Từ vụ việc Nhóm Mua tê liệt, bài học cho người tiêu dùng

Lê Nhi - L.P,
Chia sẻ

Thông tin về <a href="http://afamily.vn/mua-sam/nhom-mua-ngung-hoat-dong-giao-dich-te-liet-20121115120759737.chn" target="_blank">Nhóm Mua ngừng hoạt động</a> khiến không ít khách hàng của website này lo lắng vì không biết đổi voucher ở đâu. Các chủ cửa hàng đang làm chương trình trên website cũng gặp khó khăn trong việc tiếp nhận voucher của khách.

Khách hàng mua voucher hoang mang

Trước thông tin Nhóm Mua (một trong những trang mua sắm online uy tín trên thị trường) tạm thời bị tê liệt, hầu hết các khách hàng của website đều tỏ ra hoang mang, lo lắng vì việc ngừng giao dịch đột ngột.

Một khách hàng tên Nga, 30 tuổi (Nhân viên công ty Truyền thông) tâm sự:“Mình là người rất hay mua hàng trên các trang mua bán online. Tuy nhiên, mình ít mua hàng trên Nhóm Mua. Mình thấy các khâu mua bán giao hàng tại đây khá nhanh chóng, thuận tiện. Thậm chí, đứa cháu mình nghiện mua hàng trên trang này. Nó vẫn thường bảo mua hàng ở đây có nhiều mặt hàng đa dạng và khâu giao dịch rất ổn, không có vấn đề gì”.
 
Từ vụ việc Nhóm Mua tê liệt, bài học cho người tiêu dùng 1
Khách hàng Thùy Trang
Một khách hàng tên Thùy Trang, 25 tuổi, cũng thường xuyên đặt mua nhiều hàng hóa trên trang bán hàng online này. Mới đây, Trang vừa mua váng sữa, ăn uống, giấy ướt, nước xả vải… Trang cho biết:“Hàng tuần, em vẫn thường mua hàng ít nhất 1-2 lần trên Nhóm Mua. Em đã mua hàng ở nhiều trang mạng rồi, em thấy trang này giao hàng nhanh nhất trong tất cả các trang bán hàng online hiện nay. Chậm nhất là  3 ngày họ đã giao hàng rồi. Vì hay thanh toán trực tiếp nên em chẳng thấy lo lắng trước thông tin trang bị tê liệt. Chắc chỉ có những khách hàng chuyển tiền qua tài khoản trước rồi lấy hàng sau mới thấy hoang mang và lo lắng thôi”.

Theo cô gái trẻ này thì nhiều khách hàng tỏ ra hoang mang trước thông tin Nhóm Mua tạm thời tê liệt nhưng riêng cô thì không có chuyện gì để phải lo lắng cả: “Nhóm Mua không đóng cửa đâu. Bên ấy chỉ thay đổi nhân sự cao cấp thôi. Thế nên họ tạm ngừng giao dịch. Sau khi kiểm kê lại hàng trong kho xong thì thứ 2 này sẽ hoạt động trở lại”.
 
“May mà không làm chương trình với Nhóm Mua đợt này"

Đó là chia sẻ của chị Lan Phương, 28 tuổi - Chủ quán cơm chay An Phúc (Thái Thịnh, HN). 

Chị Phương cho biết: Hiện ở Việt Nam có hàng chục trang làm theo mô hình mua theo nhóm như hotdeal, nhommua, cungmua, runhau, cucre,… Nhưng sau khi tìm hiểu chị quyết định chỉ làm với những trang lớn để đảm bảo quyền lợi cho mình và khách hàng của mình.

Theo chị Phương, mô hình mua theo nhóm là một cách quảng cáo tiết kiệm chi phí và có hiệu quả tốt với những người kinh doanh nhỏ. Với mô hình này, ngoài việc giảm giá từ 30-50% cho khách hàng, thì chị sẽ mất 20-30% giá trị voucher để trả chi phí quảng cáo cho các trang mua theo nhóm (voucher trị giá 95.000đ thì sẽ mất khoảng 20.000đ phí quảng cáo). 

Bù lại chị có được lượng khách hàng ngay lập tức và không phải trả phí quảng cáo trước như đăng trên các báo, tạp chí nên sẽ an toàn hơn. Mỗi lần làm chương trình, quán của chị bán được hàng trăm thậm chí hàng nghìn phiếu. Tức là trong thời gian ngắn chị đã quảng cáo được quán đến rất nhiều khách hàng.

