mình, chỉnh mình trước ạ.
Đừng khiến con sợ, con dè chừng mà phải để con yêu, con nể. Đấy nên là mục tiêu phấn đấu của các bố mẹ, tất nhiên là bao gồm cả người mẹ nửa đêm đang kỳ cạch gõ những dòng này. Lúc nào cũng thầm nhắc: con yêu mình hôm nay nhưng chắc gì ngày mai đã thế, mình cứ phải nỗ lực và phấn đấu không ngừng nghỉ. Đã qua tuổi chiếm lấy trái tim ai đó rồi, giờ chỉ cần chiếm trọn tim con thôi nhỉ? Nếu được con yêu rồi thì mình muốn gì cũng ... dễ", MC Diệp Chi chia sẻ.
Cha mẹ và con cái hãy lắng nghe nhau
Cuộc sống hiện đại với vô số áp lực từ kinh tế, gia đình, con cái... khiến nhiều cha mẹ không đủ thời gian và sự quan tâm để kết nối với con. Việc này kéo dài khiến trẻ ngày một rời xa cha mẹ. Sự thấu hiểu và chia sẻ cũng dần mất đi. Nhiều phụ huynh không hiểu tại sao lúc nhỏ con rất yêu thương mình, nhưng càng lớn càng thay đổi tính nết.
Sự kết nối giữa cha mẹ và con là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và tương lai của con. Nhiều trẻ không được quan tâm đầy đủ dễ dẫn đến nóng tính, căng thẳng hoặc trầm cảm, phát triển nhân cách không toàn diện.
Dù ở bất kì giai đoạn nào trong quá trình trưởng thành, trẻ nhỏ cũng cần được cha mẹ yêu thương, quan tâm và chăm sóc đầy đủ. Việc chăm sóc không chỉ về khía cạnh vật chất mà còn về tinh thần. Không ít phụ huynh cho rằng cứ đi làm kiếm nhiều tiền là con hạnh phúc, thế nhưng họ không biết điều con cần thật sự là tình yêu thương của cha mẹ.
Từ đó, cha mẹ nên tạo ra cách kết nối với con dựa trên tính cách, tâm sinh lý của trẻ. Nếu con là một người hướng ngoại, cha mẹ hoàn toàn có thể đưa bé đi chơi, xả stress ở bất kì nơi đâu con muốn. Nếu con hướng nội, sự gắn kết có thể diễn ra ngay trong chính ngôi nhà bằng thời gian cùng nhau đọc truyện, nấu nướng, làm việc nhà, học hành... Hãy để sự kết nối luôn được diễn ra, mỗi ngày và liên tục.
Việc cha mẹ và con cái xảy ra tranh cãi hay bất đồng quan điểm là điều dễ hiểu, tuy nhiên hãy cố gắng bình tĩnh và kiểm soát tốt cảm xúc. Nhất là khi trẻ đang trong độ tuổi trưởng thành. La mắng, đánh đập, quát tháo là cách phản tác dụng, khiến cha mẹ và con cái ngày một xa cách.