Bí ẩn các cặp song sinh cùng trứng

,
Chia sẻ

Họ có bề ngoài giống nhau, suy nghĩ giống nhau, ăn mặc giống nhau và chỉ chiếm 0,5% dân số thế giới nhưng những bí ẩn xung quanh họ luôn khiến nhiều nhà khoa học "đau đầu".

Các nhà khoa học tin rằng việc nghiên cứu về các cặp song sinh là chìa khoá để chữa trị các căn bệnh giết người như đau tim, ung thư và tiểu đường.

“Trong vòng một thập kỷ tới, tôi hy vọng là nhờ cộng đồng sinh đôi của thế giới, chúng tôi sẽ bào chế ra được những loại thuốc hữu hiệu hơn, thậm chí là có thể chữa khỏi hoàn toàn các căn bệnh thường gặp”, giáo sư Tim Spector, giám đốc Phòng nghiên cứu về sinh đôi và di truyền học tại Bệnh viện St Thomas', London, cho biết.

Các cặp sinh đôi giống nhau như đúc được hình thành khi một tế bào trứng tách ra làm đôi sau vài ngày thụ thai. Các chuyên gia y tế vẫn chưa biết được nguyên nhân gây hiện tượng này nhưng các phôi mới được tạo ra có 100% ADN giống nhau. Với cách sắp xếp gene giống nhau  y hệt, các cặp song sinh cũng sở hữu các tính cách giống nhau do gene quy định.

Mặc dù về lý thuyết các cặp sinh đôi được coi là nhân bản vô tính tự nhiên nhưng trên thực tế, sự khác nhau giữa họ lại giúp các nhà khoa học phân biệt được giữa tự nhiên và quá trình nuôi dưỡng, ví dụ như có người kháng được bệnh trong khi người khác thì không. Các kết quả nghiên cứu này được công bố trong chương trình tài liệu Bí mật của các cặp song sinh trên BBC.

Gene của anh em sinh đôi Chris và Xand van Tulleken biến đổi do môi trường sống.

Chris và Xand van Tulleken, 31 tuổi, đều là bác sĩ, đều đạt kết quả A và thậm chí mái tóc dần chuyển thành muối tiêu cùng một thời điểm nhưng họ cũng có sự khác biệt. Các nhà khoa học thử nghiệm ngâm tay họ vào băng và kết quả đã mở ra một vấn đề nghiên cứu mới cho thấy, môi trường có thể làm biến đổi phần gene bẩm sinh của mỗi người. Quá trình này được gọi là “biểu sinh”.

“Khi tôi đặt tay mình vào nước lạnh, tôi cảm thấy nó cứng lại ngay lập tức, tôi thấy khó chịu và gần như ngất, trong khi Chris chẳng hề hấn gì. Chúng tôi biết mình có cùng bộ gene nhưng do Chris đã dành nhiều thời gian làm việc ở Bắc Cực nên anh ấy có thể tiếp xúc với băng giá một cách dễ dàng. Môi trường đã làm thay đổi cách gene biểu hiện và cách cơ thể chúng tôi phản ứng”, Xand cho biết.

Khi hai chị em sinh đôi Sue và Sheila Wright còn trẻ, họ không thể tách rời và giống nhau đến từng cử chỉ. Nhưng sau khi Sue, bác sĩ trị liệu về ngôn ngữ, lấy chồng và chồng của cô bị Huntington, một loại bệnh bại não, dẫn đến chứng mất trí và qua đời, những căng thẳng trong cuộc sống không chỉ hiện rõ trên vẻ mặt cô mà còn làm thay đổi cấu trúc gene của cô.

“Do bị bệnh, chồng tôi trở nên bạo lực. Thật khó khăn để giải quyết mọi chuyện. Tôi thường xuyên phải nói chuyện với mọi người bị bệnh Huntington và gia đình họ. Kết quả là tôi bắt đầu hút thuốc, ăn uống không điều độ và tăng cân”, Sue tâm sự.

