Tủi phận với chồng

T.A,
Chia sẻ

Thấy cung cách đối xử của chồng, vừa tủi thân, vừa cảm thấy như bị xúc phạm. Cô tự hỏi, không biết anh có thực sự tôn trọng và coi cô như một người vợ không?

Ngồi nghe chồng phân trần khiến Ngân (Nguyễn Công Trứ - Hà Nội) không khỏi xót xa. Từ trước tới giờ tính Tùng – chồng Ngân vốn rất tình cảm và biết quan tâm đến người khác. Nhưng Ngân càng ngày càng nhận rõ rằng, với những người thân của vợ, anh luôn tỏ ra hờ hững và lạnh nhạt trong mọi chuyện.

Ngân tâm sự, lần trước khi biết tin mẹ ở nhà ốm. Ngân nói muốn đưa mẹ lên Hà Nội chữa bệnh. Anh chỉ ậm ừ cho qua, dù ý cô là muốn anh đi xe về đón mẹ cho mẹ đỡ vất vả chuyện đi lại. Thế nhưng, anh không những để mặc cô đón mẹ lên chữa bệnh, lại còn tỏ ra trách móc cô rằng: “Em đi lấy chồng rồi thì phải biết quan tâm đến anh một tý chứ. Đằng này hễ ở nhà ở việc gì là em lại nháo nhào lên. Cứ những lúc ấy thì anh có còn là gì trong mắt em nữa hay không”. Ngân nghe mà lòng buồn rười rượi, bởi cô nhận ra rằng anh quá ích kỉ. Anh chỉ biết nghĩ cho anh. Cô không nấu cho anh một bữa cơm thì anh cho đó là không xem anh ra gì. Còn anh, anh đâu hiểu rằng Ngân là chị cả trong gia đình. Các em lại đi học xa nên cô làm sao có thể không lo cho bố mẹ?!
 

Không chỉ riêng Ngân mà Quỳnh (Hồng Mai – Hà Nội) cũng đang cảm thấy vô cùng chán nản và tù túng với chồng chỉ vì: “Anh ấy nghĩ lấy tôi là chỉ sống với tôi. Còn bố mẹ anh em tôi, anh ấy không bao giờ thèm biết họ thế nào!”. Quỳnh kể rằng, từ ngày quen đến khi cưới Bình – chồng Quỳnh, anh chưa khi nào chủ động gọi điện về hỏi thăm bố mẹ vợ. Ngày lễ, ngày Tết anh cũng không mảy may quan tâm. Khi bố mẹ vợ gọi điện thì anh lại cằn nhằn rồi ghé về thăm như một người khách. Bố mẹ Quỳnh cũng nhận ra được sự xa cách ấy nên có nhớ con gái, ông bà cũng chưa bao giờ đặt chân lên nhà vợ chồng Quỳnh. Điều đó khiến cô tủi thân vô cùng. Chuyện tình cảm vợ chồng cũng vì thế mà rạn nứt nhiều. Cãi  vã nhau đến mệt mỏi. Cho đến khi em trai Quỳnh lên Hà Nội thi đại học, thì mâu thuẫn của hai người đã bị đẩy đến giới hạn “không thể chịu đựng được nữa”.

Quỳnh tâm sự rằng, ngày em trai cô lên Hà Nội, anh viện lý do bận rộn để không đón đưa, cũng chẳng thèm nói một lời nào đề nghị đưa em Quỳnh về nhà ở vài hôm (dù nhà không hề chật). Quỳnh chán nên đã gửi em ở nhà anh chị đang thuê nhà ở Hà Nội. Vì bận bịu công việc nên Quỳnh cũng chỉ tranh thủ đến động viên và chăm em được ít thời gian. Ấy vậy mà Quỳnh không thể tin được rằng, người chồng mà mình nghĩ luôn yêu thương và chia sẻ với cô lại quay ra đay nghiến cô, tính toán chi li từng đồng một cô tiêu. Khi cô về nhà muộn một chút là lại đổ tội này, tội nọ.
 

“Tôi chưa bao giờ nghĩ anh quá đáng đến như vậy. Có lúc em trai hỏi tôi, anh Bình đâu chị mà tôi thấy xót ruột quá. Tôi không dám nói thật rằng, anh ta chẳng coi chúng ta ra gì. Tôi chỉ cười buồn và nói dối anh đi công tác”, Quỳnh tâm sự. Những ngày em trai cô ở đây, dù em muốn đến nhà cô chơi, nhưng cô luôn viện cớ này cớ nọ để lảng tránh. Vừa tủi thân, vừa cảm thấy như bị xúc phạm. Cô tự hỏi, không biết anh có thực sự tôn trọng và coi cô như một người vợ không?

Chuyên gia tâm lý tổng đài 1088 có chia sẻ rằng ngày nay hiện tượng những chàng rể hờ hững với nhà ngoại là vô cùng phổ biến, nguyên nhân dễ thấy nhất là vì các ông chồng coi thường gia đình bên vợ, nghĩ bố mẹ vợ chẳng phải bố mẹ mình, anh em vợ cũng không có gì thân thiết nên họ không cần quan tâm đến nghĩa vụ và trách nhiệm làm con rể của mình. Đặc biệt trong những hoàn cảnh khi mà gia đình chồng là người thành phố, còn bên ngoại lại chỉ là dân quê thì hiện tượng này là điều không khó lý giải. Tuy nhiên, những người đàn ông, những người con rể này cần phải được xem xét lại. Vì một người đàn ông tử tế phải luôn biết cách cư xử tốt với vợ và gia đình vợ. Khi mà họ thực sự tôn trọng vợ mình, coi trọng vợ thì ắt họ sẽ không coi thường nhà ngoại. Nhưng nếu họ coi thường bên ngoại thì các bà vợ cũng phải xem xét lại tình cảm của chồng đối với bản thân mình, để tìm được cách giải quyết hợp lý nhất. Không nên để các ông chồng ấy lấn át mãi được.

Chia sẻ