Nữ y sỹ mang thai kể về ca mổ khiến bản thân phơi nhiễm HIV

Thu Hương,
Chia sẻ

Nữ y sỹ 29 tuổi đang mang thai ở tháng thứ 3 cho biết trong hoàn cảnh cấp bách của ca mổ hôm đó, cô đã chỉ nghĩ đến việc thao tác nhanh nhất để có thể cứu sống người bệnh mà thậm chí còn không kịp đeo găng tay bảo hộ để tránh nguy cơ phơi nhiễm HIV.

Vừa qua, thông tin về tập thể 19 y bác sỹ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội liều mình với nguy cơ phơi nhiễm HIV để cứu sống thành công một sản phụ nhập viện trong tình trạng nguy kịch, đã khiến ai nấy đều thực sự cảm phục. Trong số 18 y bác sỹ và 1 bạn học việc có mặt trong kíp mổ đó, ít ai biết rằng có tới 2 người đang mang thai. Để có thể tiến hành những thao tác nhanh nhất trong ca cấp cứu, hai y sỹ này đã thực sự chỉ nghĩ tới điều duy nhất là vì tính mạng người bệnh mà thậm chí còn không quản ngại nguy hiểm có thể xảy đến cho mình và em bé trong bụng.

Nữ y sỹ Bùi Thị Thanh, 29 tuổi là một trong số 3 y sĩ có mặt tại kíp mổ cho nữ bệnh nhân nhiễm HIV ngày 4.7. Nhìn bề ngoài nhỏ nhắn, không ai nghĩ rằng nữ y sỹ này đang mang bầu ở tháng thứ 3. Mặc dù vẫn đang trong thời gian theo dõi phơi nhiễm HIV nhưng Bùi Thị Thanh vẫn hết sức bình tĩnh, và đã nhanh chóng bắt nhịp trở lại công việc thường ngày.

bác sỹ phơi nhiễm HIV
Nữ y sỹ Bùi Thị Thanh đã nhanh chóng bắt nhịp trở lại công việc sau ca mổ ngày 4.7

Nói về ca mổ ngày 4.7, Thanh cho hay: “Cứ nhắc đến cấp cứu thì các y bác sỹ đều luôn phải chuẩn bị và thao tác mọi thứ nhanh nhất. Trường hợp hôm đó, khi các bác sỹ chỉ định là phải mổ ngay cho bệnh nhân ở dưới phòng khám và mọi người lập tức di chuyển toàn bộ đồ đạc cần thiết từ trên phòng mổ xuống. Mặc dù mình đang có bầu nhưng nghe tin cấp cứu, mình vẫn cùng mọi người chuyển đồ và chạy như bình thường. Đồ đạc phòng mổ thì rất nhiều, nên mọi người cứ phải chạy đi chạy lại khá nhiều lần. Thú thực là lúc đấy mình chỉ nghĩ làm sao có thể làm nhanh nhất để cứu sống bệnh nhân mà thôi, thậm chí còn không nghĩ đến việc đi găng tay bảo hộ. Trong ca mổ, tất cả mọi người đều được trang bị găng và dụng cụ bảo hộ, mình cũng được chuẩn bị nhưng vì lúc ấy mọi thứ đều vội vàng nên cả quá trình mổ, mình không hề nhớ đến việc đeo găng tay”.

Theo chia sẻ của Thanh thì toàn bộ kíp mổ đều vô cùng bất ngờ trước thông tin nữ bệnh nhân nhiễm HIV và Thanh không phải là người duy nhất mang bầu có mặt trong ca mổ hôm đó. “Ca mổ kéo dài trên 1 giờ đồng hồ và chỉ đến khi mổ gần xong rồi mọi người mới biết kết quả xét nghiệm máu bệnh nhân nhiễm HIV. Lúc ấy, mọi người cũng chỉ đi rửa tay xà phòng. Sau đó thì lãnh đạo bệnh viện có đưa tất cả mọi người đi xét nghiệm máu và uống thuốc chống phơi nhiễm. Mình đang bầu bé thứ hai ở tuần 13, trong số 3 dụng cụ viên có mặt trong ekip hôm đó thì có một chị khác cũng đang có bầu như mình”, Thanh cho hay.

Cũng theo lời kể của chị Thanh, toàn bộ thành viên kíp mổ đều đã phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm HIV từ bệnh nhân do không có sự chuẩn bị trước. Tình huống cấp bách, cứu người là quan trọng của buổi hôm đó cũng khiến 19 y bác sỹ buộc phải lơ là việc phòng vệ cho chính mình, bởi nếu chậm trễ sẽ có thể khiến tính mạng bệnh nhân không còn giữ được: “Nếu trong trường hợp bình thường, với bệnh nhân nhiễm HIV thì các y bác sỹ sẽ có sự chuẩn bị trước như có phòng mổ riêng, trang bị mặc áo bảo hộ, đi găng tay dài, đeo kính… Nhưng ca mổ ngày hôm đó thì tất cả mọi người đều không biết. Lúc đó, tình thế quá cấp bách và vội vàng. Thú thực là phòng mổ thường xuyên phải tiếp nhận những trường hợp như thế. Dụng cụ viên thì không phải những người tiếp xúc ban đầu mà sau khi bắt đầu ca mổ thì mình mới bắt đầu tiếp xúc với bệnh nhân, những người tiếp xúc với bệnh nhân từ đầu đó là bác sỹ, kỹ thuật viên lấy ven. Nhưng vì bệnh nhân này có chảy quá nhiều máu nên tất cả các dụng cụ xung quanh như máy móc, đồ đạc… đều dính máu”.

Bùi Thị Thanh xác nhận bản thân hôm đó có tiếp xúc đến ống hút và áo mổ của bác sỹ có dính máu, vì vậy nên khi biết kết quả xét nghiệm bệnh nhân dương tính với HIV, cô gái trẻ không khỏi lo lắng. Nữ y sỹ dũng cảm giãi bày: “Vì mình không chắc chắn là hôm đó liệu mình có trầy xước gì không, có bị lây nhiễm từ bệnh nhân không nên tâm trạng thực sự cũng khá lo lắng, hơn nữa là mình lại đang có bầu...”.

Tuy vậy, sau khi được làm tất cả các công đoạn cần thiết như xét nghiệm máu và uống thuốc chống phơi nhiễm, và có sự động viên của mọi người, nữ y sỹ 29 tuổi đã nhanh chóng trở lại với công việc. “Sau khi biết tin, người thân và bạn bè đều gọi điện thăm hỏi, động viên. Mình cũng chỉ lo lắng về hôm đó thôi, còn hiện tại thì mình thấy bình thường”, Thanh hồ hởi đáp. Bà mẹ tương lai cũng cho biết thuốc không ảnh hưởng gì đến thai nhi nhưng sau khi uống thì cũng có một số tác dụng phụ như mệt, chóng mặt.

Ngày 4.7, chị H. – một nữ bệnh nhân nhiễm HIV được đưa vào Phòng Cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trong tình trạng xuất huyết âm đạo nặng nề, quần áo đẫm máu. Tại đây, tất cả bác sĩ đang trực tại viện được huy động để cấp cứu thành công, bảo vệ tính mạng cho chị H., không quản nguy cơ lây nhiễm HIV. Ngay sau sự việc, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội có quyết định khen thưởng đột xuất tới của tập thể 19 y bác sỹ có mặt trong ca mổ cứu sống nữ bệnh nhân H.. Có mặt trong buổi trao thưởng nóng, tất cả các thành viên trong ca mổ đều đồng lòng chia sẻ: “Đó là hành động theo bản năng của một người thầy thuốc!”.


Chia sẻ