“Chúa Ruồi”: Cuộc đấu tranh khốc liệt giữa Thiện và Ác
Tác giả viết “Chúa Ruồi” bằng một giọng văn lạnh lùng, đanh thép nhưng lại chất chứa sâu sắc những đau đớn chua cay như một lời cảnh tỉnh đối với cái thiện và cái ác trong cuộc đời này.
Chúa ruồi
Tác giả: William Golding |
Tôi đã thực sự bị ám ảnh với những gì mà William Golding viết ra. Ban đầu khi tôi được biết câu chuyện viết về những cậu bé, tôi đã đoán rằng, đó là một câu chuyện phiêu lưu đầy hấp dẫn của những đứa trẻ ham chơi. Nhưng ngay từ trang đầu tiên khi tôi tiếp xúc với câu chuyện, tôi đã có cảm giác ngột ngạt, khó chịu. Cảm giác như bị nhấn chìm vào một cuộc đấu tranh mãnh liệt, thô bạo và ám ảnh đến kiệt cùng.
“Chúa Ruồi” dẫn người đọc vào một cuộc sống khắc nghiệt trên hoang đảo xa xôi chỉ có những đứa trẻ con sinh sống. Ngoài cuộc sống khó khăn thiếu thốn, chúng còn phải đối đầu với nỗi ám ảnh dai dẳng về một con ác thú luôn dình dập cuộc sống của chúng khiến chúng sợ hãi khôn nguôi. Từ trong hoàn cảnh ấy, bản năng tính cách của những đứa trẻ ngày càng được bộ lộ. Cảm giác xót xa đến quay quắt khi chứng kiến hình ảnh những đứa trẻ cứ bị u mê, và quay cuồng dần đi trong cái thể giới bản năng vô tận. Khi mà cái phần Người trong chúng cứ vơi cạn dần đi chỉ để nuôi dưỡng cái phần Con trờ lì và độc ác. Tôi sững sờ khi nhìn thấy những đứa trẻ thay đổi từ cảm giác ghê sợ mùi máu và sự do dự khi giết một con vật thành niềm say sưa giết chóc trong vũ điệu cuồng loạn bên đống lứa và điệp khúc ghê rợn với tiếng hú man dại giữa rừng già. Cái sự hồn nhiên, sự ngây ngô đã từng tồn tại trong chúng, đã hoàn toàn bị nỗi ám ảnh về các ác giết chết. Vì sự ám ảnh ấy, chúng đánh mấy cả niềm tin, tình bạn, sự chia sẻ và cảm thông đã từng giành cho nhau, thay vào đó là những ghen ghét, hoài nghi, tranh chấp…
Chính chúng đã rơi vào một cuộc chiến khốc liệt gấp vạn lần cuộc chiến với con ác thú trên đảo hoang. Tôi sứng sờ khi nhìn thấy chúng cào cấu nhau, và sẵn sàng chém giết, hằn học nhau như thể chúng đã để cái ác len lỏi vào tận sâu tâm hồn mình mà không hề có ý định đấu tranh hay chống lại. Tôi đã tự đặt cho mình nhiều nghi vấn, tôi đã không thể hiểu được tại sao những đứa trẻ lại có thể hành động một cách tàn nhẫn, độc ác như những con thú hoang? Nhưng khi đi sâu vào thế giới, hành động và suy nghĩ của Chúa Ruồi, tôi mới biết chỉ có chúa Ruồi mới lý giải được những bi kịch khốc liệt mà lũ trẻ gây ra trên hoang đảo, từ việc chúng đánh mất giá trị con người đến những vết trượt dài của chúng vào vùng mê muội: “Tụi bay cứ tưởng ác thú là cái gì tụi bay có thể săn và giết được. Mày biết phải không nào, ta là một phần của bọn mày. Một phần rất gần gũi, rất gần gũi, gần gũi lắm”. Những câu chữ ấy cứ vang vẳng bên tai tôi mãi ngay cả khi tôi đã gấp cuốn sách lại như đó là một cách để chạy trốn. “Chúa ruồi” thực sự đã đi vào tận cùng tâm hồn loài người chúng ta, và chỉ thẳng vào cái đáy sâu tâm hồn ấy và nói rằng, ở đó ngoài cái bản năng người, thì vẫn còn tồn tại luôn luôn bản năng của những con thú. Không phải chỉ những đứa trẻ trong “Chúa ruồi” mới bị đẩy vào vòng xoáy của những bản năng thú vật, để rồi tạo cơ hội cho cái ác tung hoành, mà chính chúng ta cũng đã biết bao nhiêu lần trong cuộc đời này, bỏ mặc sự đấu tranh của tâm hồn, để tâm hồn xuôi theo những bản năng trần trụi và dã man.
Tác giả viết “Chúa Ruồi” bằng một giọng văn lạnh lùng, đanh thép nhưng lại chất chứa sâu sắc những đau đớn chua cay như một lời cảnh tỉnh đối với cái thiện và cái ác trong cuộc đời này. Tôi đã hiểu rằng, loài người chúng ta, dù là những đứa trẻ hay những kẻ đã là người lớn đều chưa bao giờ ngừng lại được một cuộc đấu tranh tàn khốc để nhận ra được tính thiện trong chính con người chúng ta. Đừng thỏa hiệp, đừng sai lầm, đừng u mê… nếu không con người ta sẽ bị cái ác chi phối để rồi biến thành ác thú trong đời này.
Một cuốn sách bắt buộc phải đọc, khi ta biết rằng ta đang tồn tại trong cuộc đời thực sự là một CON NGƯỜI.