Trung Quốc: Cuộc đua trên mạng vì vé tàu Tết

Vân Anh,
Chia sẻ

Đặt vé tàu về quê ăn Tết qua mạng thực sự là một cuộc chạy đua đối với tất cả người dân Trung Quốc.

Năm mới sắp tới, hàng trăm triệu người Trung Quốc vẫn đang cố hết sức để có thể có được tấm vé về quê ăn Tết. “Cuộc hành hương” lớn nhất thế giới đã gây áp lực nặng nề cho ngành giao thông đường bộ, đường sắt trong suốt nhiều năm qua.

Nhưng đến năm nay, công nghệ đã được áp dụng vào giao thông khi một trang web chính thức cho phép đặt vé tàu qua mạng đã mở cửa. Đây là biện pháp được thực hiện nhằm giảm ùn tắc tại các điểm bán vé và các ga tàu. Tuy nhiên, với đại bộ phận những người muốn về quê ăn Tết, đặt vé qua mạng vẫn là một thử thách không hề dễ dàng.

Trung Quốc: Cuộc đua trên mạng vì vé tàu Tết 1
Đặt vé trên mạng được coi là giải pháp giúp giảm ùn tắc trên các chuyến tàu, giúp người dân mua vé thuận tiện hơn.


Cái khó ló cái khôn, những thủ thuật mới đã được áp dụng nhằm mua bằng được tấm vé sum họp gia đình.

Kelly Gan, một kế toán 27 tuổi, cho biết: “Tôi sử dụng một chương trình làm mới trang web mỗi năm giây để đặt vé ngay từ khi trang web bắt đầu mở bán. Về cơ bản, tôi phải chạy chương trình suốt một ngày”.

Sau thời gian chờ đợi, Kelly cũng đặt được một tấm vé từ Thượng Hải về Thành Đô. Hành trình dài 2.000km, tàu chạy 39 giờ đồng hồ. Cô gái trẻ phải bỏ ra 72 USD (gần 1,5 triệu đồng) để mua vé “giường cứng”, chỗ nằm chỉ bao gồm giường và đệm. Nhưng ít ra cũng thoải mái hơn so với việc phải ngồi ghế trong suốt hành trình.

Vé tàu chỉ được bán sớm nhiều nhất 60 ngày trước khi khởi hành. Vì thế, nhiều người phải tranh giành nhau để mua vé.

Trung Quốc: Cuộc đua trên mạng vì vé tàu Tết 2
Việc nghẽn mạng, khó truy cập vào trang web bán vé là khó khăn lớn nhất cho người mua vé qua mạng. Những lao động nghèo không biết dùng Internet gần như không thể tiếp cận phương pháp này.


Tất cả số vé được bán sạch chỉ vài phút sau khi mở bán. Đỉnh điểm cho vé tàu Tết năm nay là vài ngày 19/12, cứ mỗi giây, trang web bán được 1032 vé.

Cơ hội tiếp theo là vào thời điểm 15 ngày trước khi khởi hành. Đây là lúc những người đã mua vé được phép hoàn trả lại cho nhà ga nếu không về. Đa số người mua vé ban đầu chỉ để dự phòng. Họ muốn chắc chắn về được nhà. Nhưng sau đó, vì bận việc hoặc có phương tiện khác về nhà thuận tiện hơn nên họ trả lại vé cho nhà ga. Và thời điểm 15 ngày trước khi khởi hành là hạn cuối để khách trả vé, cũng là cơ hội cho những người còn lại có một suất về quê.

Tại ga Thượng Hải, hơn 7000 vé được trả lại mỗi ngày.

Chương trình mà Kelly Gan dùng để đặt vé thực chất là một mã nguồn mở được cung cấp miễn phí bởi một cá nhân. Sau đó, một công ty Internet tên tuổi của Trung Quốc cũng lao vào cuộc chiến ứng dụng đặt vé.

Gã khổng lồ Internet, Baidu, đã phát triển một phần mềm nhằm tăng tốc quá trình đặt vé. Phần mềm của Baidu chủ yếu cải thiện thời gian giữa lúc đặt vé và thanh toán. Đây là một trong những công đoạn khiến nhiều người khó chịu nhất khi đặt vé điện tử.

Hiện có 18 triệu người đã cài đặt chương trình, đặt mua 28 triệu vé.

Ngoài ra, trình duyệt web, LieBao cũng cung cấp chức năng đặt vé cho người dùng. Trình duyệt này cho phép người dùng lựa chọn một vé ảo trước, thu thập thông tin của khách hàng rồi dùng nó để đặt vé thay cho khách ngay khi nhà ga mở bán.

Tuy vậy, việc đặt vé qua mạng cũng có những bất cập nhất định. Bên cạnh những người sử dụng Internet thành thạo để có cách ứng biến trong cuộc chạy đua đặt vé tàu, thì những người lao động nghèo, mù công nghệ lại gặp khó khăn.

Guo Dengxiu, một người giúp việc ở Bắc Kinh, là một trong hàng trăm triệu người ngoại tỉnh, những người bỏ quê hương để tìm kiếm việc làm trên thành phố. Cô không biết cách dùng mạng internet nên đã không thể đặt được vé về quê ở tỉnh An Huy, nơi cách thành phố cô sống hơn 1.000km.

“Con trai tôi mua cho tôi một vé đứng. Nếu không có gì thay đổi, tôi sẽ có một hành trình dài 15 giờ mà không có chỗ ngồi hoặc có một chiếc ghế gấp. Nhưng dù sao, tôi cũng phải về nhà trong năm mới”, Guo Dengxiu nói.

Theo AFP, Yahoo
Chia sẻ