Chuyện mang thai và những điều chả ai hay: Vì sao có mẹ rốn lồi, người thì lại phẳng lì?
Khi mang thai, có mẹ rốn bị lồi ra có thể nhìn thấy rõ sau lớp áo, nhất là trong 3 tháng cuối thai kì, nhưng có người lại không.
Khi mang thai cơ thể người mẹ phải đối mặt với nhiều thay đổi, từ hình dáng, cân nặng cho đến tâm sinh lý. Kích thước bụng sẽ to dần lên cùng với sự phát triển của thai nhi. Da mẹ bầu có thể sẽ xấu đi, sạm hơn vì thay đổi nội tiết tố, thậm chí có một số mẹ có thể bị rạn da vì tăng cân quá nhanh. Nhưng đó chưa phải là tất cả, có một thay đổi nho nhỏ nhưng lại khiến các mẹ quan tâm nhiều nhất chính là tình trạng rốn khi mang thai.
Theo các chuyên gia sản khoa thì tình trạng rốn lồi, lõm khi mang thai là rất phổ biến và mẹ bầu không cần quá lo ngại (Ảnh minh họa)
Từ thời xưa, các bà các mẹ hay nhìn vào sự thay đổi hình dạng của rốn mẹ bầu để chẩn đoán giới tính thai nhi. Nhưng với công nghệ y học hiện đại ngày nay, việc chẩn đoán giới tính thai nhi đã không còn thô sơ và kém chính xác nữa. Theo các chuyên gia sản khoa thì tình trạng rốn lồi, lõm khi mang thai là rất phổ biến và mẹ bầu không cần quá lo ngại về nó. Có mẹ rốn bị lồi ra khi mang bầu, có thể nhìn thấy rõ rốn lồi kể cả sau lớp áo, nhất là trong 3 tháng cuối thai kì, nhưng có người lại không.
Dưới đây là những thay đổi phổ biến nhất ở rốn mẹ bầu trong thai kì:
Rốn lồi
Rốn lồi do nhiều yếu tố, chủ yếu là áp lực từ bên trong đẩy ra (Ảnh minh họa)
Khi mang thai, việc rốn của mẹ lồi ra, cũng như việc bụng phình ra, là điều không thể tránh khỏi. Mẹ bầu sẽ tăng cân, tử cung giãn nở để thai nhi phát triển trong đó. Thêm nữa, cơ thể người mẹ sẽ hóa lỏng, và quá trình tích tụ nước ối sẽ diễn ra. Những yếu tố trên sẽ khiến tử cung gây sức ép lên lỗ rốn và khiến cho rốn lồi ra.
Trong hầu hết các trường hợp, rốn nhô ra là hoàn toàn bình thường đối với phụ nữ mang thai, nhưng nếu nó đi kèm với hiện tượng đau âm ỉ và khó chịu ở bụng, mẹ hãy xin ý kiến tư vấn của bác sĩ và kiểm tra để loại trừ khả năng thoát vị rốn - tình trạng một phần ruột chui vào khe hở giữa các cơ thành bụng tại rốn và nằm sát bên dưới da.
Rốn phẳng
Ngược lại với những mẹ bầu có rốn lồi thì có một số mẹ sở hữu rốn phẳng trong thai kì. Khi da ở vùng bụng giãn rộng, da rốn cũng sẽ giãn theo, do đó xuất hiện hiện tượng rốn kéo phẳng ra thay vì lồi hoặc lõm. Điều này cũng hoàn toàn không có gì đáng lo ngại với phụ nữ mang thai và sẽ trở lại hình dạng bình thường sau khi sinh.
Ngứa ngáy vùng rốn
Rạn da sẽ khiến mẹ ngứa vùng xung quanh bụng, ngứa rốn (Ảnh minh họa)
Khi mang thai, vùng da và cơ bắp quanh bụng mẹ sẽ phải giãn ra để phù hợp với kích thước của tử cung, làm phần rốn cũng bị giãn theo gây ra cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Mẹ có thể thoa kem dưỡng ẩm hoặc kem trị rạn da để làm giảm cơn ngứa, sự khó chịu. Nếu tình trạng ngứa không thuyên giảm và ngày càng trầm trọng, nổi mẩn, phát ban, tạo thành mảng, mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Đau rốn
Khi mang thai, mẹ cũng có thể thấy có hiện tượng đau rốn, đó là do da vùng rốn bị kéo căng. Mẹ không cần quá lo lắng. Nhưng nếu cơn đau kéo dài và đau nhiều thì cần được bác sĩ kiểm tra và tìm nguyên nhân chính xác để có phương án xử lý phù hợp.
Để hạn chế đau, ngứa rốn và những cảm giác khó chịu ở khu vực rốn trong thai kì, mẹ có thể áp dụng những cách sau:
Mẹ bầu chú ý giữ gìn vệ sinh vùng quanh rốn, không gãi xước da rốn (Ảnh minh họa)
- Lưu ý hàng ngày vệ sinh cơ thể sạch sẽ và mặc những bộ quần áo rộng rãi, thoáng mát, tránh để cơ thể đổ mồ hôi hay đọng mồ hôi ở vùng rốn sẽ khiến cho tình trạng ngứa nghiêm trọng hơn.
- Lựa chọn loại sữa tắm phù hợp với làn da mẫn cảm
- Không gãi mạnh, cào xước da rốn
- Có chế độ ăn đủ dinh dưỡng, lành mạnh, uống đủ nước để da có độ ẩm, không bị khô ngứa.
Nguồn: Parent/Mom