Chồng em "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành"

Thanh Hoà,
Chia sẻ

Làm vợ, ai chả mong chồng xắn tay thu vén gia đình nhưng nhiều khi gặp phải những ông chồng "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành" thì chỉ còn nước: Than ôi...

Anh Thắng và chị Hằng (phường Nghĩa Tân- quận Cầu Giấy) đều là công nhân viên chức Nhà nước, lương tháng cộng lại gần chục triệu- niềm mơ ước của nhiều người, nhưng bản tính hà tiện khó thay đổi nên anh Thắng luôn quyết định chuyện ăn tiêu sinh hoạt trong gia đình. Mỗi ngày anh đưa cho vợ một số tiền cố định để đi mua sắm đồ ăn thức uống.

Chị Hằng tâm sự “Giá cả đắt đỏ, người ta cầm 100 nghìn ra chợ quanh đi quẩn lại chưa mua được thứ gì đã thấy hết tiền, huống chi 50 nghìn… Mà nào phải nhà mình thiếu thốn gì cho cam, kiếm được không ăn tiêu thì để làm gì cơ chứ. Đã nhiều lần mình đôi co với chồng về chuyện tiền nong nhưng anh ấy bảo thủ lắm! Nói ra chỉ cãi nhau rồi lại mang tiếng, xấu hổ nên mình đành ngậm hạt thị mà cho qua. Nhiều lúc nghĩ thấy cũng khổ, bản thân làm ra tiền hẳn hoi mà cứ như ăn bám, chờ chồng bố thí cho từng đồng vậy”.

 

Đi mua bán hàng ngày đã khổ, những khi nhỡ nhàng chuyện gì cần đến tiền càng khổ hơn. Có lần hết nước mắm nhưng trong người không có lấy một xu, chị đành lấy tạm gia vị để chấm rau. Ngay cả lúc cần mua vài thứ lặt vặt như cái cặp tóc hay cuộn giấy vệ sinh, chị cũng đều phải đợi anh Thắng đi làm về mới lấy được tiền.

Việc các ông chồng “tình nguyện” giữ tay hòm chìa khoá không phải hiếm trong xã hội hiện nay. Nhưng điều mà mọi người quan tâm là việc họ sử dụng đồng tiền ấy ra sao? Một người đàn ông quá ki bo và chi li sẽ phải chấp nhận cái nhìn thiếu thiện cảm, bởi trong con mắt nhiều người, đấng mày râu thường có tính cách phóng khoáng và đảm nhiệm những công việc to lớn hệ trọng.

Trường hợp của anh Thành (phường Kim Liên- Đống Đa) lại khá đặc biệt. Anh khác người ở chỗ: không chỉ giữ tiền, anh còn trực tiếp đi chợ mua bán rau dưa thức ăn hàng ngày với lý do “vợ tôi kém trong khoản này lắm, mua toàn bị đắt mà lại không biết chọn đồ ngon”.

Vậy là cứ mỗi sáng sớm, thay vì đi chạy, tập thể dục thể thao, anh vác làn ra chợ. Hôm đầu tiên, thấy chồng đi chợ cả tiếng đồng hồ chưa về, chị Vân tưởng anh gặp bất trắc gì trên đường nên vội vàng phóng xe đi tìm. Đến nơi, chị thấy anh vẫn đủng đỉnh xách làn lượn chợ, trong làn mới có được mớ rau và vài cọng hành.

Quan sát chồng một lúc, chị mới hiểu ra rằng: để mua được một món đồ, anh Thành còn phải lượn lờ, tham khảo giá cả chục hàng sau đó chọn hàng rẻ mà mua. Bực mình và cũng thấy xấu hổ vì chồng, chị đành lẳng lặng ra về. Cũng từ bữa đó, chị Vân cảm thấy chán nản và khinh thường chồng mình. Nghĩ lại lần trước, ngay cả cục tẩy con đang cần dùng, anh cũng phải đi tham khảo vài nơi rồi hai ba hôm sau mới mua được.

Những gia đình có đức lang quân như vậy thường phải chịu đựng không khí gia đình rất nặng nề. Dường như đấng mày râu đã bị chi phối và coi trọng đồng tiền đến quên cả tâm trạng và suy nghĩ của vợ con.

Theo các chuyên gia tâm lý, khi người chồng quá chi ly, người vợ không còn thấy phục và tôn trọng chồng như một đấng nam nhi mà thấy chồng mình tủn mủn như đàn bà. Chính từ đây sự khâm phục, ý muốn phụng dưỡng của vợ với chồng cũng mất dần. Họ không thấy niềm hạnh phúc khi được chăm sóc chồng và dường như nguời chồng cũng không cảm nhận được sự tình cảm người vợ.

Suy nghĩ cánh mày râu nên rộng rãi bao giờ cũng được chị em phụ nữ dễ chấp nhận hơn. Họ sẽ thấy tôn trọng và yêu thương chồng, cố gắng vun vén cho gia đình hơn nếu người chồng tin tưởng vào sự quán xuyến chăm lo gia đình của họ. Nói về vấn đề này, bác Thái (52 tuổi- Bạch Đằng-Hà Nội) cho rằng “Đấng mày râu cứ ngu ngơ đi một chút trong chuyện mớ rau, con cá, họ sẽ được chăm sóc và chiều chuộng nhiều hơn, đừng dại gì ôm rơm nặng bụng mà lại bị vợ xem thường”.

Thanh Hoà

Chia sẻ