Cách dạy con của bố mẹ có thể khiến trẻ "đánh mất bản thân mình" như thế nào?
Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình trở thành "ai đó" khi chúng lớn lên, là bác sĩ, là doanh nhân, là người thành đạt, hay đơn giản là người hạnh phúc. Thế nhưng, trước khi trở thành "ai đó", hãy để con được là chính con cái đã!
Là mẹ của hai em bé 8 tuổi và 3 tuổi, tác giả sách thiếu nhi Phạm Thị Hoài Anh còn có nhiều bài viết chia sẻ về nuôi dạy con cái gần gũi và nhận được sự đồng cảm của nhiều cha mẹ. Mẹ&Bé xin chia sẻ một bài viết của chị về chủ đề lắng nghe và tôn trọng con như thế nào, để trong hành trình nuôi dạy con, bố mẹ có thể trở thành người đồng hành tin cậy, giúp con nuôi dưỡng những giá trị, niềm tin ở bản thân mình, để chúng được là "chính mình".
Buổi sáng, Nit thường chơi ở sân cát suốt mấy tiếng, thằng bé chuẩn bị rất kĩ "đồ nghề", cái xe máy xúc, xe bồn xịt nước, thìa xúc cát làm bánh, mấy cái nắp chai và vài hòn đá. Nó vui vẻ chơi tha thẩn như thế từ ngày này qua ngày khác, ngày nào cũng hào hứng như thể đó là ngày đầu tiên nó phát hiện ra cái sân chơi này.
Thi thoảng, sự thư giãn và cảm giác "ta là vua xứ này" của thằng bé bị phá vỡ. Đó là khi một số nhóm trẻ ở các trường trong khu hoặc nơi khác đến sân cát chơi. Nit không khó chịu vì có "kẻ lạ mặt", nó sẽ vẫn cứ thư giãn và hì hụi với cái khoanh đất nhỏ của nó, làm đường, đào hố hay làm bánh nếu như những đứa trẻ mới đến không bị thu hút bởi mấy thứ "đồ nghề" xịn sò của nó. Thằng bé rất cảnh giác khi có bạn nào đó đến gần, ngồi xuống gần, nhìn chằm chằm vào mấy món đồ chơi hay thậm chí là không "nhịn" được sờ vào một tí. Nó sẽ lừ mắt mà bảo: "Không được động vào, đây là đồ chơi của tớ!"
Thế giới riêng của mỗi em bé là một thế giới luôn cần được bảo vệ và tôn trọng bằng rất nhiều sự tỉnh thức, kiên nhẫn và bao dung của cha mẹ. (Ảnh: NVCC)
Hôm vừa rồi cũng là một ngày như thế. Mình để bọn trẻ con tự "xử lý" với nhau một hồi, nhưng tình hình có vẻ căng. Xong thấy Nit bắt đầu hét lên khi các bạn "lấn tới", mình bắt đầu thấy bực, thấy Nit "ki bo", thấy thằng bé thật là không biết chia sẻ, nó cũng chẳng thân thiện gì cả. Mình bực lắm, nhưng vẫn cố bình tĩnh, chậm rãi ngồi cạnh Nit và bắt đầu thuyết phục:
- Nit à, con có nhiều đồ chơi mà con chỉ đang chơi một thứ. Con có thể chia sẻ những món khác cho các bạn chơi cùng không?
- Đồ chơi của con mà. Con đang chơi. Con không muốn chia sẻ với bạn.
- Nếu con chia sẻ, con sẽ có bạn chơi cùng, chơi với bạn sẽ vui hơn chơi một mình đấy.
- Con không thích! Con chơi một mình con cũng vui!
- Nhưng đây là sân chơi chung. Con có thấy tất cả các bạn cùng chia sẻ sân chơi này với nhau không?
- Nhưng đây là ĐỒ CHƠI CỦA CON. Con không muốn chia sẻ với các bạn.
- Thôi được rồi (mình lúc này đã nóng gáy vô cùng, tông giọng đã tăng lên mấy bậc)! Vậy thì con có hai sự lựa chọn. Một là, nếu con chia sẻ đồ chơi với bạn, mình sẽ ở đây chơi tiếp. Hai là, nếu con không chia sẻ đồ chơi, mình sẽ đi về nhà. Con chọn đi!
