3 kiểu người mẹ dễ khiến con "trở mặt thành thù" nhất, đặc biệt là kiểu thứ 3: Quá đúng!
Hy vọng bạn không phải kiểu nào trong số đó.
Có một người từng chia sẻ rằng hiện tại cô gần như không còn trò chuyện với mẹ mình nữa. Thuở nhỏ, mọi chuyện của cô đều do mẹ quyết định, từ mặc gì, học gì đến chơi với ai… Tất cả đều là mẹ nói sao thì nghe vậy.
Nhưng khi lớn lên, mỗi lần cô tự đưa ra quyết định, mẹ lại trách: "Cánh cứng rồi nên không nghe lời nữa à?". Đến mức giờ đây, chỉ cần nghe thấy giọng mẹ là cô cảm thấy đau đầu.
Thực tế, việc con cái dần trở nên lạnh nhạt với cha mẹ không phải chuyện hiếm. Nhiều người nghĩ rằng con đã thay đổi nhưng có thể chính một số cách ứng xử của cha mẹ mới là thứ âm thầm khiến con ngày càng xa cách. Đến một lúc nào đó, mẹ không còn là người thân thiết, mà trở thành người con chỉ muốn né tránh.
Dưới đây là 3 kiểu người mẹ dễ vô tình khiến con xem mình như "người xa lạ". Đặc biệt, kiểu thứ ba được rất nhiều người công nhận là quá đúng với hoàn cảnh của họ.
1. Kiểu người mẹ chỉ đạo mọi thứ quá mức
Từ khi con chào đời, nhiều bà mẹ đã dành toàn bộ tâm sức để lo cho con từng chút một. Sợ con đi sai đường, họ chọn thay con mọi thứ: ăn gì, mặc gì, học gì, lớn lên làm nghề gì… Họ yêu con đến mức không dám buông tay, sợ con mắc sai lầm dù chỉ là nhỏ nhất.
Những câu như: "Con cứ nghe mẹ, mẹ sẽ không làm hại con đâu"/ "Bây giờ con chưa hiểu, sau này con sẽ biết mẹ làm vậy là vì con"... sẽ xuất hiện với tần suất vô cùng thường xuyên. Đa phần cha mẹ đều xuất phát từ ý tốt. Nhưng đôi khi, thứ được gọi là "vì con" lại thực chất chỉ là: "Con phải làm theo cách mẹ muốn".

Ảnh minh họa
Có sinh viên từng tâm sự rằng từ nhỏ tới lớn, bản thân chưa từng được tự đưa ra một quyết định thực sự. Ngay cả việc không thích học đàn piano cũng không dám nói, vì mẹ cho rằng đó là khoản đầu tư lớn nhất mẹ dành cho con. Lâu dần, mối quan hệ giữa mẹ con người đó trở nên xa cách. Dù sống gần nhau, nhưng khoảng cách trong lòng ngày một lớn. Vì người đó nhận ra rằng dù có nói gì cũng vô ích, mẹ đã quyết định thay hết rồi.
2. Kiểu mẹ dễ bùng nổ cảm xúc
Những người mẹ này thường không hề muốn nóng giận, nhưng vì quá mệt mỏi nên khó kiểm soát cảm xúc. Họ thường rơi vào cảnh ban ngày đi làm, tối về chăm con, việc nhà cũng đến tay, chẳng mấy ai giúp đỡ hay thấu hiểu.
Vì thế, chỉ cần một chuyện nhỏ cũng có thể trở thành "giọt nước tràn ly": con học bài chậm một chút là bị quát; làm bẩn sàn nhà là bị mắng; thậm chí nhiều khi chẳng có lý do rõ ràng, chỉ đơn giản là vì cảm xúc bị dồn nén quá lâu.
Những lời như: "Mẹ làm vậy rốt cuộc là vì cái gì?"/ "Sao con lại khiến mẹ mệt mỏi như thế này?"/ "Mẹ đã nhẫn nhịn con lâu lắm rồi đấy!"... có thể được thốt ra trong phút giây nóng nảy. Nhưng với con, những lời ấy có thể để lại dấu ấn lâu dài.
