5 điều bố mẹ cần đặc biệt lưu ý để phòng tránh tai nạn dưới nước cho trẻ khi mùa hè đến
Mùa hè là mùa của bơi lội. Hãy chú ý những điều sau đây để tránh cho trẻ nhà bạn khỏi các tai nạn dưới nước.
Bơi lội là một trong những hoạt động được yêu thích nhất vào những ngày hè nóng bức. Tuy nhiên một đứa trẻ có thể dễ dàng bị đuối nước kể cả chỉ với một chậu nước, với bồn tắm hay hồ bơi trẻ em. Một trong những cách tốt nhất là nên dạy bơi cho trẻ. Tuy nhiên theo nghiên cứu của các chuyên gia thì 5 lưu ý dưới đây có thể giúp cho trẻ nhà bạn tránh những nguy hiểm và tai nạn dưới nước khi chưa biết bơi và bắt đầu tập bơi.
1. Không được sơ suất khi bắt đầu xuống nước
Dạy cho con bạn rằng hồ bơi không phải đơn giản là nơi có thể nhảy xuống bất cứ lúc nào (Ảnh minh họa).
Các bậc cha mẹ cần dạy cho con mình một quy trình mà bắt buộc trẻ phải thực hiện khi bước xuống hồ bơi chẳng hạn như mặc đồ bơi hay bôi kem chống nắng. Việc đó sẽ dạy cho con bạn rằng hồ bơi không phải đơn giản là nơi có thể nhảy xuống bất cứ lúc nào. Trong thực tế, đã ghi nhận rất nhiều trường hợp trẻ gặp tai nạn khi không tuân thủ những quy định tối thiểu khi xuống hồ bơi. Việc mặc những quần áo bơi không phù hợp hoặc đồ bơi có nhiều phụ kiện như nút có thể khiến bé bị vướng vào nắp cống thoát nước trong hồ bơi gây thương tích hoặc đuối nước.
2. Không cho phép trẻ là người được quyết định khi xuống hồ bơi
Hãy nhắc nhở con của bạn rằng, trẻ phải được bạn đồng ý trước khi bước xuống hồ bơi. Việc này sẽ tạo ra một rào cản bổ sung cho trẻ khi muốn xuống hồ bơi và trẻ sẽ hiểu rằng, muốn xuống hồ bơi thì cần phải được sự cho phép của người lớn và không bao giờ được chơi đùa dưới nước một mình khi không có sự giám sát của người lớn bên cạnh.
3. Không bao giờ sử dụng các thiết bị nổi như phao tay
Thay vì sử dụng phao tay, hãy trang bị cho trẻ một áo phao đảm bảo tiêu chuẩn để giữ an toàn cho trẻ (Ảnh minh họa).
Trong khi áo phao được thiết kế để cứu một đứa trẻ khỏi bị đuối nước và luôn được ưu tiên mặc xuống nước thì các dụng cụ như phao tay có thể trượt ra khỏi tay của trẻ. Việc sử dụng phao tay có thể tạo ra một cảm giác an toàn sai lầm khi cho trẻ xuống nước. Loại áo phao được chấp nhận khi bơi phải đủ chặt để nó không trượt qua đầu, và dây đai và khóa phải được gắn chặt. Bên cạnh cho trẻ mặc áo phao, hãy dạy trẻ cách định vị, bơi đến bờ hồ và trèo lên tường hồ bơi từ các bậc thang hay lối thoát.
4. Không nên đeo kính trong suốt thời gian dưới hồ bơi
Dạy cho trẻ mở mắt dưới nước mà không cần kinh bơi có thể giúp trẻ phản xạ tốt hơn trong các tình huống nguy hiểm (Ảnh minh họa).
Việc đeo kính khi bơi có thể giúp trẻ thoải mái hơn khi nước không thể vào mắt. Tuy nhiên, hãy dạy cho trẻ cách mở mắt dưới nước phòng khi rơi vào tình huống nguy hiểm thì trẻ có thể mở mắt ra nhìn thấy lối ra và ra khỏi hồ bơi một cách an toàn.
5. Đừng để nỗi sợ hãi của bạn ngăn cản bé học bơi
Đừng hoảng hốt khi thấy con của bạn ngụp xuống nước ở hồ bơi và gây cho trẻ cảm giác sợ hãi. Đối với trẻ em, việc trẻ ngụp xuống nước để tắm và chơi đùa là một điều thú vị giúp kích thích sự thoải mái và gần gũi của trẻ với nước.
Kỹ thuật hồi sức tim phổi CPR có thể giúp cấp cứu nạn nhân đuối nước một cách kịp thời (Ảnh minh họa).
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho trẻ, các bậc phụ huynh có thể đăng ký cho trẻ tham gia các lớp học bơi chuyên nghiệp có chuyên gia hướng dẫn. Đề phòng trường hợp khẩn cấp, các bậc phụ huynh cũng nên tham gia các khóa học về sự an toàn khi bơi cũng như các kỹ thuật hồi sức tim phổi như CPR. CPR là một trong những kỹ thuật phổ biến để sơ cứu cho các trường hợp tai nạn dưới nước hay ngạt thở. Khi việc chờ đợi các nhân viên y tế quá lâu, kỹ huật CPR của bản thân bạn có thể cứu sống trẻ hoặc giảm nguy cơ chấn thương.
Sau cùng, việc quan trọng nhất là đừng rời tầm mắt khỏi trẻ khi cho trẻ đi bơi. Chỉ một phút xao nhãng khi cho trẻ đi bơi cũng có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.
Nguồn: Parent