- Con muốn đi về nhà!
Mình bực mình lắm, cố "thuyết giảng" đủ thứ mà nó thì vẫn một mực với quyết định của nó. Mình mới giận dỗi đứng lên bỏ đi trước, bảo "thôi mình về, mẹ rất buồn vì Nit không biết chia sẻ". Thằng bé chạy cuống cả lên theo mẹ, hai mẹ con vào khu vệ sinh rửa xe cộ, chân tay, mặt mình xị ra, còn giọng thì dằn dỗi nó.
Ảnh minh họa
Nit lặng thinh không nói gì cả. Mình cũng biết là mình đã sai rồi khi vô cớ ép uổng và giận dỗi nó như thế. Xong xuôi, hai mẹ con dắt nhau ra ghế, ngồi dưới tán cây mát lịm, mình ôm nó rồi bảo: "Dù mẹ rất buồn khi Nit không chia sẻ đồ chơi với bạn, nhưng mẹ vẫn rất yêu Nit, Nit ạ. Đồ chơi của con nên con tự quyết định là đúng rồi. Mẹ xin lỗi Nit nhé!". Thằng bé ôm chặt cổ mẹ, giọng lúc này mới rơm rớm bảo: "Nit xin lỗi vì mẹ buồn. Nhưng khi nào Nit SẴN SÀNG thì Nit sẽ chia sẻ với các bạn. Có hôm đi chơi với ông, Nit vẫn chia sẻ với bạn mà!"
Mình thấy ân hận quá. Mình nhớ đến những lúc thằng bé hào phóng với bạn bè, thân thiện mọi người, những lúc nó SẴN SÀNG, vui vẻ và hợp tác. Mình nhận ra rằng, cho dù có cố gắng thế nào, thì trong một vài khoảnh khắc nào đó, mình vẫn tự cho mình quyền "áp đặt" lên con, muốn con phải cư xử theo cái "chuẩn mực" mà mình cho là đúng, và nếu nó có "phản đối" thì mình sẽ khó chịu, ấm ức vô cùng.
Hôm nay mình đọc được một bài viết trên trang Unschool Vietnam về việc, chỉ khi lớn lên, nhiều người chúng ta mới giật mình với câu hỏi, thế cuối cùng mình là ai, mình muốn gì và mình tồn tại trong cuộc đời vì lý do gì? Đó có thể là vì, trong suốt những năm tháng tuổi thơ chúng ta đã "đánh mất bản thân trong lúc được giáo dục".
... "Nếu trong suốt 13 năm tuổi thơ, mỗi tuần 5 ngày, bạn phải làm những điều người khác bảo bạn làm, học những điều người khác bảo bạn học, nghĩ những điều người khác bảo bạn nghĩ, thì chuyện bạn không biết mình thực sự là ai cũng không phải là điều khó hiểu, phải không?
Nếu bạn luôn được người khác bảo phải chú tâm vào môn học này môn học kia, trong thời gian bao lâu, thì bạn còn thời gian đâu để khám phá niềm đam mê thực sự của bản thân nữa?
Cơ hội được dành tuổi thơ để khám phá ra mình là ai, để học các kĩ năng cần thiết cho cuộc sống của riêng mình, để lớn lên thành người mà mình sinh ra để trở thành, là một điều tôi ước mong cho tất cả mọi trẻ em. Chúng cũng có những quyền như người lớn trong việc tự kiểm soát tâm trí mình, tự kiểm soát điều gì chúng quan tâm, điều gì chúng muốn học, điều gì chúng muốn làm, phải không? Có lẽ nếu nhiều trẻ em có được cơ hội đó hơn thì số người trẻ cần phải đi "tìm chính mình" ở tuổi 17 sẽ ít hơn chăng?"...
Đó cũng là điều mà mình vẫn đang tiếp tục nhắc nhở bản thân và cố gắng mỗi ngày, chỉ để trở thành một người dẫn lối và đồng hành độc lập, bao dung và yêu thương của con.