7 chiêu luyện con ham đọc sách được các bố mẹ thông minh chia sẻ

Nguyễn Bích Trâm,
Chia sẻ

Bạn có từng quan ngại và cảm thấy bất lực khi con mình không thích đụng đến quyển sách mà thay vào đó chúng chỉ thích ”ôm” Ipad, điện thoại, tivi? 7 cách sau đây sẽ giúp con bạn trở nên hứng thú hơn với việc đọc sách hơn đấy.

1. Cho con làm quen với sách ngay từ nhỏ

Ngay từ lúc trẻ bắt đầu biết hứng thú với đồ chơi, bạn nên mua cho trẻ những quyển sách mô phỏng bằng vải, giấy cứng, gỗ, nhựa… Những món đồ chơi này sẽ giúp trẻ làm quen với sách, hình ảnh, các câu chuyện, đồng thời cũng tập thói quen lật giở sách, giúp trẻ học cách khám phá và tìm tòi. Không bao giờ là quá sớm để con làm quen với sách đâu nhé.
 
2. Thường xuyên đọc sách trước khi ngủ cho con nghe

Khi trẻ từ hai tuổi trở lên, trẻ đã có thể hiểu được có một sự liên quan giữa quyển sách mà ba mẹ hay cầm đọc buổi tối với những câu chuyện hấp dẫn qua giọng kể sinh động của ba mẹ. Đọc sách cho con trước khi ngủ giúp con phát huy trí tưởng tượng và hiếu kỳ, nuôi dưỡng tuổi thơ cho con, về sau nếu bạn không đọc nữa, trẻ sẽ tự tìm cách đọc chúng để được tiếp tục phiêu lưu trong thế giới thần tiên tí hon của mình. 

Thói quen đọc sách

3. Để con tự lựa chọn những quyển sách phù hợp độ tuổi 

Dĩ nhiên bạn không thể đưa cuốn “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cho đứa trẻ học lớp 2 và bắt chúng đọc, mặc dù rằng tác phẩm của tác giả Nguyễn Nhật Ánh là một quyển sách tuyệt vời. Nó phù hợp với độ tuổi mới lớn, trong khi đó đứa trẻ của bạn cần những quyển sách đơn giản dễ hiểu hơn, ví dụ như truyện tranh. Truyện tranh không phải là thứ vô bổ đâu nhé. Bao nhiêu người Việt và cả chính bạn nữa, cũng từng lớn lên với những quyển truyện tranh gối đầu nằm đúng không nào? 

Hãy để con bạn lựa chọn những quyển sách mà nó muốn đọc, trừ những quyển sách có nội dung không lành mạnh, bạn cũng có thể can thiệp và định hướng con chọn những quyển sách hay một cách khéo léo như gói quyển sách thật đẹp và tặng con nhân một dịp ý nghĩa, hoặc bạn nháy mắt tiết lộ rằng đây là quyển sách ngày nhỏ ba/mẹ thích đọc nhất đấy. Con sẽ cảm thấy trân trọng, tò mò, và nhận ra đọc sách thật sự là một thú vui, một trò thư giãn tuyệt vời mà con được toàn quyền làm chủ.  

4. Cứ để sách vương vãi khắp nhà đi, không sao đâu

Có lần một đạo diễn nổi tiếng của Việt Nam chia sẻ, tuy cha anh là một nhà văn có tiếng nhưng từ nhỏ đến lớn anh lại không có hứng thú với việc đọc sách. Nhưng một ngày kia khi anh đang buồn chán, nhìn thấy khắp sàn nhà toàn sách, anh tò mò cầm một quyển lên đọc thử, và cuối cùng anh bị quyển sách chinh phục, từ đó trở nên ham thích đọc sách. Đôi khi bề bộn một chút cũng không quá tệ đúng không nào, nếu không muốn nói trong trường hợp này là khá có ích đấy.

Thói quen đọc sách

5. Thường xuyên dẫn con đi nhà sách

Thường xuyên dẫn con đi mua sách sẽ tạo thành một thói quen tốt cho trẻ, đặc biệt nếu bạn chọn nó vào một dịp cả gia đình đang vui vẻ, vì như thế mỗi khi nghĩ đến nhà sách, trí nhớ của con sẽ gắn liền với những niềm vui và hứng thú, tạo thành một thói quen tốt. Ngoài ra đi nhà sách cũng là cách giúp trẻ tiếp cận được rất nhiều loại sách truyện khác nhau, trẻ sẽ dễ dàng chọn được cho mình một quyển phù hợp với sở thích. 
 
6. Dành thời gian thảo luận với con về nội dung những quyển sách

“Con này, con có thích được học ở trường giống trường Tomoe của Tốt-tô-chan không?”. Và thế là bạn sẽ được một phen ngạc nhiên khi nghe con chia sẻ những suy nghĩ rất riêng và cá tính của mình về quyển sách con vừa đọc xong nhé. Đây cũng là cách bạn cho con thấy rằng những quyển sách rất hữu ích cho các cuộc trò chuyện, và mỗi khi con đọc được gì hay 
trong sách cũng sẽ ghi nhớ để “thảo luận” cùng bạn đấy. 

Thói quen đọc sách

7. Cuối cùng, cha mẹ chính là tấm gương tốt nhất

Đứa trẻ thường vô thức bắt chước hành vi của người khác, nhất là những người bên cạnh mình, nên mỗi tối thay vì cầm điện thoại hoặc ipad để chơi game và làm việc, cha mẹ nên cất ngay những món đồ công nghệ kia và cầm lấy quyển sách. Hãy dành thật nhiều thời gian để đọc. Con cũng sẽ bắt chước bạn cầm lấy quyển sách, ban đầu nó sẽ thích thú vì thấy mình thật “oách” giống ba mẹ, sau đó nó sẽ tò mò vì sao ba mẹ lại chăm chú vào những thứ này, và chúng cũng sẽ bị lôi cuốn vào những quyền sách hay từ lúc nào không hay đấy.

Có thể kết hợp tất cả những cách trên hoặc lựa chọn những cách bạn thấy phù hợp nhất với mình và con. Chúc bạn cải thiện được vấn đề đọc sách của con và giúp con có được một thói quen lành mạnh, hữu ích nhé.
Chia sẻ