BÀI GỐC Nỗi hoảng sợ khi chứng kiến con gái mất dần sự sống từng ngày

Nỗi hoảng sợ khi chứng kiến con gái mất dần sự sống từng ngày

Những ngày này, vì sợ con gái có thể ra đi bất cứ lúc nào, tôi luôn nắm chặt tay con. Tôi hoảng sợ khi nghĩ một ngày thức dậy không có con ở bên và phải ở lại thế giới không có con.

1 Chia sẻ

Tôi đã chuẩn bị mọi thứ cho con gái nhỏ trong chuyến vĩnh biệt cuối cùng

,
Chia sẻ

Đến thời điểm này, kế hoạch chuẩn bị mọi thứ cho cuộc đời con gái trong chuyến vĩnh biệt cuối cùng của tôi đã dần hoàn tất. Tôi đang ở trong tâm thế bình tĩnh, thanh thản nhất đón chào Tết Nguyên Đán cuối cùng bên người thân và bên con gái nhỏ.

Qua những ngày Giáng sinh đầy tâm trạng, lên mạng để tìm đọc những người có cùng hoàn cảnh mà lấy thêm một chút nghị lực nữa cho bản thân thì tôi bắt gặp bài tâm sự của bạn.

Ngồi đọc từng câu, từng chữ trong bài: “Nỗi hoảng sợ khi chứng kiến con gái mất dần sự sống từng ngày”, tôi đau đớn như cắt da cắt thịt. Tôi hiểu là mẹ đang phải bất lực nhìn con gái sang thế giới bên kia sẽ đau đớn cùng cực. 

Nhưng thực sự, tôi cũng chỉ chia sẻ được với bạn mà chẳng giúp gì được bạn cả. Thực tế, thời gian tôi sống trên đời cũng chỉ còn vài tháng nữa. Và có lẽ Tết Nguyên Đán này sẽ là cái Tết cuối cùng trong cuộc đời tôi được sum vầy cùng con gái nhỏ và gia đình ở trên trần gian.

Từ ngày biết bản thân bị căn bệnh ung thư máu quái ác (Cách đây 7 tháng), tôi rất tích cực điều trị nhưng bệnh vẫn tiến triển theo chiều hướng xấu. Hiện tình trạng bệnh của tôi đã ở tình trạnh bạch cầu cấp và số lượng tế bào bạch cầu ác tính phát triển rất nhanh. Sự sống của tôi cũng đang chỉ tính từng tháng.

Thời gian tôi sống trên đời cũng chỉ còn vài tháng nữa. Và có lẽ Tết Nguyên Đán này sẽ là cái Tết cuối cùng trong cuộc đời tôi được sum vầy cùng con gái nhỏ và gia đình ở trên trần gian (Ảnh minh họa) 

Thật sự mà nói, tôi không hề sợ chết. Ngay cả khi biết cái chết đã cận kề thì tôi vẫn rất thanh thản chờ đón nó. Cái mà tôi chỉ không yên tâm nhất và đau đáu lo lắng nhất chính là con gái nhỏ 9 tuổi của tôi. Khi tôi mất, nó sẽ vẫn sống trong sự đùm bọc yêu thương của chồng tôi. Nhưng là đàn ông, ai dám chắc dù bây giờ thương vợ là thế, họ lại không đi bước nữa với người đàn bà khác.

Vì thế, ngay từ khi biết tin dữ này, tôi càng trở nên là người phụ nữ sống mạnh mẽ hơn, quyết liệt và tranh thủ “cày” nhiều hơn nữa. Vì không biết bao giờ sẽ phải rời xa thế giới này nên tôi muốn chuẩn bị cho con gái một tương lai xa mà theo tôi là vững chắc nhất. Con cũng sẽ hãnh diện và luôn nhớ về mẹ vì những việc tôi đã làm.

Để chuẩn bị cho chuyến đi dài mà không bao giờ hội ngộ được với con gái và người thân trong gia đình, tôi viết một cuốn nhật ký căn dặn con gái mọi điều. Trong cuốn sổ này, tôi dặn con kỹ càng từng giai đoạn. 

Chẳng hạn như từ 0-1 tuổi: con phải chăm học, chăm ngoan và nghe lời bố mẹ. Từ 10-18 tuổi: đây là giai đoạn ương bướng và con chớm bước vào tuổi dậy thì con cần phải lưu ý những gì. Đặc biệt, tôi hướng dẫn con phát hiện và chăm sóc lúc con lần đầu bị nguyệt san ra sao; lựa chọn ngành học và quyết tâm thực hiện theo mơ ước thế nào. Kể cả cách đối mặt với thất bại trong cuộc sống.

