Bác sĩ BV Hồng Ngọc hướng dẫn mẹ bầu nhận biết và kiểm soát 6 biến chứng thai kỳ thường gặp nhất

Quang Vũ,
Chia sẻ

Biến chứng thai kỳ là các vấn đề sức khỏe xảy ra trong thai kỳ, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ, thai nhi hoặc cả hai. Những hướng dẫn của bác sĩ BV Hồng Ngọc dưới đây sẽ giúp mẹ bầu nhận biết các dấu hiệu, cách chăm sóc sức khỏe trước và trong khi mang thai để giảm nguy cơ biến chứng thai kỳ.

Theo BSCKII Đỗ Văn Tú - Trưởng khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, bất kỳ thai phụ nào cũng có nguy cơ gặp biến chứng thai kỳ và nó có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong quá trình mang thai. Thậm chí, những phụ nữ khỏe mạnh trước khi mang thai cũng có nguy cơ gặp những biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, phụ nữ mang thai cần hết sức lưu ý các dấu hiệu bất thường để có xử trí kịp thời.

Dưới đây là 6 biến chứng thai kỳ thường gặp nhất khi mang thai mà mẹ bầu cần lưu ý:

Sảy thai, thai chết lưu

Trước 20 tuần, thai phụ cần phải chú ý tới các biểu hiện như: đau bụng, ra máu, tiết dịch âm đạo nhiều hơn bình thường bởi rất có thể đó là dấu hiệu sảy thai. Tuy nhiên, tình trạng thai chết lưu trước 20 tuần thì hầu như không có dấu hiệu nhận biết cũng như không xác định được nguyên nhân. Nó có thể do bất thường nhiễm sắc thể, vấn đề về nhau thai, thai nhi phát triển kém, người mẹ mắc bệnh mãn tính…

Bác sĩ BV Hồng Ngọc hướng dẫn mẹ bầu nhận biết và kiểm soát 6 biến chứng thai kỳ thường gặp nhất - Ảnh 1.

Phụ nữ mang thai cần thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ sản khoa uy tín

Cách tốt nhất để phòng ngừa biến chứng sảy thai, thai chết lưu là thai phụ cần khám thai định kỳ, tuân thủ chỉ định của bác sĩ sản khoa, thực hiện các sàng lọc cần thiết đặc biệt là những bà mẹ đã từng có tiền sử sảy thai, sinh non.

Tiền sản giật

Tiền sản giật là bệnh lý nghiêm trọng có thể gây sinh non hoặc tử vong. Nhóm phụ nữ có nguy cơ cao mắc tiền sản giật bao gồm: tuổi trên 35, huyết áp cao, tiểu đường, bệnh thận, lupus ban đỏ, đa thai, béo phì hoặc bị tiền sản giật trong lần mang thai trước đó. Những phụ nữ này cần phải theo dõi sát sao sức khỏe để đảm bảo thai kỳ an toàn, tránh biến chứng nguy hiểm này.

Một số dấu hiệu tiền sản giật có thể kể đến như: Phù, tăng huyết áp, protein trong nước tiểu. Một số trường hợp nặng có biểu hiện như đau đầu dữ dội, nhìn mờ, đau thượng vị…

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu thường là viêm bàng quang có thể nhận biết qua các dấu hiệu: mệt mỏi, đau tức bụng dưới, đau buốt khi đi tiểu, nước tiểu có mùi hôi hoặc màu đục, nước tiểu cuối chuyển sang màu hồng hoặc đỏ. Nghiêm trọng hơn, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây viêm bể thận.

Bác sĩ BV Hồng Ngọc hướng dẫn mẹ bầu nhận biết và kiểm soát 6 biến chứng thai kỳ thường gặp nhất - Ảnh 2.

Phụ nữ mang thai không nên nhịn tiểu bởi sẽ gây hại cho hệ tiết niệu

Xét nghiệm nước tiểu là phương pháp chẩn đoán nhanh và chính xác tình trạng nhiễm trùng đường tiểu. Để phòng tránh nhiễm khuẩn niệu, phụ nữ mang thai cần uống nhiều nước, đi vệ sinh theo nhu cầu thường xuyên, không nhịn tiểu bởi có thể gây hại cho hệ tiết niệu.

Bệnh tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ là bệnh tương đối phổ biến ở phụ nữ mang thai. Nếu không được kiểm soát, nó có thể dẫn đến huyết áp cao do tiền sản giật và sinh con lớn, làm tăng nguy cơ sinh mổ, nguy cơ hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh, thai chết lưu.

Phụ nữ mang thai cần khám thai định kỳ theo lịch và nếu là người trong nhóm nguy cơ thì cần được theo dõi sát sao bởi bác sĩ sản khoa và bác sĩ nội tiết để giảm hoặc ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến lượng đường máu cao trong thai kỳ.

Bác sĩ BV Hồng Ngọc hướng dẫn mẹ bầu nhận biết và kiểm soát 6 biến chứng thai kỳ thường gặp nhất - Ảnh 3.

Tiểu đường thai kỳ là bệnh tương đối phổ biến ở phụ nữ mang thai

Tăng cân quá mức

Phụ nữ càng tăng nhiều cân trong thai kỳ thì càng có nhiều nguy cơ bị các biến chứng thai kỳ như tiền sản giật, GDM, thai chết lưu, phải sinh mổ và tăng thời gian nằm viện khi sinh nở.

Kiểm soát cân nặng khi mang thai bằng cách điều chỉnh lượng thức ăn, loại thức ăn mà phụ nữ mang thai nạp vào là cách phòng ngừa béo phì khi mang thai tốt nhất.

Nhiễm trùng do vi-rút

Trong thời kỳ mang thai, nếu nhiễm một số bệnh nhiễm trùng có thể có hại cho người mẹ và con hoặc cả hai. Nhiễm HIV, viêm gan siêu vi, STDs và nhiều bệnh lây nhiễm khác có thể làm thai kỳ trở nên khó khăn và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Để phòng tránh các bệnh nhiễm trùng do vi-rút này, trước tiên, cần khám sàng lọc và chủng ngừa trước khi mang thai. Trong khi mang thai, mẹ cần giữ gìn vệ sinh, tự bảo vệ mình khỏi các bệnh nhiễm trùng.

Trong trường hợp bị người mẹ bị nhiễm virus, cần được phát hiện và điều trị sớm để ngăn ngừa lây nhiễm từ mẹ sang con.

Để phòng ngừa biến chứng thai kỳ triệt để, bác sĩ Đỗ Văn Tú đưa ra khuyến cáo dành cho thai phụ:"Trong quá trình mang thai, chị em nên tuân thủ lịch khám thai định kỳ, chọn nơi sinh uy tín, có bác sĩ sản khoa giàu kinh nghiệm và máy móc thiết bị hiện đại. Những yếu tố này sẽ giúp mẹ phát hiện các thai kỳ nguy cơ, từ đó bác sĩ sẽ tư vấn biện pháp can thiệp kịp thời, hạn chế tối đa rủi ro đối với mẹ và bé".

Bác sĩ BV Hồng Ngọc hướng dẫn mẹ bầu nhận biết và kiểm soát 6 biến chứng thai kỳ thường gặp nhất - Ảnh 4.

 

Chia sẻ