Cha mẹ hãy nắm ngay 9 cách ứng phó với thói xin xỏ nài nỉ cho bằng được của trẻ
Các bậc cha mẹ hãy làm theo những chiến thuật vô cùng đơn giản sau đây để “trụ vững” khi con bạn không chấp thuận câu trả lời “Không” và vẫn nhõng nhẽo xin xỏ cho bằng được.
Hầu như đứa trẻ nào cũng đều có tật xin xỏ nài nỉ bố mẹ cho bằng được khi chúng muốn có hay muốn làm một thứ gì đó và cũng hầu như trong mọi trường hợp, trẻ sẽ không buông tha và chấp thuận câu trả lời "Không" từ bố mẹ. Lý do là bởi tính thỏa mãn tức thì. Không giống như người lớn, trẻ em trong giai đoạn từ 3 đến 5 tuổi chưa học được cách chờ đợi cho đến khi nhu cầu và mong muốn của mình được đáp ứng. Và bởi vì khả năng giao tiếp của trẻ vẫn chưa được phát triển hoàn thiện nên chúng không thể chuyển tải sự thất vọng một cách đúng mực. Vì vậy chúng tìm đến cách biểu lộ cảm xúc ví dụ như khóc lóc, mè nheo, khóc thét để thúc đẩy và thay đổi những ranh giới, để những nhu cầu của chúng được đáp ứng nhanh hơn.
Vậy bố mẹ cần làm thế nào để có thể đối phó với những lúc con nhất quyết xin xỏ cho bằng được và dỗ thế nào cũng không được?
1. Trước tiên, dạy con về sự thỏa mãn trì hoãn
Katy Harris, một bác sĩ về hành vi của trẻ cho biết: "Là bậc phụ huynh, chúng ta phải dạy cho trẻ biết rằng dù chúng ta hiểu sự thất vọng và buồn bực của chúng (khi không được thỏa mãn nhu cầu ngay lập tức) thì chúng vẫn phải học cách chấp nhận hoàn cảnh và vượt qua. Vì cuộc sống không phải lúc nào cũng được như ý mình muốn ngay lập tức".
2. Phớt lờ hành động van xin nài nỉ của trẻ
Hãy cho trẻ thấy rằng bạn đang bận và sẽ không quan tâm đến yêu cầu của con và trẻ sẽ bắt đầu hiểu rằng chúng đã mất hết quyền lực trong tình huống đó. Việc phải lắng nghe tất cả những khóc lóc nài nỉ ỉ ôi của trẻ có thể rất khó khăn và cha mẹ vẫn sẽ phải thể hiện rằng mình sẵn sàng phớt lờ hết. Bằng cách này, trẻ sẽ dần hiểu được hành vi của chúng có thể ảnh hưởng đến người khác như thế nào.
3. Đặt ra một kế hoạch rõ ràng
Nếu bạn quyết định chỉ mua một món đồ chơi cho sinh nhật của con vào tháng sau (chứ không phải hôm nay) thì hãy nói rõ với con như vậy. Củng cố thỏa thuận này bằng cách vẽ ra một bức tranh, viết một ghi chú trên lịch cùng nhau như một lời nhắc nhở.
4. Đặt ra hình phạt và cho con lựa chọn
Nếu trẻ vẫn khăng khăng đòi cho bằng được, hãy để con phải ngồi một mình một ghế và tách biệt với cả nhà. Hãy nói rõ cho con rằng chừng nào con vẫn tiếp tục có hành vi như vậy thì con vẫn sẽ phải ngồi ở đấy. Khi bạn thể hiện rằng bạn sẵn sàng "rút" khỏi tất cả những nài nỉ ỉ ôi của trẻ, điều này sẽ khiến trẻ phải quyết định (và học được) rằng liệu xin xỏ có là lựa chọn đúng đắn và tốt hơn so với việc chơi đùa vui vẻ với những người khác hay không.