Trong mắt trẻ, thế giới rất đơn giản. Các em chưa thể hiểu rằng "mẹ đang quá mệt", mà chỉ nhớ rằng "mẹ hay giận", "mẹ hay mắng". Nếu điều này xảy ra thường xuyên, con sẽ dần học được 3 điều: 1) Không dám nói ra, vì sợ mẹ nổi nóng. 2) Không muốn gần mẹ, vì sợ bị la mắng. 3) Mất lòng tin vào bản thân, vì lúc nào cũng bị phủ định.
Càng ngày, con càng trở nên nhạy cảm, thu mình, thậm chí lạnh nhạt. Nhiều người mẹ quá cố gắng làm tốt mọi việc, nhưng lại quên mất rằng đôi khi, điều cần nhất chỉ là dành cho bản thân một chút thời gian để thở, để nhẹ lòng và để nhẹ cả lòng con.
Chỉ khi cha mẹ sống thoải mái hơn, trẻ mới có thể cảm nhận được sự ấm áp thay vì áp lực.

Ảnh minh họa
3. Kiểu người mẹ nói dai nói dài
Những người mẹ này không mắng, cũng không quát, nhưng lời nói của họ khiến con càng nghe càng buồn. Họ hay nói: "Sao con ngốc thế, cái này cũng không biết?"/ "Mẹ không nói con, mẹ chỉ nói việc con làm không được"/ "Con nhà người ta làm được hết, sao con lại không?"...
Có khi những lời đó được thốt ra rất nhẹ nhàng, thậm chí kèm theo tiếng cười. Nhưng họ không biết rằng những câu nói đó đang âm thầm làm hao mòn sự tự tin của con.
Một cô gái từng kể rằng hồi nhỏ, mỗi lần thi xong dù điểm cao, về nhà cô vẫn bị mẹ bắt lỗi: "Sai 2 câu này, đúng là cẩu thả!". Lớn lên, cô không còn muốn chia sẻ kết quả học tập hay cuộc sống với mẹ nữa. Cô nói: "Dù tôi làm tốt thế nào, mẹ tôi cũng không bao giờ hài lòng. Vậy thì thà không nói, đỡ bị so sánh, đỡ bị chê trách".
Sự thật là kiểu người mẹ này không cố ý làm tổn thương con. Họ chỉ quen bày tỏ kỳ vọng và lo lắng qua lời phê bình. Nhưng với trẻ, những lời "lải nhải" lặp đi lặp lại là sự phủ định không ngừng. Khi bị nói mãi "con không làm được", trẻ sẽ bắt đầu tin điều đó là thật. Khi bị so sánh liên tục, trẻ sẽ nghĩ mình không bao giờ đủ tốt, không đáng được yêu thương.
Điều làm tổn thương không phải là tiếng hét, mà là những câu nói tưởng nhẹ nhàng nhưng lại vô tình xuyên thẳng vào lòng con. Cha mẹ không cần im lặng, nhưng nhắc nhở không đồng nghĩa với hạ thấp. Nói thật không có nghĩa là làm đau.
Đôi khi, một lời khen hay một cái ôm lại có sức mạnh tiếp thêm cho con rất nhiều niềm tin. Ngược lại, một câu phán xét thiếu suy nghĩ có thể khiến con sống cả đời trong hoài nghi về chính mình.
Tất nhiên, không có ai làm cha mẹ mà không từng cố gắng. Chỉ cần học cách kiên nhẫn hơn, bớt kiểm soát hơn, trẻ sẽ cảm nhận được rằng cha mẹ không cố "sửa" con mà đang cùng con lớn lên. Tình yêu không cần hoàn hảo, chỉ cần đủ dịu dàng, đã là sức mạnh to lớn nhất trong hành trình nuôi dạy con.