Bác sĩ giải đáp đưa 2 phôi thai vào cơ thể khi làm IVF như Minh Hằng sẽ phải chấp nhận những rủi ro gì?
Nữ ca sĩ chấp nhận đưa hai phôi vào trong cơ thể của mình dù bác sĩ cảnh báo rất nhiều rủi ro và không tốt cho người mẹ ở độ tuổi hiện tại.
Mới đây, nữ ca sĩ - diễn viên Minh Hằng chia sẻ ban đầu cô mong muốn sinh cùng lúc hai con nên đã đưa 2 phôi thai vào trong cơ thể. Tuy nhiên, cô cho biết cô chỉ giữ được 1 phôi thai do phôi còn lại có chất lượng kém. Ban đầu, Minh Hằng đã có 26 trứng khi tiến hành chọc hút trứng. "Sau 3 ngày chỉ còn 10 phôi chất lượng. Sau 5 ngày chỉ còn 3 phôi. Thực sự là chỉ còn 1 phôi chất lượng cao nhất thôi", Minh Hằng cho hay.
Do tuổi Minh Hằng đã cao và quyết định kết hôn muộn, điều này đã ảnh hưởng tới chất lượng trứng của cô rất nhiều. Nữ diễn viên còn chia sẻ sau 30 tuổi, sức khoẻ của cô đã khác đi, dễ stress và thậm chí không đến kỳ "rụng dâu". Ngoài ra, Minh Hằng lựa chọn thụ tinh ống nghiệm để sàng lọc phôi là do cô mang gen thiếu máu di truyền Thalassemia. Sau đó, nữ diễn viên phải đặc biệt chú ý sức khoẻ, không được phép lơ là, chủ động tìm hiểu kiến thức để biết rõ được những chất nào là tốt nhất cho cơ thể và không gây hại tới thai nhi.
"Bản thân tôi là người xuất phát điểm khá muộn, hiện tại tôi đã 35 tuổi. Nếu để thụ thai tự nhiên thì không biết đến bao giờ mới có thể thụ thai được. Nếu tôi may mắn có được con một cách tự nhiên trong năm 2023 thì ít nhất cũng phải 1,5 năm sau mới có đứa con thứ hai, còn nếu sinh mổ thì ít nhất phải 3 năm sau mới sinh con thứ hai.
Đó chính là một trong những lý do khiến tôi đưa hai phôi vào trong cơ thể của mình dù bác sĩ cảnh báo rất nhiều rủi ro và không tốt cho người mẹ ở độ tuổi của tôi. Nhưng mong ước có con của tôi quá lớn, có như thế nào thì tôi cũng phải thử, cũng phải ráng. Tôi đã rất hy vọng mình sẽ có cùng lúc 2 thiên thần nhưng đúng là ông trời cho bao nhiêu thì mình phải lấy bấy nhiêu, mọi thứ không như mình mong muốn", nữ diễn viên chia sẻ thêm.
Vậy tại sao đặt nhiều phôi mà tỷ lệ đậu thai thấp, sức khoẻ của người mẹ thế nào mới làm được IVF, dưới đây là câu trả lời từ Ths.BS. Tạ Việt Cường - Phó giám đốc Trung tâm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, hy vọng sẽ giúp ích cho các mẹ.
Vì sao cần đặt nhiều phôi khi làm IVF?
Trong thụ tinh ống nghiệm thì mong muốn của bệnh nhân cũng như bác sỹ thực hiện là làm thế nào đạt được mục tiêu thụ thai, để đạt được mục tiêu này thì ngoài việc phải có sự chuẩn bị cơ thể người phụ nữ đến tình trạng dễ thụ thai nhất, chuẩn bị phôi ở mức tốt nhất còn có một cách nữa là đặt nhiều phôi hơn để giúp tăng tỉ lệ thụ thai.
Thông thường, IVF giúp đưa được tối đa mấy phôi vào cơ thể? Có ảnh hưởng đến sức khoẻ người mẹ không?
