Chuyên đề: Thực trạng thiếu dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam

Admicro,
Chia sẻ

Kỳ 2: Từ bữa cơm gia đình đến bếp ăn trường học.

Kỳ trước: Theo kết quả khảo sát Tình trạng dinh dưỡng khu vực Đông Nam Á (SEANUTS) – một phần không nhỏ trẻ em Việt Nam không đạt chế độ dinh dưỡng khuyến nghị của Bộ Y tế. Điều này tưởng chừng như rất khó tin bởi sự quan tâm của các bậc phụ huynh về vấn đề dinh dưỡng cho con nhỏ luôn được đặt lên hàng đầu. Vậy lý do nào đã dẫn đến thực trạng kể trên? Chúng tôi đã làm một cuộc “sát thực” để điều tra những bữa ăn của trẻ từ ngay trong mỗi gia đình đến tận bếp ăn của trường học để tìm nguyên nhân…
 
Bữa ăn gia đình: Cải thiện nhưng chưa đạt chuẩn
 
Điều kiện kinh tế xã hội ngày một cải thiện, chất lượng bữa ăn theo đó được nâng cao. Nhưng ăn thế nào cho đủ dinh dưỡng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Cuộc sống hiện đại, người thành thị không còn nhiều thời gian chăm lo bữa ăn truyền thống của gia đình. Không ít người, kể cả trẻ em, còn bỏ bữa hoặc thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh như hamburger, gà rán, pizza… - một dạng thực phẩm giàu năng lượng nhưng thiếu vi chất cần thiết. 
 
Thực trạng trên đã dẫn đến hậu quả là bữa ăn hàng ngày của phần lớn trẻ con thành phố không đáp ứng được tiêu chuẩn khuyến nghị là phải có ít nhất 15 loại thực phẩm khác nhau đến từ 4 nhóm thực phẩm bao gồm chất đạm, bột đường, chất béo và chất xơ. Khảo sát SEANUTS (Khảo sát tình trạng dinh dưỡng khu vực Đông Nam Á) do Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam và các Viện Dinh Dưỡng hàng đầu của 4 nước Đông Nam Á thực hiện vào năm 2011 cho thấy tại Việt Nam, ngoài suy dinh dưỡng và thiếu vi chất tiếp tục là những vấn đề hàng đầu thì tỉ lệ trẻ béo phì và dư cân cũng đang gia tăng, đặc biệt là ở đô thị. 
 
Tuy nhiên, không ít bà mẹ vẫn thờ ơ với thực trạng này, vì đơn giản, các mẹ vẫn nghĩ rằng mình đang cho con ăn “đúng chuẩn”. Thực tế, “chuẩn” ấy ra sao, ăn thế nào là đủ và đúng lại là việc không ít mẹ còn chưa nắm rõ. Chọn thức ăn ngon, đắt tiền hay chỉ cho trẻ ăn những món ăn ưa thích hay đơn giản là ăn cho no chưa chắc đã là cách đảm bảo đúng và đủ chế độ dinh dưỡng cho con. Theo đánh giá của các chuyên gia, thức ăn nếu không đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng mà chỉ tập trung vào đường, tinh bột nhưng ít chất béo, protein từ động vật, rau củ… thì bữa ăn đó vẫn bị xếp vào dạng “thiếu chuẩn” dinh dưỡng.
 
Dinh dưỡng học đường: Chớ xem nhẹ!
 
Dinh dưỡng học đường ở nước ta ngày càng có vai trò quan trọng khi trẻ em ăn ở trường nhiều hơn ở nhà, nhất là tại khu vực thành thị. Thống kê tại TPHCM cho thấy gần như 100% trường mầm non đã triển khai bữa ăn học đường. Thế nhưng, nếu so sánh dưỡng chất tiêu thụ với nhu cầu khuyến nghị cho người Việt Nam, theo ghi nhận của nghiên cứu SEANUTS cho thấy tình trạng dinh dưỡng của trẻ em ở lứa tuổi đi học ở Việt Nam đang ẩn chứa nhiều nguy cơ. Nhiều trường học do mặt bằng chật chội nên ký hợp đồng với bếp ăn công nghiệp. Trong khi đó, một số trường có tổ chức bếp ăn học đường nhưng lại thiếu cán bộ có chuyên môn về dinh dưỡng để tính toán khẩu phần ăn phù hợp cho từng lứa tuổi. 
 
Dinh dưỡng với vai trò nền tảng quyết định 32% trong sự phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ của trẻ. Trong giai đoạn con vào mẫu giáo và học tiểu học, các mẹ có xu hướng lơ là, “thoải mái” hơn trong việc chăm dinh dưỡng với quan niệm “người lớn ăn gì, trẻ con ăn nấy” và phó mặc cho các bữa cơm trong trường. Tuy nhiên, do thực đơn truyền thống của người Việt vốn dĩ thiếu các nhóm chất dinh dưỡng nên theo đó chế độ dinh dưỡng của con trẻ ở cả gia đình và nhà trường cũng lệch lạc theo. 
 
Đây không còn là vấn đề về chiều cao hay cân nặng! Chế độ dinh dưỡng không đạt mức khuyến nghị sẽ kéo theo nhiều hậu quả nặng nề như kết quả học tập kém đi, thể lực yếu, trẻ kém tự tin, chưa kể còn là tiền đề cho các bệnh mãn tính không lây khác. Đã đến lúc các mẹ nên cẩn thận xem lại những bữa ăn ở trường và gia đình của con vì nhiều khả năng con của bạn đang nằm trong nhóm bị thiếu hụt dinh dưỡng.
 
Chuyên đề: Thực trạng thiếu dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam  1
Khi trẻ bước vào độ tuổi đi học, các mẹ có xu hướng lơ là, thoải mái hơn trong việc ăn uống của con và thường phó mặc cho các bữa cơm ở trường.
 
Chia sẻ