Miền Bắc rét đậm, bố mẹ mất ngủ vì lo con ốm

,
Chia sẻ

Từ hôm trời bắt đầu rét đậm, nhiệt độ ban đêm xuống đến 15-17 độ, ít đêm vợ chồng chị Kiều (Hà Nội) ngủ trọn giấc vì lục đục dậy vài lần thay đồ, đắp lại chăn cho cô con.

"Bé nhà mình cứ đêm là đạp hết chăn ra, có khi mẹ giật mình mở mắt thấy con nằm tơ hơ, người lạnh ngắt. Mà mình không thể lúc nào cũng ngồi giữ chăn cho con được, đành mặc cho bé thật ấm trước khi đi ngủ. Thế nhưng có lúc sờ thấy lưng con đầy mồ hôi, lại lo sốt vó. Mấy hôm nay, hai vợ chồng phải đặt đồng hồ hẹn giờ, thay nhau dậy vài lượt trong đêm, kiểm tra xem con thế nào để điều chỉnh quần áo, chăn, tất", chị Kiều kể.

"Dù đã chú ý rất kỹ đến chuyện ăn, mặc của cháu rồi nhưng mình vẫn không yên tâm, vì ở nhà thì vậy, chứ đến trường, làm sao cô giáo có thể để ý từng ly từng tí mà mặc thêm hay cởi bớt áo ra cho con. Bé nhà mình thì nhiều mồ hôi, hơi nóng tí là đẫm lưng áo rồi. Lo nhất là con bị ốm", chị tâm sự.

Bé vẫn say giấc nồng khi được mẹ bế đến trường ngày đầu đông. Ảnh: Hoàng Hà.

Có cậu con trai bị hen phế quản mãn, cứ mỗi năm chuẩn bị đến mùa lạnh là chị Điểm (Long Biên, Hà Nội) lại thấp thỏm khôn nguôi. Chị cho biết, năm nay, dù đã chuẩn bị rất kỹ càng rồi, cũng mặc ấm cho con, cũng tránh khi gió lùa, sương giá, nhưng sau mấy ngày trời trở lạnh, cậu con lại tái phát cơn hen, khó thở và vừa phải vào viện khám, điều trị hôm qua.

"Đêm đến, cứ thấy con khò khè, rồi ho là lòng mẹ cũng thắt lại, đến khi con ngủ rồi mẹ cũng thao thức mãi không sao chợp mắt được. Chỉ mong con nhanh khỏi và mùa đông năm nay đừng khắc nghiệt quá, nếu không, hai mẹ con lại phải 'chiến đấu' trường kỳ ở bệnh viện", chị Điểm chia sẻ.

Con không bị bệnh, nhưng vì nhà cách trường mầm non của con khá xa, gần 6 km, chị Thuận (Hà Đông, Hà Nội) bắt đầu thấy lo lắng khi đưa bé đi học mỗi sáng.

"Lúc mới gửi con vào mùa hè, mình chỉ nghĩ con đi học xa chút, nhưng được học trường tốt, lại gần chỗ mẹ làm, lúc về tiện đón. Thế nhưng, từ hôm trời lạnh, thấy quãng đường 6km là cả vấn đề. Buổi sáng và chiều tối là lúc trời lạnh nhất, lại còn sương gió, khói bụi, mình là người lớn đi ngoài đường bằng xe máy đã thấy buốt căm căm, đã ngại rồi, huống hồ là trẻ con", chị Thuận kể.

Theo lời chị, vì phải đi học xa, nên mỗi sáng, chị phải đánh thức con dậy sớm hơn và vào những ngày đầu đông, mỗi lần đưa được cu cậu 2,5 tuổi khỏi giường giống như đánh vật. "Con thì mè nheo không muốn ra khỏi chăn ấm, mẹ hết dỗ dành đến ra lệnh, cuối cùng, khi con đã dậy thì lại 'cuộc chiến' mặc quần áo, giày tất diễn ra. Mấy hôm nay, mình toàn đi làm muộn vì luýnh quýnh cho con ăn rồi đưa con đi học buổi sáng. Riêng chuyện mặc áo, đội mũ, đi tất ở nhà, rồi cởi ra khi đến trường đã mất cả chục phút rồi", chị Thuận thổ lộ.

Mấy hôm nay, thấy cậu con bắt đầu ho hắng, chảy nước mũi, chị Thuận càng thấy xót xa và định sẽ xin chuyển cho con về học ở một trường tư thục ở gần nhà. "Vào trường tư thì tốn tiền hơn, mình cũng không yên tâm bằng, nhưng con vừa đỡ phải dậy sớm, đi xa mà mẹ cũng không vội quá vì có thể nhờ các cô cho con ăn sáng hộ", chị Thuận nói.

Là bác sĩ nhi ở một bệnh viện lớn ở Hà Nội, chị Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cho cậu con trai hơn 3 tuổi trong những ngày trời lạnh: Điều quan trọng nhất là ngay từ khi bé còn nhỏ, bố mẹ phải chăm sóc cho con có thói quen ăn uống thật tốt để bé khỏe mạnh, có sức đề kháng cao, dễ thích nghi với sự thay đổi thời tiết.

Theo chị, vào những ngày này, cần chú ý điều chỉnh trang phục của bé cho phù hợp, vì lạnh quá trẻ có thể bị cảm, nhưng nóng quá, trẻ ra mồ hôi, bị thấm ngược cũng dễ ốm. Tránh để bé ở nơi có gió lùa, nhiều sương và cho trẻ uống nhiều nước. Buổi đêm, bố mẹ có thể cho bé mặc áo liền quần bằng cotton bên trong để vừa thấm mồ hôi, thoáng, vừa vẫn che phủ tốt, rồi mặc thêm áo ấm vừa bên ngoài, sau đó có thể đắp cho bé chiếc khăn bông ở vùng bụng, ngực thì dù bé có đạp bỏ chăn, cũng không bị quá lạnh.
 
Theo Vnexpress
Chia sẻ