Câu chuyện trên phố về cách người mẹ dạy con tự chịu trách nhiệm cho lỗi lầm của mình

Newben,
Chia sẻ

Hãy để con ý thức được sai lầm của mình, chính chúng sẽ quyết định cách để sửa sai và như vậy sẽ có trách nhiệm hơn với quyết định của mình.

"Mẹ gọi sữa chua cho con, sau đó mẹ uống hết, con có ức không?", người mẹ hỏi cậu con trai đang tỏ vẻ sợ hãi. "Dạ có", cậu bé trả lời với giọt nước mắt lăn dài trên má. Cuộc trò chuyện của hai mẹ con trên phố đã thu hút sự chú ý của tôi.

"Con lấy hết giấy trong nhà vệ sinh quán ăn, cô lao công sẽ bị chủ mắng, có thể sẽ bị trừ lương, vậy cô ấy có uất ức không?", người mẹ tiếp lời. Cậu con trai trả lời với vẻ mặt sợ hãi: "Dạ có".

Như để xoa dịu sự sợ hãi trong con, người mẹ ôn tồn bảo: "Mẹ uống hết sữa chua của con là mẹ sai rồi, mẹ xin lỗi con nhé. Mẹ sẽ mua thêm lọ sữa chua nữa đền cho con. Nhưng mà cô lao công cũng buồn như con vậy đó, phải làm sao đây?".

"Mẹ, con không biết phải làm thế nào", đứa bé đầy bối rối, bàn tay liên tục mân mê chiếc áo đang mặc. Đến lúc này, người mẹ dịu dàng vỗ về: "Mẹ tin là con có thể nghĩ ra cách tốt nhất để thực hiện điều này".

Hãy để con tự gánh vác hậu quả của sai phạm_1
Người mẹ dịu dàng vỗ về: "Mẹ tin là con có thể nghĩ ra cách tốt nhất để thực hiện điều này". (Ảnh minh họa)

Suy nghĩ một lúc, cậu bé thỏ thẻ: "Mẹ, con nghĩ rằng con sẽ mua loại kẹo mút mà con thích nhất, được không mẹ?". Người mẹ có vẻ do dự, bởi với bà thì đây không phải là một cách xin lỗi đúng đắn nhưng cuối cùng cũng, vì tôn trọng con trai, bà vào cửa hàng tiện lợi gần đó và mua một túi đầy kẹo.

"Được rồi, mẹ sẽ ở bên ngoài chờ con. Nếu mọi việc không suôn sẻ, người ta vẫn yêu cầu bồi thường tiền thì mẹ sẽ giúp con. Cố lên con nhé". Đứa bé gật đầu, từ từ tiến vào trong nhà hàng. Không giấu được sự tò mò, tôi cũng vào trong xem sao.

Lúc này đã đến giờ ăn tối, trong nhà hàng rất đông thực khách nên những người phục vụ chẳng ai để ý đến đứa bé nhỏ nhắn với hai chiếc túi trên tay. Sau nhiều lần rụt rè đưa cây kẹo mút cho những người phục vụ bận rộn nhưng chẳng được ai đáp trả, đứa bé òa khóc trong sợ hãi. Người mẹ bên ngoài quan sát được tất cả nhưng vẫn không có ý định tiến vào giúp đỡ.

Thế nhưng tiếng khóc đã khiến người quản lí nhà hàng chú ý và tiến đến gần cậu bé: "Bé con, chuyện gì đã xảy ra?". "Chú ơi, cháu đã cho tất cả giấy vệ sinh vào đây và mang đi", đứa bé vừa trả lời vừa mở chiếc túi nhỏ chứa đầy giấy vệ sinh. Người quản lí nhà hàng khá bất ngờ và chưa biết phải giải quyết thế nào.

Đứa bé tiếp tục: "Cháu đã biết mình sai, chú đừng trách cô lao công, mẹ cháu bảo rằng cô ấy sẽ rất uất ức. Cháu đã nhờ mẹ mua túi kẹo mút mình thích để đưa chú. Đây có thể xem như lời xin lỗi được không ạ? Mẹ cháu bảo nếu không được sẽ phải bồi thường tiền...". Nhìn ra ngoài nhà hàng, thấy bà mẹ đứng đó, người quản lí phần nào đã hiểu được câu chuyện.

Chẳng do dự, ông ngồi xuống và ôn tồn trả lời: "Được rồi, chú chấp nhận lời xin lỗi nhưng lần sau nhớ đừng tái phạm nữa nhé". Cậu bé thở phào nhẹ nhõm và không quên cảm ơn người quản lí. Bước ra khỏi nhà hàng với gương mặt rạng rỡ, nhìn thấy mẹ, cậu bé cười thật tươi và bảo: "Mẹ ơi, chú đã tha lỗi cho con rồi".

Câu chuyện trên phố về cách người mẹ dạy con tự chịu trách nhiệm cho lỗi lầm của mình
Cậu bé cười thật tươi và bảo: "Mẹ ơi, chú đã tha lỗi cho con rồi". (Ảnh minh họa)

Theo dõi câu chuyện của hai mẹ con, tôi chợt nhớ đến một câu nói rất đúng: "Tố chất của người mẹ là yếu tố quan trọng quyết định việc con cái có thành công hay không, tính cách của người mẹ quyết định con họ có xuất sắc hay không". Rõ ràng rằng, trong quá trình trưởng thành, trẻ con sẽ gặp rất nhiều vấn đề và đôi lúc chúng rất yếu đuối, hoang mang, rất cần sự chỉ dẫn, bảo ban của người mẹ - vị cố vấn cực kì quan trọng của trẻ.

Ngoài ra, trong xã hội ngày nay có thể thấy rằng, khi đứa trẻ phạm sai lầm, nhiều bậc cha mẹ chỉ biết trách mắng chúng, bắt con không được tái phạm mà không chịu chú ý đến việc nên để con cái gánh vác hậu quả từ sai phạm này. Hãy để con ý thức được lỗi lầm của mình, chính chúng sẽ quyết định cách để sửa sai và như vậy sẽ có trách nhiệm hơn với quyết định của mình. Bên cạnh đó, trẻ con trong giai đoạn phát triển, hình thành tính cách không chỉ học cách loại bỏ những thói quen xấu mà còn học cách chơi, cách tiếp cận với người lạ. Đây mới là yếu tố quan trọng để rèn luyện tính cách và nhân phẩm của con trong giai đoạn phát triển.
Chia sẻ