Phụ nữ Trung Quốc sinh con ở Mỹ tăng 100 lần trong chưa đầy 1 thập kỷ

Nguyệt Nguyễn,
Chia sẻ

Đối với đa số thai phụ, danh mục cần chuẩn bị cho việc sinh con thường là nôi cho bé, yếm và những đồ dùng cần thiết khi nhập viện. Nhưng với nhiều bà bầu Trung Quốc, danh sách này còn bao gồm thêm một chiếc vé máy bay đến Mỹ.

Felicia He, 27 tuổi, người Trung Quốc, đã bỏ ra hàng chục ngàn USD và lên kế hoạch tỉ mỉ trước khi đáp máy bay đến sinh con ở California, Mỹ.

"Tôi bắt đầu chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi này sau 3 tháng mang thai. Tôi đã nhờ những người bạn từng sinh con ở Mỹ để có giấy giới thiệu của bác sĩ. Sau đó tôi tìm một nơi để ở trong vài tháng và mua vé máy bay", Felicia He kể lại.

Các bà bầu Trung Quốc đang có xu hướng đổ xô tới Mỹ để sinh con khi theo luật, bất kỳ ai chào đời trên đất Mỹ đều được công nhận có quốc tịch Hoa Kỳ. Khi nhu cầu này ngày càng gia tăng thì ngành công nghiệp du lịch sinh con cũng bùng nổ theo để phục vụ cho các đối tượng này.

Tờ Chinadaily trích dẫn thông tin từ tạp chí Globe cho biết, vào năm 2007, chỉ có 600 bà bầu Trung Quốc sinh con tại Mỹ. Năm 2013, con số này tăng lên 20.000. Và theo dự báo, vào năm 2015, sẽ có 60.000 bà bầu Trung Quốc tới Mỹ để sinh con, tăng 100 lần trong chưa đầy 1 thập kỷ.

Cũng theo tờ Chinadaily, việc sinh con ở Mỹ từng là "đặc ân" của những người giàu có, nhưng hiện nay, tầng lớp trung lưu Trung Quốc cũng bắt đầu gia nhập trào lưu này để con cái có hộ chiếu Mỹ.

Phụ nữ Trung Quốc sinh con ở Mỹ tăng 100 lần trong chưa đầy 1 thập kỷ 1
Nhiều bà bầu Trung Quốc tìm cách đến Mỹ để sinh vì muốn con có quốc tịch nước ngoài. (Ảnh minh họa)

Nhiều gia đình muốn có con mang quốc tịch Mỹ để giúp họ có cơ hội di cư ra nước ngoài khi đến tuổi du học hoặc mong muốn được thay đổi môi trường sống. 

"Những đứa trẻ này có thể bảo hộ cho cha mẹ khi đủ 21 tuổi", Ông Leti Volpp, giáo sư luật tại Đại học California, Berkeley cho biết.

Phong trào di cư sang nước ngoài đặc biệt phổ biến trong giới người giàu. Gần 2/3 người Trung Quốc có hơn 1,6 triệu USD trong ngân hàng đã di cư, hoặc đang lên kế hoạch thực hiện mục tiêu này, theo một báo cáo vào năm ngoái.

Đối với He, người sinh con vào năm ngoái, một hộ chiếu Mỹ cho con mình đồng nghĩa với việc bé được tiếp cận các cơ hội giáo dục tốt hơn. Quốc tịch nước ngoài sẽ mở ra cánh cửa để cho con cô vào các trường quốc tế độc quyền ở Bắc Kinh, nơi cô và chồng đang sinh sống. Bên cạnh đó là cơ hội cho đứa trẻ đi du học ở nước ngoài khi học cấp 3 hoặc đại học.

Đối với những người khác, như trường hợp của Miao Yu, một nhà tạo mẫu tóc, việc sinh con ở Mỹ cũng có thể là một cách để "lách" chính sách một con ở Trung Quốc. Mặc dù quy định này đã được nới lỏng hơn, nhưng không phải cặp vợ chồng nào cũng đạt đủ điều kiện để sinh nhiều hơn một con.

Miao, 35 tuổi, ước tính đã chi gần 30.000 USD để sinh con thứ hai ở Mỹ. Giống như He, cô dự định sẽ đưa con gái đi học ở Hoa Kỳ, có thể là ngay cấp tiểu học.

Để chắc chắn quá trình này được dễ dàng hơn, Miao đã thuê một đại lý ủy quyền trợ giúp trong việc tìm kiếm nơi ở ngắn hạn tại một khu phố đông bà bầu Trung Quốc ở Los Angeles.

Nhiều đại lý ủy quyền như vậy đã xuất hiện, với các website và quảng cáo chào hàng gói sinh con tại "các khách sạn thai sản" bao gồm chỗ ở sang trọng, ăn uống, tài xế, lịch hẹn bác sĩ và hơn thế nữa. Những website này thậm chí còn giải thích cách để đảm bảo có hộ chiếu cho trẻ sơ sinh và nơi nộp hồ sơ xin thị thực.

Nhiều bà mẹ chọn sinh con ở quần đảo bắc Mariana do quần đảo này gần Trung Quốc và có chương trình miễn visa cho khách du lịch Trung Quốc.

Du lịch sinh con đã bùng nổ nhanh đến mức nghị sĩ Gregorio Sablan đã phải nhiều lần hối thúc chính phủ Mỹ giúp thực hiện việc kiểm soát, chẳng hạn như áp dụng những biện pháp chọn lọc, để hạn chế làn sóng đổ đến Mỹ sinh con của các bà bầu.

Cả gia đình Miao và He đều đã nghiên cứu kế hoạch để di cư tới Mỹ do mức chi phí sống tại quốc gia này thấp hơn. Chi phí thuê nhà ở Mỹ cũng hợp lý hơn, đặc biệt là khi so với Bắc Kinh, nơi giá cả đang tiếp tục leo thang.

Tuy nhiên, có một điều mà những bà bầu này vẫn chưa tính đến. Đó là việc có hộ chiếu Hoa Kỳ đồng nghĩa với việc đứa trẻ đó sẽ phải có nghĩa vụ đóng thuế Mỹ khi đến tuổi.

"Tôi vẫn chưa nghĩ về điều đó", He nói. "Và dù sao thì chúng tôi cũng phải chờ cho đến khi đứa trẻ 18 tuổi đúng không nào?.

Theo CNN/Chinadaily

Chia sẻ