Trang M.C phát hành voucher điện tử bằng cách nhắn mã số thẻ vào điện thoại. Cách này tiện cho những khách hàng trẻ tuổi nhưng với những khách hàng trung niên thì họ vẫn quen dùng voucher giấy như của H.D và Nhommua hơn. Mặc dù dùng voucher giấy sẽ phải chờ giao voucher nên mất nhiều thời gian hơn voucher điện tử. 
 
Từ vụ việc Nhóm Mua tê liệt, bài học cho người tiêu dùng 2
 Chị Lan Phương - chủ quán cơm chay
Về hình thức voucher, các voucher của H.D đều có màu giống nhau chỉ thay tên đối tác, mã số. Còn Nhóm Mua chú trọng hình thức hơn.

Mỗi đối tác có một màu voucher khác nhau nên khách hàng ít bị nhầm lẫn. Đã có khách hàng đến sử dụng dịch vụ tại quán chị mua nhiều voucher của H.D nhưng vì cùng màu không để ý đã đưa nhầm voucher.

Chị Phương cũng đã làm những chương trình hợp tác mô hình mua theo nhóm với các trang mua theo nhóm khác và đã có kết quả rất tốt. Đợt này đang định làm với Nhóm Mua thì có thông tin Nhóm Mua tạm ngừng hoạt động nên cũng lo lắng.

Chị cho biết: “May mà không làm chương trình với Nhóm Mua đợt này vì nếu làm thì không biết chuyện thanh toán tiền voucher bán được sẽ thế nào. Vì thông thường ký hợp đồng, sau khi chạy deal khoảng 15-20 ngày các trang mới thanh toán 1 phần tiền cho quán. Phải hết deal mới được thanh toán nốt phần còn lại”.

Cũng với tâm lý lo lắng trên, chủ cửa hàng bán đồ gia dụng tên Vinh trên phố 8-3, quận Hai Bà Trưng cũng kêu trời vì đang làm chương trình bán hàng gia dụng trên Nhóm Mua tuần trước. 

Với vẻ mặt hoang mang, anh Vinh nói: “2 ngày nay, cửa hàng nhà mình đã từ chối thanh toán voucher giảm giá vẫn còn thời hạn của Nhóm Mua. Mình thực sự lo lắng không dám tiếp nhận các voucher vì sợ không được bên ấy (Nhóm Mua) thanh toán. Với các voucher còn hạn sử dụng, vẫn có hiệu lực thanh toán, nếu khách hàng không cảm thấy yên tâm mình toàn khuyên liên lạc với công ty để được hoàn lại tiền. Hy vọng đúng như nhân viên Nhóm Mua nói, mọi giao dịch sẽ tiếp tục bình thường vào thứ 2 này”.

Thấy chồng nói vậy, vợ anh Vinh có mặt tại đấy cũng than: “Tiền thì chưa thu được từ Nhóm Mua mà khách hàng mấy hôm nay đã đến lấy sản phẩm rồi. Dù áy náy nhưng vợ chồng mình cũng đành phải khất khách hàng, không dám tiếp nhận các voucher nữa".

Người tiêu dùng cần làm gì để bảo vệ quyền lợi

Để tránh những rủi ro khi mua hàng tại các trang mua sắm trên mạng, người mua nên chú ý:

- Đặt mua hàng online ở những trang uy tín. Khi mua hàng chị em nhất thiết nên check xem hàng hóa đó là của doanh nghiệp, công ty nào. Hàng có được kiểm tra chất lượng đầu vào không? Hàng thật không? Hàng có đúng chất lượng như đăng ký? Hay quá trình bảo hành ở đâu? Đổi sản phẩm bị lỗi ở đâu?

- Nên đến tận nơi lấy hàng, hoặc xem kỹ hàng khi được giao tận nơi rồi mới trả tiền. Giữ mình luôn trong tư thế "cầm chuôi dao chứ không cầm lưỡi dao" khi thanh toán, giao dịch.“Đây là cách mình hay mua hàng online, không dùng phiếu, không thanh toán qua tài khoản. Chỉ đặt mua và khi giao hàng, check hàng xong thì mình mới trả tiền trực tiếp. Cách mua này giúp mình vừa chọn được sản phẩm ưng ý, vừa không bị mất tiền oan nếu gặp phải sự cố”. - chị Nga chia sẻ.

- Khi có sự cố xảy ra với trang mua theo nhóm, cần bình tĩnh liên hệ với công ty để biết chắc các giao dịch có tiếp tục bình thường không, bên cạnh đó, tìm hiểu thông tin về quy định, luật pháp trong các trường hợp tương tự để nắm rõ quyền lợi của mình. Với các voucher còn hạn sử dụng vẫn có hiệu lực thanh toán, nếu chị em không cảm thấy yên tâm giao dịch thì có thể liên lạc với công ty để được hoàn lại tiền.
Chia sẻ