Rồi khi con 18 tuổi đến 28 tuổi, khi ấy trưởng thành thì con phải cố gắng học tập đến nơi đến chốn và xác định những vướng mắc trong tình yêu, chọn chồng, lấy chồng và cách để làm một nàng dâu hiếu nghĩa được nhà chồng yêu quý… 

Tôi đã dày công viết hết một cuốn sổ và chia sẻ với con hết mọi điều tôi biết để con có thể có chút kinh nghiệm khi bước vào mỗi mốc cuộc đời con sau này. Để khi không còn tôi trên đời, con vẫn có quyển sổ này làm bạn, làm người hướng dẫn, động viên con.

Xong một việc quan trọng đầu tiên, tôi cũng đã chuẩn bị một chút về kinh tế cho con. 10 năm hôn nhân, cũng may vợ chồng đều làm lụng và có của ăn của để. Tôi lại năng động trong tư vấn đất đai các dự án nên ngoài tích lũy chung với chồng, tôi còn có quỹ riêng.

Đó là số tiền 1,2 tỉ mà tôi muốn tiêu gì thì tiêu. Số tiền này, tôi đã chuyển cho bà ngoại cháu giữ hộ để khi tôi đã nhắm mắt xuôi tay, bà lo hỗ trợ cho cháu: khi cháu muốn du học hay khi cháu khó khăn lập nghiệp sau này. Tôi cũng dặn bà ngoại, phải khi con gặp khó khăn thực sự trên đường đời, thì mới lấy số tiền này tùy cơ ứng biến giúp con.

Đến giờ, tôi đã chuẩn bị cho chuyến đi dài gần như xong xuôi hết mọi việc. Song tôi vẫn muốn con tự hào về người mẹ này. Thế nên, việc tôi đang nỗ lực trong những ngày tháng cuối cùng chống lại bệnh tật để còn một ngày nhìn thấy con là một ngày tôi hạnh phúc. Tôi viết những bài viết để quên đi nỗi đau đang bị bệnh tật dày vò. 

 Tôi đang nỗ lực trong những ngày tháng cuối cùng chống lại bệnh tật để còn một ngày nhìn thấy con là một ngày tôi hạnh phúc (Ảnh minh họa)

Tôi sẽ không kêu khóc, không rên rỉ với những cơn khó thở nghiêm trọng hay đau bụng đến buồn nôn và ói mửa của mình. Tôi muốn cho con thấy, mẹ nó đã kiên cường với bệnh tật như nào. Tôi viết nhiều bài viết về gia đình, hôn nhân, về chăm sóc con cái gửi các báo online để mai lớn lên, đi đâu trên mạng online này, con cũng bắt gặp nhiều bài viết của tôi về gia đình.

Có thể nói đến thời điểm này, kế hoạch chuẩn bị mọi thứ cho cuộc đời con gái nhỏ trong chuyến vĩnh biệt cuối cùng của một người mẹ là tôi đã dần hoàn tất. Tôi đang ở trong tâm thế bình tĩnh, thanh thản nhất đón chào Tết Nguyên Đán cuối cùng bên chồng con. 

Riêng với chồng, tôi biết anh rất yêu thương tôi vì kể cả những ngày cuối cùng của cuộc đời, anh vẫn ở bên chăm chút tôi từng chút một. 10 năm hôn nhân, tình nghĩa vợ chồng son sắt anh dành cho, tôi cảm ơn anh lắm. Tôi rất yên tâm về anh ngay cả sau này biết anh sẽ cũng phải có một vợ mới san sẻ trong cuộc sống thì tôi dám chắc anh vẫn sẽ yêu thương con gái mình.

Tết này, tôi vẫn sẽ tự tay gói bánh chưng xanh, làm chè lam, mứt gừng - những thứ cả 3 người nhà tôi đều rất thích ăn. Và một ngày nào đó, trước khi ra đi, tôi vẫn sẽ mỉm cười bảo con: “Con ở lại ngoan và nhất định phải trưởng thành. Ở thế giới bên kia mẹ vẫn luôn dõi theo con. Chào 2 bố con, mẹ đi đây”...

Chia sẻ