3 kiểu dạy con tưởng hà khắc nhưng chắc chắn tạo nên những đứa trẻ sở hữu EQ cao, điều cuối cùng quan trọng nhất!

An Chi,
Chia sẻ

Các bố mẹ có đang áp dụng kiểu nào không?

Nuôi dạy con chưa bao giờ là hành trình dễ dàng, đặc biệt trong thời đại mà cha mẹ nào cũng muốn con mình phải thật giỏi, thật hạnh phúc và thật thành công. Nhưng đôi khi, chính những điều "không chiều chuộng", tưởng như nghiêm khắc của cha mẹ lại là nền tảng giúp con trở thành một người biết kiểm soát cảm xúc, thấu hiểu người khác và thích nghi tốt với xã hội, tức là những đứa trẻ sở hữu chỉ số EQ cao.

Dưới đây là 3 kiểu dạy con tưởng "hà khắc" nhưng thực ra lại là chìa khóa vàng để con vững vàng bước vào đời, được các chuyên gia tâm lý đánh giá cực cao.

1. Không làm "anh hùng giải cứu" mỗi khi con gặp vấn đề

Nhiều bố mẹ có thói quen can thiệp ngay lập tức khi con gặp rắc rối: bị bạn giành đồ chơi, bị điểm kém, bị cô phê bình… Thay vì để con tự xử lý, bố mẹ thường "xông vào" để bảo vệ con, giải quyết thay con. Hành động này tuy xuất phát từ tình yêu, nhưng lâu dài sẽ khiến trẻ thiếu khả năng kiểm soát cảm xúc, né tránh trách nhiệm và dễ khủng hoảng khi đối diện với áp lực thật sự.

Trong khi đó, những cha mẹ có vẻ “lạnh lùng” hơn sẽ đứng lùi lại một bước, để con tự học cách giải quyết vấn đề. Họ không bỏ mặc, nhưng sẽ hướng dẫn con cách nói chuyện, cách nhìn nhận cảm xúc của bản thân và người khác, cách giữ bình tĩnh khi bị từ chối hay khi mắc lỗi.

2. Không đáp ứng mọi nhu cầu của con ngay lập tức

"Con muốn ăn vặt!", có ngay. "Con đòi đồ chơi!", mua liền. "Con không muốn học nữa!", thôi nghỉ…

Cha mẹ chiều con vô điều kiện thường nghĩ rằng như vậy là đang yêu con, nhưng thực chất lại đang cắt mất kỹ năng kiểm soát cảm xúc của trẻ. Trẻ được đáp ứng quá nhanh, quá dễ sẽ thiếu kiên nhẫn, không biết chờ đợi, dễ nổi nóng khi không được như ý.

Ngược lại, cha mẹ nghiêm khắc sẽ đặt ra ranh giới rõ ràng, dạy con hiểu rằng không phải điều gì mình muốn cũng có ngay lập tức, và muốn có được thì phải cố gắng.

3 kiểu dạy con tưởng hà khắc nhưng chắc chắn tạo nên những đứa trẻ sở hữu EQ cao, điều cuối cùng quan trọng nhất! - Ảnh 1.

3. Không "đỡ thay" cảm xúc tiêu cực cho con, thay vào đó, cùng con học cách gọi tên cảm xúc

Trẻ nhỏ có thể khóc nức nở vì bị thua một trò chơi, tức giận vì bị bạn chê, hay buồn vì một chiếc bánh bị rơi. Nhiều bố mẹ sẽ vội vàng dỗ con nín, nói “có gì đâu mà buồn”, “thôi đừng khóc nữa”, “có thế mà cũng giận à”.

Tưởng là đang an ủi, nhưng thật ra cha mẹ đang vô tình phủ nhận cảm xúc của con.

Những cha mẹ có EQ cao lại hành xử khác: họ để con thể hiện cảm xúc của mình một cách an toàn, và cùng con học cách gọi tên cảm xúc đó. Ví dụ: “Mẹ thấy con đang rất buồn vì thua đúng không?”, “Con tức giận vì bạn không chơi theo ý con à?”.

Sau đó, họ mới gợi ý cách xử lý cảm xúc đó một cách bình tĩnh.

EQ không phải do "sinh ra đã có", mà là được dạy dỗ, rèn luyện từng ngày

Những cha mẹ “dễ tính” có thể giúp con vui vẻ trong chốc lát. Nhưng chính những cha mẹ kiên định, thiết lập ranh giới rõ ràng và không né tránh cảm xúc tiêu cực của con, lại đang gieo mầm cho một đứa trẻ thấu hiểu bản thân, kiểm soát cảm xúc, biết cảm thông với người khác.

Và trong một thế giới đầy biến động như hiện nay, EQ cao đôi khi còn quan trọng hơn cả IQ hay thành tích học tập. Vì trẻ có EQ tốt sẽ biết tự tìm đường, tự đứng dậy sau thất bại, và xây dựng được những mối quan hệ tử tế, điều không có trường lớp nào dạy bằng một lời.

Chia sẻ