12 thắc mắc thường gặp của sản phụ sau sinh mổ

Minh Nhật,
Chia sẻ

Sau sinh mổ, sản phụ thường có rất nhiều điều cần giải đáp. Dưới đây là những thông tin bổ ích cho chị em tham khảo.

1. Sau sinh mổ có cần kiêng tắm từ 1-3 tháng?

Câu trả lời của các bác sĩ là không. Sau sinh mổ, sản phụ không nên kiêng tắm gội sau sinh. Bởi sản dịch ra nhiều, mồ hôi tiết ra, cộng với việc tiết sữa. Nếu không được vệ sinh, lau rửa cẩn thận sẽ dẫn đến nhiễm trùng cho cả mẹ và bé. Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu sau sinh, sản phụ nên tắm gội.

Tuy nhiên mẹ cũng cần lưu ý rằng thời điểm tắm gội giữa mẹ sinh thường và đẻ mổ sẽ khác nhau. Mẹ sinh thường khỏe mạnh, 24h sau sinh có thể tắm gội, còn với mẹ sinh mổ cần khoảng một tuần. Tuy nhiên, cả hai trường hợp nên hỏi ý kiến của bác sĩ để được tư vấn an toàn nhất cho sức khỏe. Khi tắm cần dùng nước ấm, phòng kín gió, tránh nước đọng lại trên vết mổ sau khi tắm xong,…

2. Sau sinh mổ được đánh răng không?

Ngay sau khi sinh, sản phụ có thể rửa mặt, súc miệng, chải răng mỗi ngày. Tuy nhiên, nên dùng nước ấm, chọn bàn chải loại mềm, tránh gây chảy máu răng, đặc biệt sản phụ có thể dùng chỉ nha khoa. Không nên dùng nước lạnh, bàn chải cứng hay xỉa răng bởi sẽ gây chảy máu và ê buốt vì thời điểm này lợi vẫn còn rất nhạy cảm.

10 thắc mắc thường gặp của sản phụ sau sinh mổ - Ảnh 1.

3. Mẹ có được mặc áo cộc tay vào mùa nóng?

Theo các bác sĩ, sinh con vào mùa hè nóng bức, mẹ nên mặc áo thoáng mát, có thể mặc áo cộc tay và không cần đi tất nếu chỉ ở trong nhà. Nhưng sản phụ cũng không nên ngồi trước quạt mạnh hay để điều hòa nhiệt độ quá thấp vì thời điểm này sức đề kháng của người mẹ còn yếu.

4. Sinh mổ xong bao lâu thì ra ngoài?

Điều này phụ thuộc vào sức khỏe của mẹ. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo mẹ sau sinh nên kiêng 3 tuần hoặc 1 tháng mới nên ra ngoài. Khi đó, cơ thể đã dần phục hồi, vết khâu ở tầng sinh môn hoặc vết mổ ở bụng cũng lành dần. Mẹ có thể ra ngoài để bắt đầu thích nghi lại với cuộc sống thường ngày. Không nên ra ngoài quá sớm, khi sức đề kháng còn yếu, cơ thể dễ bị ốm. Còn kiêng cữ lâu quá thì cũng không cần thiết.

5. Sau sinh mổ mẹ có cần kiêng ngồi xổm không?

Câu trả lời là có. Bởi sau khi sinh, các dây chằng và bộ phận sinh dục cần có thời gian để co hồi lại. Tư thế ngồi xổm sẽ làm tăng áp lực đè xuống vùng bụng dưới và sàn chậu, khiến các tạng bên trong cơ thể dễ sa xuống dưới và ra ngoài, hay còn gọi là sa sinh dục.

Để tránh hiện tượng này, mẹ không nên ngồi xổm ngay sau sinh, khi nằm nên khép hai chân, không mang vác nặng…

6. Sản dịch bao lâu thì hết?

Một vài ngày đầu sau sinh, sản dịch có chứa một lượng máu khá lớn, nên nó có màu đỏ tươi và giống một kỳ kinh nguyệt. Màu của sản dịch sẽ thay đổi từ đỏ tươi sang đỏ nâu, kéo dài trong 1 tuần. Khoảng 10 ngày tiếp theo, sản dịch sẽ chuyển sang màu vàng hoặc trắng, bởi khi đó thành phần chủ yếu trong sản dịch là các tế bào bạch cầu và tế bào niêm mạc tử cung.

Thông thường, sản dịch thường kéo dài từ 2 – 4 tuần sau sinh, tuy nhiên nó còn tùy thuộc vào cơ địa từng người. Sản dịch sau sinh mổ thường ít hơn so với sinh thường và sản phụ sinh con so hoặc cho con bú thì sản dịch sẽ nhanh hết hơn do việc co hồi của tử cung diễn ra nhanh hơn.

7. Sau sinh bao lâu thì có thể quan hệ tình dục?

Việc kiêng quan hệ vợ chồng thời gian đầu sau sinh là tốt nhưng không nhất thiết phải kéo dài 3 tháng 10 ngày như mọi người vẫn truyền tai nhau.

Với sản phụ sinh mổ do không tác động tới âm đạo nên không gây ảnh hưởng đến cuộc sống tình dục. Tuy nhiên, sản phụ phải trải qua giai đoạn phục hồi vết mổ, cổ tử cung trở lại bình thường, do đó để đảm bảo an toàn, mẹ có thể quan hệ 4 tuần sau sinh.

10 thắc mắc thường gặp của sản phụ sau sinh mổ - Ảnh 2.

