Tố sếp là cầu thủ chuyên nghiệp trong việc đá "quả bóng trách nhiệm" cho nhân viên, nàng công sở được dân mạng hiến kế nhiệt tình

Old Fashioned,
Chia sẻ

"Các bác nghĩ sao khi làm dưới quyền của một quản lý thích đá bóng và lúc nào cũng là cầu thủ giỏi khi đá quả bóng trách nhiệm?".

Nhìn từ ngoài vào, môi trường công sở thật thanh bình với những con người ăn mặc thơm lành sạch đẹp, tác phong lúc nào cũng lịch thiệp khỏi chê. Ấy thế, như các cụ hay bảo, “phải trong chăn mới biết chăn có rận”, ai sống trong môi trường này rồi mới biết, nó thật sự nhiễu nhương vô cùng với hàng trăm kiểu người khác nhau ở những vị trí khác nhau, tốt có mà xấu cũng có.

Và trong số những kiểu người xấu, ngoài dạng hay đâm sau lưng, hay tọc mạch khuấy nước chọc trời, thì kiểu có năng khiếu đá bóng ngầm được xem là đáng sợ nhất. Bóng mà họ đá ở đây không phải là bóng thường mà là quả bóng trách nhiệm!

Tố sếp là cầu thủ chuyên nghiệp trong việc đá "quả bóng trách nhiệm" về nhân viên, nàng công sở được dân mạng hiến kế nhiệt tình - Ảnh 1.

Xoay quanh đề tài này, mới đây, có một cô nàng đã công sở đã đăng đàn thở than về vị sếp “cầu thủ” của mình như sau:

“Các bác nghĩ sao khi làm dưới quyền của một quản lý thích đá bóng và lúc nào cũng là cầu thủ giỏi khi đá quả bóng trách nhiệm. Việc gì cũng bảo: Chị nói vậy em "clear" chưa, em rõ chưa, em làm ngay đi chứ sao mà chậm thế, rồi chị buông tay mặc kệ luôn nhưng hễ ai hỏi thì lại quay sang bảo nhân viên của chị vướng ở đâu thì chị tháo gỡ đến đấy (thực tế chả thấy tháo gì, chỉ làm cho rối thêm).

Khi báo cáo hoặc trao đổi với các bên với thì lúc nào cũng chị đã giao việc cho bạn này, bạn kia rồi, không thuộc trách nhiệm của chị nữa. Quản lý nhưng không nắm được đầu mục công việc của nhân viên. Ơ hơ hơ, rồi người chịu trận là đứa nhân viên quèn như em đây. Thực sự, nếu không phải vì kiếm cơm trong thời buổi còn chưa tìm được công việc khác ưng ý thì em đã nghỉ lâu rồi các bác ạ”.

Tố sếp là cầu thủ chuyên nghiệp trong việc đá "quả bóng trách nhiệm" về nhân viên, nàng công sở được dân mạng hiến kế nhiệt tình - Ảnh 2.

Câu chuyện sau khi đăng đàn được ít lâu đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng người dùng mạng. Bất ngờ thay bên dưới phần bình luận, ngoài những sẻ chia đồng cảnh ngộ thì cũng có không ít ý kiến với mục đích hiến kế đối phó với kiểu sếp này cực kỳ hay ho như sau:

“Mình từng đi support kiểu leader như thế rồi. Cách giải quyết là mình đá bóng giỏi hơn, thế thôi. Thi thoảng mình còn biết sút một quả thủng lưới cho tan nát công ty luôn. Kẻ cắp thì phải cho gặp bà già quý vị ạ, hiền mãi thì bóng cứ bay vào đầu mình thôi”.

“Yên tâm, cứ tích cực làm vào, giải quyết giùm sếp cầu thủ luôn đi. Nếu bạn xử lý dc vấn đề mà leader không xử lý được thì ghế đó sớm muộn sẽ là của bạn. Ông trùm ở trên dòm thấy hết bạn ơi. Không ai giữ lại người không có thực lực trừ khi người đó mang lại lợi ích khác”.

“Nói lên 3 từ 'nhân viên quèn' là đủ hiểu bạn chịu thua số phận thế nào. Tự tin mạnh dạn lên xem nào, leader trực tiếp không ra gì thì còn có leader cao hơn mà, cứ ghi chú lại hết các quy trình làm việc, hôm nào, giờ nào, việc nào ghi hết ra. Đến khi bị đổ trách nhiệm oan thì mail báo cấp trên để họ phân xử. Sợ gì mích lòng, nhẫn nhịn cũng chả yên thân cơ mà”.

Tố sếp là cầu thủ chuyên nghiệp trong việc đá "quả bóng trách nhiệm" về nhân viên, nàng công sở được dân mạng hiến kế nhiệt tình - Ảnh 3.

Quả thật, trong đời sống công sở không hiếm khi chúng ta vô tình bị đổ trách nhiệm oan, nhưng biết mình thấp cổ bé họng nên đành chấp nhận thiệt thòi. Tuy nhiên, nếu lâm vào cảnh ấy quá thường xuyên và nhận ra đồng nghiệp hoặc sếp của mình là một “chân sút chuyên nghiệp” thì nhanh chóng thiết lập cách đối phó, có khi còn phải mạnh mẽ vùng lên.

Nên nhớ, một khi cụm từ “thiếu trách nhiệm” vô tình bị áp vào mình quá lâu, quá nhiều, rất có thể con đường sự nghiệp của mỗi dân công sở sẽ trắc trở vô cùng trong tương lại. Thế thì dại gì mà để bị đè đầu cưỡi cổ hoài, phải không nào?

Và như vài cách đối phó dân mạng đã hiến kế bên trên, nếu là chị em, chị em chọn cách nào?

Chia sẻ