Thừa Thiên Huế: Bùng phát dữ dội dịch sốt xuất huyết

,
Chia sẻ

Dịch sốt xuất huyết (SXH) đã bùng phát dữ dội trên toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế khiến lãnh đạo tỉnh phải gửi công điện khẩn tập trung toàn bộ lực lượng để dập dịch đến toàn bộ các huyện, thị xã.

Theo BS Hoàng Văn Đức, Phó Chánh văn phòng sở Y tế TT-Huế, tính từ đầu năm cho đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 800 ca sốt xuất huyết, trong đó có trên 500 trường hợp dương tính. Hiện tại đã có 2 ca tử vong, được xác định là nhiễm SXH cấp độ 4.

 

Toàn tỉnh đã có 46/152 phường xã có người mắc bệnh. Riêng TP Huế là địa bàn có số người SXH nhiều nhất với 27/27 phường có người nhiễm bệnh. Trong thời gian cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2010, đặc biệt là 2 tuần trở lại đây, số bệnh nhân gia tăng với số lượng lớn. Trung bình có từ 17-20 ca bệnh đến khám, điều trị SXH tại bệnh viện Trung ương Huế.

 

Tại khoa Nhi, bệnh viện Trung ương Huế, hiện mỗi ngày có từ 40-50 bệnh nhi lên khám và điều trị bệnh. Số bệnh nhân đang nằm tại khoa xấp xỉ 100 cháu.

 

Tại khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Trung ương Huế, vì quá nhiều bệnh nhân SXH lên điều trị nên toàn bộ hành lang, chân cầu thang, phòng thay áo quần y tá - bác sĩ, thậm chí cả phòng họp giao ban của khoa cũng được tận dụng làm chỗ cho bệnh nhân.

 

Đặc biệt ở 2 địa bàn miền núi là huyện Nam Đông và A Lưới cũng đã phát hiện ra người nhiễm SXH - nguyên nhân do lây bệnh từ người nhiễm SXH từ các huyện, TP Huế di cư lên.

 

Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TT-Huế thì dịch SXH năm 2010 khác với những năm trước do tình hình khí hậu  diễn ra phức tạp. Do mùa lạnh năm nay đến muộn nên dự đoán dịch SXH sẽ còn tiếp diễn, đến khoảng tháng 12 Dương lịch mới chấm dứt.

 

Nguyên nhân một phần do TP Huế hiện đã trở thành một trung tâm du lịch nên lượng khách đến đông - mang theo những mầm bệnh SXH từ nơi khác đến. Thứ hai, đợt thi ĐH - CĐ tháng 7 vừa qua đã có hơn 60.000 học sinh, phụ huynh về Huế nên cũng là một lượng lớn mang theo mầm bệnh.


Ngoài ra, vấn đề điện cúp liên tục từ đầu mùa nóng và mưa nắng liên miên… đã làm muỗi sinh sôi phát triển.

 

Hiện tại, UBND tỉnh TT-Huế đã trích kinh phí 5 tỷ đồng để mua các trang thiết bị dụng cụ như bình xịt muỗi, thuốc, hóa chất… phát về các địa phương để chủ động xử lý, phòng ngừa các ổ dịch, những địa điểm có nguy cơ chứa muỗi SXH.

 

Ông Nguyễn Văn Cao, CT UBND tỉnh TT-Huế vừa phát công điện khẩn yêu cầu Tỉnh đoàn TNCS HCM chỉ đạo ngành Giáo dục tổng vệ sinh trường học trước năm học mới; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chỉ đạo các cấp đẩy mạnh tuyên truyền dịch và cách phòng chống dịch SXH đến từng các hộ gia đình, người dân.

 

Toàn bộ các bệnh viện, cơ sở y tế làm tốt công tác điều trị khi có bệnh nhân nhập viện. Riêng sở Y tế phải báo cáo lên UBND tỉnh tình hình người bệnh SXH trên địa bàn vào 15h30 hằng ngày.

 

Dưới đây là một số hình ảnh tại khoa Nhi và khoa Truyền nhiễm thuộc bệnh viện TƯ Huế với số bệnh nhân đến khám, điều trị đã gần như quá tải trong những ngày qua:

 

Chen chúc dẫn con đi khám SXH tại khoa Nhi

 

Nhiều em bé độ tuổi rất nhỏ đã bị sốt

 

Một em nằm mê man cũng phải chờ đến lượt mình khám vì quá đông

 

Một em đang chờ khám trong phòng bệnh

 

Lấy máu để thử bệnh

 

Tại các tầng khoa Nhi, bệnh nằm kín giường

 

Thường là mỗi giường 2 cháu

 

Tại khoa Truyền nhiễm, bệnh nhân nằm tràn ra ca cả hành lang

 

Trong phòng rất chật chội, nhiều bệnh phải nằm dưới đất

 

 

Người bệnh phải nằm trong phòng giao ban khoa

 

Bàn ghế đã được dẹp sang một bên để có giường cho người bệnh

 

Nằm cả trong phòng thay áo quần của y tá

 

Tại chân cầu thang cũng có giường “dã chiến”

 

Theo Đại Dương

Dân trí

Chia sẻ