Cha “Đại bàng” và cách dạy con thời điên dại

Theo PNTD,
Chia sẻ

Ông Hà ví việc rèn luyện của mình với cách những con chim đại bàng đẩy con xuống vực sâu để giúp chúng học bay. Cách giáo dục hà khắc theo kiểu “đào thải tự nhiên” này không phải là điều mới mẻ gì. Không ít các dân tộc trên thế giới thường cho con tắm suối trong mùa đông lạnh ngay sau khi sinh.

Sau mẹ Hổ Ami Chua, bố “Sói” Xiao Baiyou, cha “Đại bàng” họ Hà lại xuất hiện. Cách thức giáo dục chung của những bậc phụ huynh này là dùng phương pháp siêu hà khắc với con cái mình để chúng trở nên giỏi giang cứng cáp.

Điều đáng ngạc nhiên là, khi giáo dục hiện đại luôn đề cao việc để cho trẻ em được sống đúng là trẻ em, được phát triển một cách cân bằng nhất trong môi trường giáo dục và vui chơi giải trí, thì cách thức giáo dục với phương châm “dưới đòn roi mới xuất hiện con tài năng” này của mẹ “Hổ”, bố “Sói” và cha “Đại bàng” lại nhận được sự đồng thuận từ nhiều bậc làm cha làm mẹ.

Nghiêm khắc hay tàn nhẫn?

Cách giáo dục hà khắc theo kiểu “đào thải tự nhiên” này không phải là điều mới mẻ gì. Không ít các dân tộc trên thế giới thường cho con tắm suối trong mùa đông lạnh ngay sau khi sinh.

Sau khi video clip của bố “Đại bàng” được đưa lên trang mạng tudou, đã có hàng ngàn ý kiến trái chiều về cách thức “rèn luyện” cho con của ông Hà, người Nam Kinh – Trung Quốc.

Video clip do chính ông Hà quay lại cảnh cậu con trai lên 4 tuổi, trên mình chỉ mặc duy nhất chiếc quần lót màu vàng, co ro chạy trong tuyết lạnh dưới thời tiết -13 độ C của New York trong một chuyến du lịch của cả gia đình tới thành phố này.

Khi phóng viên liên lạc với ông Hà, ông cho biết, đây là cách để ông rèn luyện cho cậu con trai Hà Nghị Đức trở nên cứng cáp, có thể tự chống chọi với sự khắc nghiệt của tự nhiên và sau này là đối mặt với những sóng gió của cuộc đời.

Theo lời của ông Hà, cậu con trai Hà Nghị Đức của ông sinh non, thiếu 2 tháng. Khi mới sinh ra, các bác sĩ cho hay bé Đức có nhiều biến chứng và có thể bị thiểu năng trí tuệ. Tuy nhiên, sau hai tháng điều trị trở về nhà, ông Hà đã có kế hoạch rèn luyện khắc khổ cho con trai.

Ông Hà ví việc rèn luyện của mình với cách những con chim đại bàng đẩy con xuống vực sâu để giúp chúng học bay. Cách giáo dục hà khắc theo kiểu “đào thải tự nhiên” này không phải là điều mới mẻ gì. Không ít các dân tộc trên thế giới thường cho con tắm suối trong mùa đông lạnh ngay sau khi sinh.

Đứa trẻ nào đủ sức đề kháng thì sẽ khỏe mạnh và kiên cường sống sót, những đứa trẻ không vượt qua được thử thách sẽ bị đào thải. Cũng giống như những con đại bàng non, nếu không vượt qua bài học bay đầu đời, chúng sẽ tan xác dưới đáy vực thẳm.

Tuy nhiên, cách thức dã man này chỉ tồn tại những dân tộc lạc hậu. Giáo dục hiện đại ngày nay tôn trọng con người và tôn trọng sự phát triển của con người một cách hài hòa.



Tuy nhiên, đấy chỉ là phần nổi mà khán giả nhìn thấy trong video clip nói trên. Trước đó, ông Hà đã buộc cậu con trai 4 tuổi phải tuân theo một lịch luyện tập kinh khủng tới mức ngay cả những vận động viên chuyên nghiệp cũng phải lắc đầu lè lưỡi.