8. Tình trạng "khô hạn" sau sinh mổ khắc phục thế nào?

Sau khi sinh, hàm lượng estrogen, progesterone và các hormone khác trong cơ thể người mẹ sẽ sụt giảm nhanh chóng. Đặc biệt, việc cho bé bú sẽ kích thích tuyến yên sản xuất prolactin -gây ức chế sản sinh nội tiết tố estrogen, khiến âm đạo bị khô rát, giảm ham muốn.

Để khắc phục tình trạng khô hạn sau sinh, chị em cần xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý; giữ tinh thần thoải mái; tập luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng để cải thiện khí huyết; không sử dụng các sản phẩm có nồng độ axit cao, xà phòng để vệ sinh âm đạo, sản phẩm thụt rửa.

9. Các biện pháp tránh thai sau sinh

Ngay khi quan hệ trở lại, chị em nên sử dụng các biện pháp tránh thai, mặc dù chưa có kinh nguyệt lại.

Một số biện pháp tránh thai sau sinh mà chị em có thể áp dụng gồm: sử dụng bao cao su, đặt vòng tránh thai, thuốc tranh thai, tiêm thuốc tránh thai, cấy que tránh thai, dùng màng chắn âm đạo và mũ chụp tử cung, miếng dán tránh thai…

Nếu sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp, mẹ nên chọn loại dành cho con bú:

+ Dạng chứa hoạt chất levonorgestrel: Tên thương mại là Postinor 1 hoặc Postinor 2.

+ Dạng chứa hoạt chất mifepriston 10mg: Tên thương mại Mifestad 10, Mifentra 10…

Trong đó, chống chỉ định thuốc tránh thai khẩn cấp cho mẹ cho con bú chứa hoạt chất mifepristone 10mg. Chính vì vậy, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ có thể sử dụng dạng thuốc chứa hoạt chất levonorgestrel là Postinor 1 hoặc Postinor 2 mà không sợ ảnh hưởng đến bé.

10. Đang mang thai cho con bú có được không?

Khi bé bú, hormone oxytocin được giải phóng. Đây là loại hormone góp phần gây ra hiện tượng co bóp tử cung dẫn đến sinh non. Tuy nhiên, để làm giãn cổ tử cung hoặc gây ra các cơn co thắt thì chỉ oxytocin là chưa đủ. Vì vậy, cho con bú khi mang thai đều an toàn cho cả mẹ và thai nhi.

11. Làm thế nào khi vết mổ sau sinh bị cứng, đau, ngứa?

Một vài trường hợp sản phụ có vết mổ sau sinh bị cứng, đỏ hay ngứa có thể do nguyên nhân chỉ chưa tiêu hết, hiện tượng này cũng không có gì đáng ngại. Để tránh vết mổ sau sinh bị đỏ, cứng thì sản phụ cần lưu ý một số vấn đề như:

- Không nên mặc quần áo quá chật, hãy mặc những bộ quần áo thoáng mát, rộng rãi để giúp không khí lưu thông, tránh cọ sát vào vết mổ.

- Không nên tự ý luyện tập thể dục thể thao quá sức khi vết sẹo chưa lành, chỉ nên đi lại, vận động nhẹ nhàng để tăng quá trình lưu thông máu và ngăn ngừa hình thành cục máu đông.

- Hạn chế để vùng da có sẹo tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vì nó có thể làm cho vết sẹo sẫm màu hơn.

- Cần có một chế độ ăn uống và chăm sóc khoa học mới có thể giúp cho vết mổ nhanh lành, không bị cứng, không bị ngứa do hình thành sẹo lồi. Ngoài ra, để sẹo có độ thẩm mỹ cao hơn và tránh hình thành sẹo lồi, ngứa thì sản phụ cần kiêng ăn rau muống và hải sản (sản phụ sau sinh mổ ăn hải sản sẽ khiến cho vết mổ bị ngứa).

- Quá trình chăm sóc và thay băng vết mổ cần phải đảm bảo vệ sinh, vô trùng, vô khuẩn.

- Sản phụ có thể dùng khăn ấm thấm ướt bằng nước muối loãng để nhẹ nhàng chườm lên khi vết mổ sau sinh bị ngứa và giúp giảm đau vết mổ khi thời tiết chuyển mùa. Tuyệt đối không dùng tay để gãi vết mổ vì điều này sẽ càng làm tổn thương và hình thành sẹo lớn. Một điều đặc biệt lưu ý là sản phụ không được tự ý dùng thuốc để thoa lên vết mổ vì như vậy sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vết mổ.

12. Vết sẹo mổ sau sinh sẽ lành trong bao lâu?

Tùy vào cơ địa và sức khỏe thì mỗi sản phụ sau sinh sẽ có một khoảng thời gian để phục hồi sức khỏe và liền sẹo khác nhau. Nếu cơ thể bình thường thì sẽ phục hồi nhanh hơn, trong khoảng vài tuần đầu sau sinh, có thể nhận thấy rõ ràng quá trình liền sẹo bằng mắt thường. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian này thì quá trình liền sẹo cũng sẽ chậm hơn và sản phụ sẽ không còn thấy đau đớn nữa.

Ngoài ra, thời gian để vết mổ sau sinh lành lại cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: loại chỉ khâu mà bác sĩ sử dụng, quá trình chăm sóc, vệ sinh vết mổ.

12 thắc mắc thường gặp của sản phụ sau sinh mổ - Ảnh 3.

 

Chia sẻ