Thiên tình sử đẹp của những cặp đôi "đũa lệch"

Linh (TH),
Chia sẻ

Chênh lệch về hình thức, hoàn cảnh, địa vị... nhưng chuyện tình của những cặp đôi "đũa lệch" này đã bước ra khỏi thế giới cổ tích để lại ấn tượng sâu đậm và là thiên tình sử đẹp, nổi tiếng qua nhiều đời.

Mối duyên "trời định" của công chúa và chàng trai nghèo

Đó là câu chuyện tình của nàng công chúa cành vàng lá ngọc Tiên Dung và chàng trai nghèo nhưng vô cùng hiếu thuận Chử Đồng Tử. Tương truyền rằng Chử Đồng Tử sinh ra trong gia đình rất khó khăn ở làng Chử Xá, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, là con của Chử Cù Vân. Gia cảnh đã khốn khó, không may thay nhà cháy, mất hết của cải đến nỗi chỉ còn lại một chiếc khố cho hai cha con dùng chung, hễ ai đi đâu thì đóng còn người ở nhà sẽ không có gì dùng. Khi người cha ốm nặng, lúc hấp hối đã gọi con lại mà dặn Chử Đồng Tử rằng khi ông chết, cứ táng trần cho bố, giữ lại cái khố mà dùng.

Vốn là người con trai hiếu thảo, khi cha mất, Chử Đồng Tử không nỡ để cha phải chịu cảnh trần truồng ra đi nên liệm khố theo cha. Còn lại một mình, chàng phải kiếm sống bằng cách ban đêm đi câu cá, ban ngày dầm nửa người dưới nước đến gần các thuyền bán cá hoặc đổi lấy gạo ăn. 

Thời bấy giờ, vua Hùng Vương thứ 18 có cô con gái tên là Tiên Dung, nhan sắc tuyệt trần. Dù đã ngấp nghé tuổi mười tám đôi mươi mà Tiên Dung vẫn không chịu lấy chồng, chỉ thích chèo thuyền ngao du sơn thủy. Chiều lòng cô con gái rượu, vua bèn cấp cho con thuyền và đủ người hầu hạ, mặc cho Tiên Dung muốn đi đâu thì đi. 

Thiên tình sử đẹp của những cặp đôi
Tiên Dung nói duyên trời run rủi gặp chàng ở chốn này coi như ý muốn không cưỡng lại được ý trời nên bày tỏ mong muốn kết duyên với Chử Đồng Tử (Ảnh: Internet).

Một ngày, khi Tiên Dung và đoàn binh lính, thị nữ dạo chơi đến khúc sông nơi Chử Đồng Tử sinh sống, đoàn thuyền của công chúa làm rợp cả mặt nước. Thấy vậy, Chử Đồng Tử bèn vứt vó, chạy lên bãi bới cát vùi mình xuống. Thấy bãi sông rộng, lại có những bụi cây tỏa bóng mát êm dịu, Tiên Dung lấy làm thích thú, ra lệnh cho thuyền ghé vào bãi và chọn một chỗ có bóng mát, sai thị nữ giăng màn để tắm. Ngờ đâu, đó lại chính chỗ Chử Đồng Tử náu mình. Khi Tiên Dung dội nước thì bỗng nhiên Chử Đồng Tử hiện lên. Giật mình, Tiên Dung hỏi chuyện thì được biết hoàn cảnh trái ngang của chàng trai nghèo. Nàng nói với Chử Đồng Tử rằng nàng đã nguyện không lấy ai làm chồng, nhưng nay duyên trời run rủi gặp chàng ở chốn này coi như ý muốn không cưỡng lại được ý trời nên bày tỏ mong muốn kết duyên với Chử Đồng Tử. Nói rồi, Tiên Dung bảo Chử Đồng Tử tắm rửa sạch sẽ, lấy quần áo cho mặc và đưa xuống thuyền, sai thị nữ sửa soạn tiệc hoa. 

Không còn cách nào khác, Chử Đồng Tử đành phải nghe theo lời Tiên Dung. Tất cả thị nữ đều kinh ngạc khi thấy nữ chủ nhân của mình từ trong màn bước ra bên một chàng trai tuấn tú. Từ hôm ấy, hai người chính thức nên duyên vợ chồng.

Tin động rời này đến tai vua, vua giận dữ vô cùng, gọi hết binh lính và người hầu của Tiên Dung về. Sợ vua cha, Tiên Dung đành ở lại với chồng tìm kế sinh nhai. Hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn, buôn bán và dần dần đã lập thành một xóm. 

Một hôm Tiên Dung ở nhà, để chồng đi buôn bán xa. Chử Đồng Tử đi qua một nơi có phong cảnh tuyệt đẹp và gặp được một nhà sư tên là Phật Quang. Thấy chàng là người chân thật, Phật Quang muốn truyền cho chàng một cây gậy và một cái nón, dặn dò rằng tất cả phép biến hóa đều nằm ở đó. Về nhà, Chử Đồng Tử kể lại cho Tiên Dung nghe, hai vợ chồng rời bỏ xóm làng, tìm nơi thanh vắng sinh sống. Khi đang trên đường đi, trời tối mà chưa tới chỗ đông dân cư, hai vợ chồng chống cái gậy xuống đất và lấy cái nón úp lên đầu gậy, rồi ngồi tựa vào nhau dưới nón mà ngủ. Đến nửa đêm, hai người tỉnh dậy thì thấy mình đang ở trong một cung điện lộng lẫy, tiện nghi, người hầu kẻ hạ nhộn nhịp. 

