10 điều bố mẹ cần lưu ý khi dạy con học bơi
Bơi là kỹ năng an toàn bố mẹ cần dạy cho trẻ để đề phòng đuối nước. Để dạy con học bơi bố mẹ cũng cần trang bị các kỹ thuật bơi cơ bản và có những kiến thức nhất định.
Dưới đây là 10 điều cha mẹ cần lưu ý khi dạy con học bơi:
Hãy kiên nhẫn
Đừng gây cho trẻ ấn tượng xấu với việc tập bơi và không dám xuống bơi lần nữa chỉ vì bạn luôn nổi cáu với trẻ trong khi đang dạy chúng tập bơi. Bơi lội là một trải nghiệm vui vẻ, đầy hào hứng chứ không phải là cảm thấy áp lực, không thoải mái. Hãy kiên nhẫn khi con chưa bơi được và từ từ dạy chúng khi chúng làm chưa đúng thao tác.
Đừng cố ép trẻ khi trẻ đang sợ hãi
Một số trẻ cảm thấy thích bơi và thích vầy nước hơn những trẻ khác. Nhưng những đứa trẻ sợ nước hoặc không thích vui đùa trong nước sẽ phải mất thời gian lâu hơn để tập bơi. Đừng cố thúc ép con trẻ học bơi nhanh hơn khi chúng vẫn còn chút lo lắng, bồn chồn hay phạt trẻ khi chúng sợ hãi.
Dạy từng thứ một
Dù là trẻ nhỏ hay trẻ đang ở độ tuổi đến trường thì chúng ta cũng nên dạy con học bơi từng chút một. Sau khi đã thành thạo kỹ thuật thở trong nước, bạn nên chuyển sang kỹ thuật đạp chân tại chỗ. Cứ khi nào trẻ hoàn thành bước một thì khi đó bạn nên chuyển sang thực hành bước tiếp theo.
Nên tạo ra những bài học ngắn
Cố gắng chia các bài học ra thành một hoặc hai ca học trong nửa giờ, thời gian còn lại là để trẻ thỏa sức chơi đùa. Hãy bỏ qua những hướng dẫn dài dòng để tránh làm trẻ bị choáng ngợp. Trẻ có thể sẽ chẳng còn nhớ lại chút nào đâu.
Đảm bảo rằng bài học phù hợp với độ tuổi của trẻ
Một đứa trẻ khoảng 2 tuổi hẳn là sẽ gặp khó khăn trong việc làm nổi phần lưng so với trẻ học lớp 1, vì thế, hãy cố gắng chú ý dạy nên dạy cho trẻ những gì cho phù hợp với độ tuổi và sự phát triển thể chất của trẻ.
Tránh việc kỳ vọng quá lớn
Đừng cho rằng đứa con bé bỏng của mình nên có bài học đầu tiên như một vận đông viên giành huy chương ở Olympic. Do vậy, hãy đặt kỳ vọng của mình thực tế hơn một chút. Nhiều trẻ sẽ học hỏi rất nhanh trong khi một số trẻ khác thì sẽ cần nhiều thời gian hơn. Điều quan trọng là ta nên tránh so sánh khiến trẻ cảm thấy tự ti.
Hãy hướng phương pháp của bạn theo điều trẻ mong muốn
Đối với một đứa trẻ không sợ nước, có tố chất thể thao và độc lập sẽ đòi hỏi một phương pháp dạy hoàn toàn khác biệt so với những đứa trẻ nhút nhát và yếu ớt hơn chúng. Chuyển hướng phương pháp học bơi cho phù hợp với mong muốn của trẻ sẽ giúp bạn đạt hiệu quả bất ngờ hơn trong việc dạy con tập bơi.
Dùng phao bơi hay không dùng phao?
Một số cha mẹ tin rằng trạng thái căng phồng của phao bơi sẽ giúp trẻ dễ thích nghi hơn với nước hồ bơi, trong khi đó, những người khác lại cho rằng chúng không hề an toàn và gây chướng ngại trong việc giúp trẻ học kiểu bơi phù hợp. Khi đưa ra quyết định, bạn nên biết rằng những trẻ không dùng phao bơi thì sẽ không bị phụ thuộc vào chúng.
Nên nhớ rằng úp măt trong nước là rất đáng sợ
Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, lặn xuống nước hay úp mặt vào trong nước có thể gây ra sự hoảng sợ lúc ban đầu. Sự sợ hãi này sẽ được khắc phục sau một thời gian ngắn.
Bắt đầu thích nghi sớm
Thậm chí nếu bạn chỉ chơi trò chơi và nô đùa trong nước, trẻ nhỏ nếu được tiếp xúc nhiều với nước sẽ có thể giúp bài học bơi dễ hơn nhiều so với những trẻ chưa xuống nước bao giờ. Nếu có kế hoạch dạy con học bơi thì bố mẹ nên cho trẻ thích nghi từ sớm và dần dần.