Thường có thể đặt 2 phôi hoặc 3 phôi, tùy từng trường hợp cụ thể: phụ thuộc vào số phôi sản phụ đã có, tình trạng phôi của sản phụ, phôi loại 1 hay loại 2, cân nhắc tiền sử sản khoa, mong muốn của gia đình mà các bác sỹ sẽ chuyển số phôi phù hợp.
Thường chuyển 2-3 phôi là do nếu chửa đa thai thì nguy cơ đẻ non cũng tăng lên, chửa song thai thì tử cung sẽ bị giãn căng gần gấp đôi nên nguy cơ đẻ non, chảy máu sau sinh tăng lên nhiều lần, mà mục đích cuối cùng của việc làm thụ tinh ống nghiệm là phải đưa đến đích là em bé và cũng phải cân nhắc đến sức khỏe của người mẹ.
Với những người phụ nữ sinh đôi sinh ba thì quá trình mang thai sẽ có nhiều nguy cơ hơn so với phụ nữ bình thường, và việc mang thai đôi, thai ba thì khi em bé ra đời việc chăm sóc cũng vất vả hơn nhiều.
Với phụ nữ sau tuổi 35 thì khả năng thụ thai giảm đi, khả năng giữ thai giảm đi, khả năng thai có những bất thường tăng lên, vì vậy nên mốc này là một cảnh báo với người phụ nữ về thời gian.
Phụ nữ bao nhiêu tuổi thì IVF dễ thành công?
Khi bạn không còn nhiều thời gian thì việc áp dụng các phương pháp tích cực để dễ mang thai cũng là cần thiết. Nếu một phụ nữ tuổi 25 mà mong con thì bác sĩ sẽ có lời khuyên là hai vợ chồng về thả, sau 1 năm không có em bé, với tần suất quan hệ 2-3 lần/ tuần thì cần đi khám, và nếu có khó khăn thì mình có thể áp dụng các biện pháp đơn giản trước như canh trứng, hay IUI, nhưng với một cặp vợ chồng lớn tuổi hơn, thì giải pháp sẽ phải khác do thời gian không còn thoải mái như cặp tuổi 25 và vì vậy IVF sẽ là một lựa chọn tích cực và dễ thành công hơn.
Làm IVF tỷ lệ thành công thế nào?
Chúng ta sẽ đi vào tìm hiểu rõ ràng, kỹ càng hơn về các phương pháp hỗ trợ sinh sản. IVF hay còn được gọi là thụ tinh ống nghiệm, nghĩa là sẽ dùng thuốc kích thích cho buồng trứng tạo ra nhiều noãn hơn ở một chu kỳ, sau đó sẽ để noãn và tinh trùng kết hợp với nhau trong môi trường ống nghiệm, hoặc đưa trực tiếp tinh trùng xuyên qua màng noãn để tạo thành phôi (quá trình này thường được thực hiện trong phòng thí nghiệm).
Phôi sau khi được tạo thành sẽ được nuôi phát triển đến ngày 3 hay ngày 5 rồi chuyển vào buồng tử cung của người phụ nữ. Đây là một quy trình được thực hiện rất nghiêm ngặt về thủ tục pháp lý, kỹ thuật chuyên môn.
Phương pháp này cũng có những bước liên quan đến chọn lọc tự nhiên ví dụ như có thể dùng thuốc kích trứng được 15 trứng trên siêu âm nhưng khi chọc trứng thì số noãn thu được sẽ giảm đi một phần, số noãn đem thụ tinh thì sau ngày 1 có thể số hợp tử cũng giảm số lượng đi, rồi nuôi phôi đến ngày 3 ngày 5 thì số phôi cũng giảm tiếp, và không phải cứ nuôi phôi đến ngày 5 đem chuyển vào buồng tử cung là chắc chắn thành công. Mỗi trung tâm IVF thường sẽ có một tỉ lệ thành công nhất định.