10 ngày sau khi ra khỏi lồng kính, ông Hà đã bắt cậu con trai phải tập bơi dưới nước ở nhiệt độ 25 độ C.

Từ 6 tháng tuổi, Đa Đa (tên thân mật của Hà Nghị Đức) đã bắt đầu chương trình luyện tập siêu cấp của mình. Mỗi ngày, cậu bé phải tập bơi 8 tiếng. Năm lên hai tuổi, cậu bé bắt đầu theo cha leo lên ngọn núi Zijin cao gần 500m, khi mệt có thể nghỉ chứ không hề được bố cõng, tự mình leo lên đến tận đỉnh núi.

Ngoài ra, ông bố yêu thể dục còn bắt cậu bé Đa Đa thực hiện các hình thức tập luyện khắc nghiệt khác như dùng dây trèo lên cầu, học võ thuật, đi xe đạp, đấm bốc và cả… hiphop. Cứ thế, mỗi ngày Đa Đa phải chạy bộ ít nhất là 10km trở lên.

Khi World Expro Thượng Hải 2010 diễn ra, cậu bé 2 tuổi rưỡi Đa Đa đã cùng người lớn đi bộ tham quan toàn bộ khu vực triển lãm trong 3 ngày liên tiếp.

Những người đã từng chứng kiến cảnh cậu bé 3 tuổi một mình trượt tuyết từ cao điểm tương đương với độ cao của ngôi nhà 6 tầng xuống phía dưới trong điều kiện không có người lớn đi kèm đều cảm thấy vô cùng xót xa và thương cảm cho cậu bé.

Thế nhưng, cha cậu, ông Hà lại vô cùng tự hào khi nói với phóng viên rằng:

“Ngoại trừ khi mới sinh phải nằm lồng kính, từ khi được tập luyện thằng bé hoàn toàn khỏe mạnh. Bây giờ, tất cả những nguy cơ mà bác sĩ nói đều không còn nữa, thân thể và tinh thần của con tôi không thua kém bất kỳ đứa trẻ bình thường nào khác, nếu không nói là ưu tú hơn”.  

Không chỉ ép con vào một khóa trình luyện tập thân thể vô cùng khắc nghiệt, ông Hà cũng đã bắt đầu một chương trình học tập văn hóa đầy nghiêm khắc cho cậu con trai Đa Đa.

Ông “khoe”: Hiện nay tuy mới 4 tuổi, Đa Đa có thể nhận mặt được hơn 3000 Hán tự, tương đương với một người nước ngoài trưởng thành học tiếng Hán liên tục trong vòng 1 năm rưỡi.

Tháng 11/2011, Đa Đa cùng gia đình tới Mỹ du lịch. Thời gian đó cậu bé vào học tại một trường mẫu giáo ở New York.

Thời gian đầu, cậu học lớp mầm, ngay sau đó được chuyển lên lớp chồi, hai tuần sau đó nữa được chuyển lên lớp lá và cuối cùng được chuyển vào lớp thiên tài. Tuy nhiên ba tháng sau, do phải về nước nên khóa học của cậu đã kết thúc.

Bố Đa Đa nói rằng, con trai ông bây giờ đã vượt qua tiêu chuẩn của những đứa trẻ cùng lứa. Cậu bé giao tiếp tốt với các bạn khác, học được cách chia sẻ, cách cảm ơn.

Gần đây, ông Hà đã mời chuyên gia từ Đài Loan đến để kiểm tra IQ cho cậu bé Đa Đa, kết quả kiểm tra, chỉ số IQ của Đa Đa lên đạt 218. Ông cũng cho biết thêm, bắt đầu từ năm nay, cậu sẽ đi học lớp 1 thay vì phải chờ đợi thêm 3 năm nữa (Trẻ ở Trung Quốc 7 tuổi mới bắt đầu học tiểu học).

Ông Hà cũng nuôi tham vọng xuất bản một cuộc sách tổng kết lại 3 năm kinh nghiệm dạy con của mình. Cuốn sách đã được Nhà xuất bản Trung Tín biên tập và chuẩn bị ra mắt, dự kiến lấy tên là “Tâm kinh dạy con của cha bận, cha lười”.

