Bố mẹ Việt thích nuôi con kiểu "gà gô"

Theo Vietnamnet,
Chia sẻ

Hoài nói như sắp khóc: “Thậm chí mình đi phỏng vấn xin việc parttime bố mình cũng đòi chở đi, mấy người tuyển dụng thấy bố chở mình đến còn tưởng bố mình là xe ôm”.

Con chưa bao giờ được thấy mặt trời

Sau hơn 8 năm kết hôn vợ chồng chị Hải, một nhân viên ngân hàng ở Hà Nội, mới có con đầu lòng. Bởi vậy, khi bé chào đời, nhà chị vui mừng không kể xiết, bù lại cho 8 năm chờ đợi, cả hai anh chị đã làm hết sức có thể để bao bọc lấy Tin, đứa con hiếm muộn này.

Khi con đã tròn 5 tháng tuổi chị vẫn không cho bất cứ vị khách nào đến nhà chơi có ý định ẵm bé vì sợ tay họ chưa sạch hay sợ người họ bám bụi từ ngoài đường vào.
 
Họ hàng ở quê lên chơi, hành lí của họ chị cũng phải đưa ra ngoài hành lang để vì sợ bụi bặm ngoài đường bám vào chỗ cháu ngủ. Phòng của Tin sạch từng li từng lau và chị đã thay không biết bao nhiêu người giúp việc vì chưa ưng ý.

Tám tháng đầu chưa một lần nào Tin được bố mẹ ẵm ra ngoài, thậm chí là ra ban công để hít khí trời. Khi con có biểu hiện hơi lười ăn, ho… chỉ một lát là có bác sĩ đến ngay tận nhà để khám.

Khi con đến tuổi đi chơi, chị cũng rất ít khi cho con tự đi một mình. Bốn tuổi đầu bé còn được mẹ ẵm suốt trên tay đơn giản chỉ vì chị sợ con trai cưng té ngã. Chị cũng hạn chế cho bé chơi với bọn trẻ con hàng xóm vì sợ con mình bị chúng bắt nạt.

Cứ như thế, đôi vợ chồng này đã làm một chiếc lồng kính vô hình bao bọc lấy con trai của mình. Chỉ đến khi đưa con đi khám, bác sỹ bảo là cháu bé bị thiếu canxi mà nguyên nhân là do thiếu ánh nắng, hai anh chị mới giật mình nhớ ra là hình như từ lúc sinh ra, con mình chẳng mấy khi được thấy ánh mặt trời.


Mẹ hay là ôsin của con?

Mô hình gia đình hiện đại ngày nay chỉ có từ một đến hai con nên bậc cha mẹ nào cũng hết lòng vì con, dành hết cho con để con cái được chăm sóc và có một cuộc sống tốt nhất. Tuy nhiên, vì có điều kiện chăm sóc con tốt, nhiều bậc cha mẹ lại bao bọc trẻ trong môi trường gia đình một cách thái quá.
Chị Thu Hòa (Hạ Long, Quảng Ninh) nói về con gái mình: "Con gái mình từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ động tay vào bất cứ việc gì. Đến lúc lên Hà Nội học đại học phải xa bố mẹ nó vẫn tỉnh bơ như không dù chẳng biết một chút gì về nữ công gia chánh hay ngay cả việc chăm sóc bản thân. Gần ngày nhập học, đích thân bố mẹ phải lên thuê nhà trước cho, rồi sắm sửa đủ thứ… thế mà cuối cùng nó vẫn điện thoại khóc lóc cầu cứu bố mẹ. Mình phải thuê thêm một người giúp việc để tiện chăm sóc cho con bé".

Vào đại học, Hoài (ở đường Bưởi, Hà Nội) vẫn không thuyết phục được bố mẹ cho tự đi đến trường. Vẫn theo thói quen từ những ngày đầu tiên đi học, Hoài vẫn phải có ai đó đưa đi đón về. Không chỉ có đi học, mỗi lần lớp tổ chức hội họp hay sinh nhật bạn bè Hoài cũng kè kè có phụ huynh đi kèm. Ba mẹ Hoài sợ cô yếu đi xe một mình, họ không yên tâm.

Hoài nói như sắp khóc: “Thậm chí mình đi phỏng vấn xin việc parttime bố mình cũng đòi chở đi, mấy người tuyển dụng thấy bố chở mình đến còn tưởng bố mình là xe ôm”.

Hoài rất ái ngại khi nào cũng có "giám sát viên" đi kè kè bên cô, đến giờ học cô bắt người thân phải đứng chờ ở cách xa cổng trường để bạn bè khỏi trông thấy. Vì có “giám sát viên” đặc biệt nên suốt những năm đại học Hoài chưa từng có một chàng trai nào dám dũng cảm mời cô đi uống nước riêng.

Chuyên gia nói gì?

Bạn đọc có nickname bongmun_stg trên một diễn đàn dành cho các bà mẹ chia sẻ: “Mình nghĩ đừng nên bao bọc con quá vì như thế con sẽ trở nên thụ động, khó có thể hoà nhập được với môi trường xung quanh. Nếu con ngã thì hãy động viên con tự đứng dậy bằng chính đôi chân của mình ”.

Ông Nguyễn Ngọc Oanh, Giảng viên Học viện báo chí chia sẻ: Sát sao nhưng cần có "mức độ". Ông cho biết: “Nhiều bậc cha mẹ quá quan tâm, quá nuông chiều con. Cứ sểnh con ra một chút là sợ. Họ không dám cho con ra ngoài chơi với bạn bè, lúc nào cũng theo dõi sát sao. Tôi nghĩ như thế cũng là cần thiết nhưng cần có mức độ, để có thể khuyến khích động viên con tự tin trong giao tiếp cũng như rèn được cho con tính tự lập".

Các nhà tâm lý và bác sỹ đã chỉ ra rằng, những bé được chăm sóc thái quá thường sống khép kín, đời sống tinh thần nghèo nàn, phát triển kĩ năng chậm chạp và sức khoẻ thường không được tốt do có sức đề kháng yếu.

Trên An ninh thủ đô, PGS.TS Võ Thị Minh Chí, Trung tâm nghiên cứu tâm lý học, sinh lý lứa tuổi, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: Việc nuông chiều con cái một cách thái quá dù là trai hay gái cũng đều dẫn đến làm hỏng con.
Chia sẻ