Con ốm, lỗi tại mẹ hết!

Nguyễn Hằng,
Chia sẻ

Tun ăn gần hết nửa bát, ho một tiếng, lại trớ ra hết. Bố Tun xót con, hất bát cháo xuống nhà và mắng vợ là đồ không biết gì.

Thương con ốm, trách vợ

Mấy hôm trời trở lạnh, Tun bị viêm họng, sốt li bì. Mẹ Tun nựng nịu dỗ dành mãi con mới chịu ăn chút cháo. Thế nhưng, ăn gần hết nửa bát, con ho một tiếng, lại trớ ra hết. Bố Tun xót con, hất bát cháo xuống nhà và mắng vợ là đồ không biết gì. Cũng chỉ vì thế mà hai vợ chồng giận nhau cả tuần.

Cu Tun mới được hai tuổi, nhưng hơi nhẹ cân so với các bạn. Con ăn được ít, khi ăn quá no cũng bị nôn ra, khi ăn chơi đùa nhiều quá cũng bị trớ. Thế là mất công mẹ dỗ, con ăn xong cũng như chưa ăn gì.

Bao nhiêu lần như thế, nhưng cứ nhìn con bé hơn các bạn, bố Tun lại quay sang trách vợ không để ý giữ gìn sức khỏe, chăm sóc cho con... Còn chị, nhiều lúc "điên" lên, quay sang mắng chồng mải mê công việc, không kiên nhẫn chăm sóc con, đỡ đần vợ, lại còn lắm chuyện.
 
Hai vợ chồng vốn yêu nhau là thế. Từ ngày có con, không lúc nào thấy trong nhà được yên ắng!

Bực vợ vì con khóc ròng rã

Chẳng hiểu sao ngay từ lúc sinh ra, bé Cốm đã suốt ngày khóc. Con khóc cả đêm lẫn ngày khiến bố mẹ Cốm phải thay nhau bế, thay nhau dỗ con. Một hai ngày thì chuyện đó còn chấp nhận được. Chứ cả tuần, cả tháng liền, bố Cốm không chịu nổi.

Bà nội, bà ngoại đều an ủi hai vợ chồng: “Đây là chuyện bình thường. Trẻ con khóc dạ đề. Hết 3 tháng 10 ngày là nó nín ngay”.

Thế nhưng tiếng khóc của con làm cho bố Cốm dần dần khó chịu. Đi làm thì chớ, về nhà bao việc nhà lại chỉ nghe tiếng con khóc. Có hôm đi làm ca về, mệt mỏi, anh chẳng biết “giận cá chém thớt” ở đâu, giằng lấy bình sữa vợ đang cho con bú, quẳng ra sàn nhà.

Bé Cốm vì thấy lại khóc ré lớn, to hơn. Hai mẹ con lại ôm lấy nhau, mẹ khóc, con khóc. Mẹ Cốm giận chồng, mang con sang nhà bà ngoại ở, nhất quyết không về với “ông bố vũ phu”.
 
Chăm sóc con cần hiểu biết và nhẫn nại (Ảnh minh họa)

Chăm con cần sự nhẫn nại

Thấy con bị đau ốm, xót con, nhiều ông bố lại quay sang gây gổ, đổ lỗi cho các mẹ. Hai vợ chồng nhiều khi cũng chỉ vì những chuyện lặt vặt mà xảy ra xô xát. Họ chưa hiểu và thông cảm cho nhau, chưa biết rằng nuôi con cần phải nhẫn nại.

Khi con bị ốm, các ông bố đâu biết rằng các mẹ cũng xót con lắm chứ. Các mẹ có phàn còn mệt mỏi hơn vì lo chăm sóc con nữa. Sẽ thật bất công nếu như các bố không giúp gì được các mẹ mà chỉ biết trách móc, đổ lỗi loanh quanh.

Cách tốt nhất là trong mọi trường hợp, các bố nên giữ bình tĩnh. Khả năng chịu đựng của các mẹ tốt hơn các bố. Vì thế, nên bố có trót nóng giận lúc đó, các mẹ cũng nén lòng, không nên lời qua tiếng lại, sẽ gây căng thẳng cho cả hai bên.
 
Hơn thế, lúc con bị ốm, bố mẹ lại cãi nhau, lời qua tiếng lại càng khiến con mệt mỏi, sợ hãi hơn. Điều này không tốt cho con cả về mặt tâm lý và sức khỏe, có thể làm con ốm thêm.
 
Với các bố, khi con ốm, hãy chủ động cùng mẹ chăm sóc con, tìm hiểu về bệnh tình của con. Bố có thể truy cập mạng Internet, hay nhờ người quen, hỏi bác sỹ về tình trạng của con. Nếu con không chịu uống thuốc, mẹ có thể nhờ bố giúp nựng con hoặc dọn dẹp trong gia đình. Đó là cách chia sẻ với vợ và là cách chăm sóc con tốt nhất.

Hai vợ chồng bất hòa khi con ốm hay có một chuyện gì đó xảy ra trong gia đình cũng là điều dễ hiểu. Vì thế, trước khi kết hôn và sinh con, các bố mẹ tương lai hãy chuẩn bị chu đáo về tâm lý, tài chính để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống nhé!

Chia sẻ