Ngược lại, Sheila cho biết cô có một cuộc sống khá dễ dàng và thừa nhận: “Chỉ một lần duy nhất tôi thử hút thuốc và tôi không thích. Tôi vẫn còn làm việc trong khi Sue phải nghỉ để chăm sóc gia đình. Tôi có một cuộc sống khá năng động”.

Cặp sinh đôi này được tiến hành thử máu và đo quá trình lão hoá. Các nhà khoa học cho biết quá trình này được kiểm soát bởi telomeres, những cấu trúc nhỏ bé ở phía cuối các nhiễm sắc thể. Khi một tế bào chia tách, telemeres trở nên ngắn hơn, cho đến khi không thể chia tách được nữa. Đến lúc này các mô không được tái tiếp thêm năng lượng, do đó, dẫn đến lão hoá. Kết quả thử nghiệm cho thấy, các telomeres của Sue ngắn hơn của Sheila, chứng tỏ cô lão hoá nhanh hơn em song sinh của mình tới 10  năm, do phản ứng của cô trước hoàn cảnh cá nhân.

Nhiều bí ẩn xung quanh các cặp sinh đôi vẫn chưa được lý giải.

Bé gái Olivia Murphy, 6 tuổi, bị bệnh bạch cầu khi mới hai tuổi. Sau khi phải trải qua các vòng điều trị hoá liệu nghiêm ngặt tại bệnh viện Great Ormond Street, Olivia bắt đầu rụng tóc và giảm cân. Tuy nhiên, chị gái sinh đôi Isabella của cô bé lại không có một biểu hiện nào của căn bệnh này, dù chúng có ADN giống hệt nhau. Các bác sĩ thử máu và phát hiện ra rằng cả hai bé gái đều mang gene bạch cầu. Tuy nhiên, Olivia bị mắc chứng sưng amidan, và đây chính là nguyên nhân khiến gene của cô bé bị biến đổi. Isabella không mắc bệnh tương tự nên gene bạch cầu của cô bé không bị “đánh thức”.

Giờ đây, các nhà nghiên cứu tin rằng từ trường hợp của Olivia cũng như các trường hợp khác, họ có thể theo dấu sự phát triển của các căn bệnh. Giáo sư Spector cho biết: “Bằng cách nghiên cứu các cặp song sinh, sự giống nhau và khác nhau giữa họ, chúng tôi có thể tìm ra các gene cá biệt khiến họ dễ bị tổn thương bởi bệnh tật. Từ đó, chúng tôi có thể nghiên cứu ra các loại thuốc chữa trị tận gốc các căn bệnh dựa trên đường đi của chúng trong cơ thể”.

Ông cho biết thêm: “Là nhà khoa học, chúng tôi đang nghĩ đến liệu pháp điều trị gene, đó là đưa gene vào các tế bào và mô của một cá nhân để chữa bệnh. Trong vòng 10 năm tới chúng tôi hy vọng có thể bào chế được các loại thuốc giúp cơ thể chống chọi lại các căn bệnh thường gặp như bệnh tim, viêm khớp, ung thư và tiểu đường”.

Nghiên cứu trên 5.500 cặp sinh đôi cùng trứng và khác chứng độ tuổi từ 16 đến 100, công trình của giáo sư Spector được coi là lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ông vẫn cần khảo sát thêm nhiều cặp sinh đôi để đạt được kết quả tốt nhất.

Các điều thú vị về sinh đôi

Thuật ngữ chính xác chỉ các cặp song sinh cùng trứng là monozygotic, đề cập đến cách chúng được hình thành từ một (mono) trứng được thụ tinh (zygote).

Các cặp sinh đôi cùng trứng không có dấu vân tay giống hệt nhau.

Tỷ lệ các cặp sinh đôi vẫn giữ mức ổn định là 32/1000 dù ngày nay các ca sinh nhiều hơn hai đang gia tăng. Tỷ lệ sinh đôi chia đều trên dân số toàn thế giới, không phân biệt chủng tộc, địa lý và tuổi đời của người mẹ.

 
Theo Phan Anh 
Đất Việt/Mail Online
Chia sẻ