Thông tin này đến tai vua, vua cho là hai vợ chồng đang có ý tạo phản, liền sai quan quân đến đánh. Quân nhà vua đến nơi, mọi người xin ý kiến Tiên Dung ra chống cự nhưng nàng từ chối. Trời vừa tối, quân nhà vua đóng cách nơi ở của hai vợ chồng 1 con sông, đến nửa đêm, bỗng mưa tó gió lớn nổi lên, tất cả thành trì và bầy tôi của cùng Tiên Dung - Chử Đồng Tử phút chốc bay lên trời. Chỗ nền đất cũ bỗng chốc sụp xuống thành một cái đầm rất lớn. Nhân dân cho đó là điều linh dị bèn lập miếu thờ. Bãi đất ấy sau gọi là bãi Tự Nhiên, còn đầm là đầm Nhất Dạ. 

Qua nhiều đời sau, câu chuyện tình đẹp của Tiên Dung - Chử Đồng Tử vẫn khiến người đời ấn tượng bởi một tình yêu trong sáng, vượt qua mọi rào cản và sự chênh lệch địa vị, giàu - nghèo để được sống bên nhau đến trọn đời.

Mối tình bi ai của chàng trai vừa nghèo, vừa xấu

Cũng giống như mối tình Tiên Dung - Chử Đồng Tử, Trương Chi và Mị Nương cũng được coi là một cặp đôi "đũa lệch" trong truyền thuyết. Một bên là cô con gái xinh đẹp tuyệt trần, con một vị quan đại thần, bên kia là chàng trai có tướng mạo vô cùng xấu xí, gia cảnh lại nghèo nàn. 

Cuộc sống của Mị Nương sung sướng nhưng lại làm cô buồn bã bởi nó chẳng khác nào con chim bị giam lỏng. Thấy vậy, cha nàng đã cho cất một ngôi nhà nhỏ bên con sông cạnh nhà để nàng ra đó thư giãn bằng việc thêu thùa, đọc sách, ngắm cảnh. Trong khi ra đó, Mị Nương đã đem lòng say đắm tiếng sáo tuyệt hay vang vọng trên sông. Tiếng sáo ấy là của Trương Chi - một thanh niên sống cô đơn không người thân thích ở làng chài ven sông. Nhưng khác xa với tiếng sáo khiến ai cũng say mê của chàng, Trương Chi không may mắn khi sở hữu một vẻ ngoại hình không chỉ xấu xí mà còn ghê người. 

Một thời gian, khi Trương Chi cho thuyền đi đánh cá ở khúc sông khác, bỗng nhiên Mị Nương không còn nghe thấy tiếng sáo da diết và đầy tâm trạng ấy vang lên nữa, vì quá thương nhớ, nàng đã sinh bệnh. Biết chuyện, cha nàng đã mời nhiều người đến chữa trị mà vẫn không khỏi. Đến khi dò hỏi những người hầu hạ Mị Nương, được biết tiếng sáo của chàng thanh niên chính là cội nguồn căn bệnh dai dẳng của con gái, cha Mị Nương liền mời Trương Chi đến để chữa bệnh cho nàng. Tuy nhiên, khi vừa thấy dung mạo khó coi của chàng, ông bèn ra lệnh cho chàng chỉ được thổi sáo từ ngoài sân vọng vào chứ không được gặp mặt Mị Nương để nàng phải thất vọng. 

Thiên tình sử đẹp của những cặp đôi
Mị Nương không còn nghe thấy tiếng sáo da diết và đầy tâm trạng ấy vang lên nữa, vì quá thương nhớ, nàng đã sinh bệnh (Ảnh: Internet).

Cứ chiều chiều, tiếng sáo ấy lại đều đặn ngân nga và nó như một thứ thuốc nhiệm màu, bệnh tình của Mị Nương chuyển biến nhanh chóng. Khi sức khỏe đã khá hơn, nàng xin cha cho mời người thổi sáo vào. Bất đắc dĩ, cha nàng đành chiều theo ý con gái. Nhưng không giống như những gì Mị Nương tưởng tượng, vừa nhìn thấy dung nhan vô cùng xấu xí, tướng mạo lại thể hiện rõ vẻ nghèo hèn, đói khổ của Trương Chi, Mị Nương đã vỡ mộng đến mức không còn say mê tiếng sáo của chàng nữa. 

Trong khi đó, sau lần gặp mặt người con gái xinh đẹp, Trương Chi về nhà đã trót đem lòng yêu thầm nhớ trộm. Một hôm, chàng tìm đến căn nhà của Mị Nương để bày tỏ tình yêu của mình nhưng chàng chỉ nhận được sự từ chối. Thất vọng và đau buồn, Trương Chi sinh bệnh, sống héo mòn dần rồi chết vì tương tư. 

Xót thương cho người bạn cùng làng chài, bạn bè chàng đã vớt xác chàng và đem chôn. Trải qua bao năm tháng chôn vùi dưới đất, thân xác đã tiêu tan nhưng trái tim chàng kết thành một khối ngọc đỏ thắm như thách thức với thiên thu, thủy chung chờ đợi. Có người tình cờ tìm được khối ngọc này đã đem tiện thành bộ ấm trà và dâng lên quan tể tướng. Trong một tiệc yến có Mị Nương tham dự, quan tể tướng sai lấy bình trà quý ra dùng. Lạ thay, khi vừa rót trà vào chiếc chén, Mị Nương thấy trong chén trà hiện lên hình bóng người xưa và tiếng sáo văng vẳng đâu đây như than như trách. Bất giác, Mị Nương nhớ lại mối tình cũ, hai dòng nước mắt tuôn rơi vào lòng chén, chiếc chén ngọc vỡ tan...

(Nguồn: Wiki, truyencotich, vanhoc...)
Chia sẻ