5. Thương lượng một phương án thay thế
Bác sĩ Katy chỉ ra rằng "Chấp nhận một thứ gì đó ít hơn hay nhỏ hơn là một phần quan trọng trong quá trình học hỏi". Nếu bạn quyết định mua một bộ lắp ghép nhỏ hơn bởi vì con đã có nhiều bộ tương tự như thế rồi thì hãy gợi ý cho trẻ rằng bộ này tuy nhỏ nhưng chơi vui hơn. Trẻ sẽ sẵn sàng suy nghĩ thấu đáo và đúng đắn hơn nếu bạn thể hiện được sự thông cảm, thấu hiểu thay vì thái độ đối đầu.
6. Dừng hành động nài nỉ van xin ngay lập tức với những câu hỏi sau
Hiểu được rằng trẻ sẽ không dừng lại nếu chưa có được thứ chúng muốn, bác sĩ Katy khuyên bố mẹ nên khiến trẻ bộc lộ được nỗi tức giận và thất vọng của chúng khi tự nói những câu như: "Con không thích chút nào khi không có được những gì con muốn".
Với cách giúp trẻ nhận ra được nguyên do khiến chúng không vui, bố mẹ có thể đưa ra những phản hồi phù hợp, ví dụ như: "Bố/mẹ biết rất khó khăn khi con không có được những gì con muốn. Nhưng bố/mẹ biết là rồi con cũng sẽ ổn thôi mà, một khi con không quá bận tâm và buồn bã về vấn đề đó nữa".
Sau đây là một số câu hỏi bố mẹ có thể cân nhắc sử dụng trong lần tới khi con bắt đầu nài nỉ:
- Con còn muốn buồn bực về vấn đề này trong bao lâu nữa?
- Con muốn tiếp tục lặp lại và buồn bực hay muốn chấp thuận một giải pháp tuy không hoàn toàn được như ý con muốn nhưng vẫn sẽ có thể khiến con vui vẻ nào?
- Con có muốn tiếp tục mè nheo và để tất cả những điều này phá hủy cả một ngày của con không?
Trong khi tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên, trẻ sẽ học cách nhìn nhận và phân loại cảm xúc và nói ra nỗi buồn bực thất vọng của chúng thành lời.
7. Thỏa thuận trước
Nếu bạn quyết định mua đồ chơi cho con, hãy nhấn mạnh quyết định của bạn trước khi đến cửa hàng đồ chơi. Bà mẹ 4 con Karen Sum luôn nhắc nhở các con của mình một lần nữa trước khi bước vào cửa hàng, ví dụ như: "Chúng ta hôm nay sẽ mua sữa thôi, còn đồ chơi có thể sẽ là tuần sau nhé". Việc đặt ra những quy tắc và tuân thủ chúng thật chặt chẽ là rất quan trọng vì như thế trẻ sẽ biết trước những thỏa thuận với bố mẹ và không đòi hỏi lung tung.
8. Đếm ngược đến nhiệm vụ tiếp theo
Để khuyến khích thói quen đánh răng của trẻ, hãy cảnh báo trước với con rằng con phải dừng tất cả những gì con đang làm và đánh răng mỗi tối sau khi bạn đếm từ 1 đến 10. Ông bố 40 tuổi Donald Lim cho biết phương pháp này cực kỳ hữu hiệu đối với cô con gái 3 tuổi của anh: "Tôi và vợ đã đặt ra phương pháp này như một nề nếp trong nhà và thực hiện rất sát sao, vì thế nên con gái chúng tôi đồng ý đếm ngược như một tín hiệu để thực hiện theo những gì được bảo. Chúng tôi cũng dùng nó để dừng những cơn mè nheo của con".
9. Bỏ đi
Nếu bạn đã nói với con rõ ràng rằng giờ đã đến lúc ra về và sẽ không chơi cầu trượt thêm một lượt nào nữa nhưng con vẫn khăng khăng nài nỉ được chơi nữa, thì đừng ngại việc bỏ đi. Georgina Tan, 34 tuổi, có hai cô con gái 2 tuổi và 6 tuổi, cho biết: "Tôi đã nói rất rõ rằng tôi không chấp nhận việc nài nỉ. Không đơn giản là không".
Nguồn: Smartparents