Phát ngốt vì chồng "rau muống - khoai tây"

Hương Nguyễn,
Chia sẻ

Cứ tưởng rằng anh cũng “bình thường” như bao người đàn ông khác nên chị mới cưới.

Chồng "vắt cổ chày ra nước"...

"Rau muống - khoai tây" là biệt danh mà chị Ngọc (Trương Định, Hà Nội) "âu yếm" dành tặng anh Tân, chồng mình. Anh làm trưởng phòng công nghệ của một công ty nọ, chị làm giáo viên trường tiểu học gần nhà. Dù không vào hàng giàu kếch xù nhưng thu nhập của cả hai đều ở mức khá giả. 

Tuy nhiên, chẳng khi nào trong túi chị có nhiều hơn 100 nghìn đồng. Nguyên nhân của tình trạng này là bởi anh Tân quản lý hết mọi khoản tiền trong gia đình. Anh cho rằng: “Suốt ngày dạy ở trường, ăn uống thì đã có căng tin thì chằng có lý do gì mà phải tiêu đến tiền".

Thế là cứ "hở" ra khoản nào là anh lại nhăm nhe nhét ngay vào két và khóa lại. Mỗi khi muốn mua sắm gì, chị phải hỏi ý kiến chồng và đợi anh tính toán trước khi quyết định. 
Cứ tưởng rằng anh cũng “bình thường” như bao người đàn ông khác nên chị mới cưới (Ảnh minh họa)

Ngày nào trong bữa ăn của gia đình 3 miệng ăn (anh chị và cậu con trai 4 tuổi) cũng chỉ là rau muống, khoai tây luộc và một đĩa thịt con con. Anh nói: "Rau muống và khoai tây là hai món vô cùng bổ dưỡng cho cả người lớn và trẻ con. Cả nhà mình sẽ duy trì món này hàng ngày. Anh chỉ mua 1 lạng thịt cho con. Nó ăn thế là đủ. Em ăn nhiều thịt chỉ tổ béo, già mà da xấu đi thôi". 

Chị kể: “Có lần muốn mua cho con bộ đồ chơi cũng hơn 80 nghìn đồng mà anh ấy nhấc lên đặt xuống. Nào là 'đồ chơi xa xỉ quá, tuổi nó chơi chỉ có phá mà anh hồi nhỏ có cái gì chơi đâu? Thôi, không mua bán gì sất, tốn tiền!".

Đặc biệt, anh Tân có một vật bất ly thân đó là cuốn sổ Nam Tào của mình. Mọi khoản chi, anh đều tỉ mẩn ghi lại, từng cọng hành, từng quả ớt... Khoản nào "to to" như sữa tươi cho con, anh sẽ viết bằng bút bi đỏ. 

Nhớ lại hồi còn yêu nhau, Ngọc không nhận thấy “đặc trưng” này của chồng. Thời đó, thỉnh thoảng hai người có đi chơi xa cùng nhau, anh đều là người chi trả các khoản. Thậm chí, những ngày lễ, tết, anh còn mua hoa tươi, quà tặng cho chị. Cứ tưởng rằng anh cũng “bình thường” như bao người đàn ông khác nên chị mới cưới.

Thế nhưng, chỉ khi lấy nhau được vài tuần, anh đã nghiêm túc đưa ra đề nghị “Tiền phải quy về một mối” và từ đó anh thể hiện rõ ràng bản chất của người “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”.

Điển hình, có lúc mấy gia đình rủ nhau đi cà phê, những lần trước bạn bè chị đều trả tiền, lần này đến lượt nhà chị. Nhưng khi uống xong, mãi chẳng thấy chồng đứng dậy trả. Chị nghĩ bụng, chắc là quên ví hoặc trong ví không đủ tiền nên chị nháy bạn trả giúp.
 
Khi về đến nhà, chồng rú lên cười, ra vẻ rất đắc thắng vì đã trốn được “món hời”: “Đông như thế, trả bao nhiêu tiền cho vừa. Hôm trước, cả lũ đi có 7 đứa, nay lại vác theo con. Ngu gì trả chứ?" 

Cũng như Ngọc, biết bao lần Lam chán chường, chỉ biết than thân trách phận vì chồng quá “sắt vụn”. Từ ngày cưới chồng, chưa bao giờ Lam được thoải mái mua một bộ đồ mình thích. Vì chồng chị thường bảo: “Em đã là đàn bà đã có chồng, làm đẹp để trai ngắm chắc". 

Bởi vậy, mỗi khi giấu giếm chồng được ít tiền, Lam theo đồng nghiệp đi mua chiếc áo mới. Khi về, chị đều phải tìm cách làm cho nó cũ đi một chút. Nếu chồng có phát hiện ra thì chị phải nói là đồng nghiệp mặc không vừa nên cho chị mặc lại. Mới đây, con gái 4 tuổi bị ốm, chị mua về cho nó bát phở gà, anh cũng càu nhàu: "Vừa đắt vừa được ít, ăn ngô có phải ngon bổ rẻ không?".

Anh còn có một "đặc tính" đó là mỗi lần chỉ rút 100 nghìn đồng từ cây ATM với lý do: "Để nhiều tiền trong người nguy hiểm, 'ngứa tay' lại dễ tiêu hoang". Cũng vì điều này mà có lần anh chị gặp cảnh dở khóc dở cười. Hôm đó, xe vợ hết xăng, anh xung phong đưa chị đi cho "đỡ tốn tiền". 

Chẳng may, lúc đó xe hỏng, phải sửa mất 80 nghìn đồng. Thế là, sửa xe xong, anh "cắm" vợ ở lại để phóng xe đi tìm chỗ rút tiền. Đúng lúc, cây rút bị lỗi. Chị Lam phải chờ 2 tiếng đồng hồ mới thấy anh lò dò về "chuộc vợ". 

Khó thay đổi được tính "ky"

Trong trường hợp này, người vợ nên thông cảm với chồng, biết chia sẻ những lo toan cùng anh. Chị em cũng nên chứng tỏ mình là người tiết kiệm, có kế hoạch chi tiêu, để ông xã có cảm giác an tâm khi giao phó ngân sách.

Thật ra, những ông chồng keo kiệt cũng có mặt tốt. Họ thường là người biết lo xa, tính toán, lại chịu khó, trung thực, thương vợ con. Họ dễ cảm hóa nếu người vợ tinh tế, biết khen, trân trọng sự chắt chiu của chồng và biết góp ý khéo léo những khi thích hợp.

Các bà vợ tuyệt đối tránh nói xấu chồng với bạn bè, họ hàng mình, làm anh ấy mất mặt, càng không so sánh với người khác. Tóm lại, người vợ nên nói chuyện để dần "cảm hóa" chồng. 
Chia sẻ