4 hoạt động thú vị dạy con trở thành người quản lý tiền bạc giỏi trong tương lai
Thông qua những hoạt động đơn giản, bạn có thể dạy con về những nguyên tắc tài chính cơ bản, bao gồm cách quản lý quỹ, tiết kiệm tiền…
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, cha mẹ chính là nguồn ảnh hưởng số 1 lên hành vi tài chính của một đứa trẻ.
Tác giả Beth Kobliner trong cuốn sách mới nhất "Make your kid a money genius (even if you’re not)" (tạm dịch: Biến con bạn thành thiên tài tiền bạc – dù bạn không được như thế) đã chia sẻ những chiến lược thực tế, dễ dàng thực hiện nhằm giúp trẻ học về khái niệm tài chính trong đời. Cô là một chuyên gia về tài chính cá nhân suốt hơn 30 năm qua, từng có lần tham gia Hội đồng Cố vấn về Năng lực Tài chính của Tổng thống Obama.
Trì hoãn ham muốn là một trong những kĩ năng quan trọng nhất để dạy trẻ về giá trị của đồng tiền (Ảnh minh họa).
1. Cho đi
Thói quen tài chính quan trọng nhất của tất cả mọi người có lẽ là cho đi. Do đó, có một cách để khích lệ trẻ hứng thú với công việc từ thiện - một khái niệm mà trẻ có thể hiểu ngay từ khi lên 4 tuổi.
Hãy bắt đầu dạy con bằng việc trò chuyện với trẻ về lý do tại sao tất cả chúng ta nên cho đi; về việc chỉ vài đồng tiền nhỏ cũng có thể tạo nên sự khác biệt lớn lao tới mức nào đối với một người đang cần nó.
Sau đó, đề nghị trẻ về phần đóng góp của bạn: Cứ mỗi 1/4 số tiền tiết kiệm trẻ dành cho công việc từ thiện, bạn cũng sẽ góp thêm 1/4 của chính mình.
Cùng con tìm hiểu các tổ chức chuyên về sử dụng những khoản tiền mặt nhỏ để tạo nên thay đổi lớn theo hướng tích cực. Ví dụ, Heifer International - một tổ chức phi lợi nhuận quyên góp động vật nông trại và các thiết bị liên quan trên khắp thế giới. Con bạn có thể mua một bầy gà để giúp đỡ một gia đình với chỉ 20 USD.
Cũng có thể hướng việc từ thiện tới những nơi ngay gần nơi bạn sống: Quyên góp tiền cho một trung tâm động vật vô thừa nhận hay trợ giúp trả tiền viện phí cho một người bị bệnh trong cộng đồng.
2. Hiệu ứng cánh bướm
Trong số tất cả những kỹ năng quản lý tiền bạc giá trị nhất bạn có thể dạy một đứa trẻ 4 và 5 tuổi, trì hoãn ham muốn có lẽ là kỹ năng quan trọng bậc nhất. Đây là kỹ năng chủ chốt mà người trưởng thành cần để thực hành việc chi tiêu, tiết kiệm một cách khôn ngoan.
Với trẻ nhỏ, không có cách nhiệm màu nào để phát huy sự kiên nhẫn cần thiết hơn một bộ đồ chơi khoa học về sự hình thành bướm. Sẽ cần chút quy hoạch để sắp đặt mọi thứ và sau đó bạn phải đợi khoảng 1 tháng để sâu bướm nở thành nhộng và rồi thành bướm - một điều kỳ diệu với trẻ ở độ tuổi này.
Cùng với đó, con bạn sẽ phải tiến hành một số nhiệm vụ đơn giản – cung cấp thực phẩm tươi cho sâu bướm, giữ nơi ở của sâu bướm đủ độ ẩm và dọn sạch phân ấu trùng. Để chào mừng mỗi giai đoạn thoát xác thành công, cùng thống nhất với con là bỏ một số tiền vào lọ, để con bạn được chiêm ngưỡng số tiền tiết kiệm của mình lớn dần lên cùng với con bướm xinh đẹp trong tương lai.
Dạy trẻ tiết kiệm tiền ngay từ bé (Ảnh minh họa).
3. Trò chơi làm bánh
Không gì tạo động lực học hỏi cho trẻ em (hay người lớn) tốt như món tráng miệng! Hoạt động này dạy trẻ 6 tuổi và lớn hơn 6 tuổi cách thiết lập và vận hành một ngân quỹ - kỹ năng vô cùng giá trị khi trẻ trưởng thành.
Trước hết, hãy ghé vào tiệm bánh và hỏi giá một chiếc bánh - bất kể loại nào khiến con bạn thèm thuồng. Giờ là thử thách: Liệu trẻ có thể làm một chiếc bánh tương tự với khoản tiền ít đi? Cùng con đi mua sắm, mang công thức kèm theo và hỏi giá từng nguyên liệu. Nếu tổng chi phí thấp hơn mức giá bán bánh ở tiệm, hãy bắt tay vào chế biến. Nếu không, bạn sẽ phải áp dụng chiến thuật so sánh và lựa chọn - liệu con có thể tìm ra nơi bán chiết xuất vani rẻ hơn? – cho tới khi tìm ra cách làm với chi phí thấp hơn.
4. Tiết kiệm lấy lãi
Benjamin Franklin đã chứng minh: 1 xu tiết kiệm được thực sự có giá trị hơn 1 xu kiếm được, nếu bạn cất chúng trong một tài khoản có lãi suất. Trẻ 7 tuổi và hơn 7 tuổi sẽ hiểu điều này nếu bạn cho con một khoản tiền miễn phí. Bởi vì tài khoản tiết kiệm hiện nay có lãi suất 1% là nhiều nhất nên hãy minh họa nguyên tắc này bằng một tỷ lệ phóng đại: 100%.
Bắt đầu bằng việc cho con bạn 1 nghìn đồng. Mỗi ngày sau đó, trả cho con tiền lãi tương đương với số tiền con đã có: Vào ngày thứ 2, cho con thêm 1 nghìn đồng, như vậy, con có 2 nghìn đồng. Dừng lại ở ngày 10, lúc đó bạn sẽ cho con thấy số tiền 1 nghìn đồng đã "nở" ra đáng kinh ngạc như thế nào.