Ông Hà nói với phóng viên: Tôi sẽ phổ biến kinh nghiệm cá nhân của mình, làm sao giúp con kiên trì, tổng kết tình huống thực tế cá nhân kết hợp và điều chỉnh theo quan điểm của xã hội không ngừng thay đổi.

Thời của những ông bố bà mẹ điên cuồng

Sau khi những thông tin của hai cha con ông Hà và bé Đa Đa được đưa lên mạng, đã có hàng nghìn ý kiến phản hồi khác nhau về cách thức nuôi dạy con của ông Hà. Một số người theo trường phái bảo thủ ủng hộ cách làm của ông Hà và cho rằng việc nghiêm khắc với trẻ ngay từ nhỏ là cần thiết.

Một độc giả, trên trang web chia sẻ video youku đã bình luận: “Các bạn hãy nhìn vào Nhật Bản. Trẻ em Nhật Bản được nuôi dạy rất nghiêm khắc và cứng rắn thế nên đất nước Nhật mới phát triển nhanh như vậy. Người ta làm được thì mình cũng làm được”.

Tuy nhiên, đa phần các ý kiến bình luận của độc giả vẫn cho rằng, hành động của ông Hà đối với con là quá nghiêm khắc, nhiều độc giả còn nói rằng hành động của ông là dã man đối với một cậu bé mới 4 tuổi, là vi phạm quyền trẻ em.

Trước đó, bà mẹ Hổ Ami Chua với cuốn sách “Khúc chiến ca của mẹ Hổ” và bố Sói Xiao Baiyou với cuốn sách “Bố Sói: Con tài năng chỉ xuất hiện dưới đòn roi” cũng đã gây ra rất nhiều tranh luận về cách thức giáo dục con cái.

Không ít những người làm cha mẹ, thậm chí là các bậc phụ huynh của phương Tây cũng ủng hộ các biện pháp cứng rắn của bố Sói, mẹ Hổ và bây giờ là bố Đại bàng. Ở Việt Nam, cũng không ít phụ huynh vẫn ủng hộ cách thức giáo dục này, với quan điểm “yêu cho roi cho vọt”.

Điều này cũng không khó lý giải bởi hiện nay áp lực học hành, thi cử là quá lớn đối với trẻ em. Ngay cả các bậc phụ huynh cũng phải chịu ảnh hưởng từ những áp lực này.

Ngoài học văn hóa ở trường, họ đua nhau cho con học thêm với hy vọng con cái không thua kém bạn bè ở lớp và có được một tương lai tươi sáng về sau. Áp lực quá lớn khiến cho các bậc làm cha làm mẹ trở nên điên cuồng ép con tham gia vào những cuộc chạy đua ấy.

Dù không nghiêm trọng như trường hợp của mẹ Hổ, bố Sói và cha Đại bàng nhưng hiện tượng trên vẫn là một cảnh báo đối với những xã hội đang phát triển nói chung.

Quay trở lại ý kiến của bạn đọc ở trên khi anh so sánh với trẻ em Nhật Bản. Tuy rất phát triển nhưng hiện nay, Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỷ lệ tự tử trong thanh thiếu niên cao nhất trên thế giới.

Nguyên nhân sâu xa của vấn nạn này ít nhiều có quan hệ với áp lực học hành, thi cử, áp lực thành đạt do cha mẹ và do xã hội đặt ra với họ. Những người làm chính sách của đất nước Nhật cũng đang đau đầu giải quyết vấn nạn này.

Thậm chí ở một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, những vấn đề này cũng ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Dù trở thành những cuốn sách để “tham khảo” nhưng những người ủng hộ “Khúc chiến ca của mẹ Hổ”, bố Sói và cha Đại bàng có lẽ vẫn chỉ là thiểu số. Sẽ thật sự nguy hiểm nếu mọi ông bố bà mẹ coi những cuốn sách trên là “giáo trình” để dạy dỗ con cái của mình.
Chia sẻ